Bộ trưởng Luận: Chúng ta học giống nước khác cách 40 năm

Giáo dụcThứ Hai, 06/01/2014 11:38:00 +07:00

(VTC News)- Người đứng đầu ngành giáo dục đã có những đánh giá về thực trạng giáo dục Việt Nam được nhiều chuyên gia đồng tình.

(VTC News)- Người đứng đầu ngành giáo dục đã có những đánh giá về thực trạng giáo dục Việt Nam được nhiều chuyên gia đồng tình.
Tại hội nghị quán triệt Nghị quyết TW8 và tổng kết năm học 2012-2013 khối Giáo dục đại học, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có những chia sẻ được hàng trăm đại biểu đồng tình khi đã chỉ ra đúng thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhìn thẳng vào những yếu kém, hạn chế của nền giáo dục nước nhà (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Bộ trưởng Luận cho biết ngay sau khi Đại hội Đảng lần thứ XI kết thúc, Bộ GD-ĐT đã chủ động cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều cơ quan khác tiến hành xây dựng và hoàn thiện nhiều lần bản Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Sau đây là những chia sẻ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận:

10 yếu kém

Trong đề án đã nêu rõ 10 hạn chế và yếu kém của giáo dục nước nhà, sau đây tôi xin phân tich một vài hạn chế trong số đó :

Thứ nhất: Chất lượng giáo dục còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng giáo dục có tiến bộ so với bản thân nó trước đây, nhưng so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, so với mong muốn của thầy và trò, của phụ huynh, của Đảng, nhà nước và xã hội  thì chưa đáp ứng.

Giáo dục và đào tạo nước ta chưa đóng góp được vào việc đưa nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành thế mạnh thực sự của đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.

Thứ hai: Hệ thống giáo dục còn cứng nhắc, thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục.

Hệ thống giáo dục của chúng ta hiện nay được ví như một nhà cao tầng (từ mầm non đến thạc sĩ, tiến sĩ), đáng lẽ phải có lối đi liên thông trong tất cả các tầng, nhưng hiện tại chúng ta muốn đi từ tầng 2, tầng 3 lên tầng 4, tầng 5 phải đi xuống tầng 1.

Thứ ba: Chương trình giáo dục còn coi nhẹ thực hành, coi nhẹ vận dụng kiến thức; Thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động.

Giáo dục nặng về lý thuyết, hàn lâm, không gắn với thực tiễn, không gắn với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Điều này xảy ra ở cả giáo dục bậc phổ thông và cả ở đại học.

Thứ tư: chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá lạc hậu, nhiều bất cập.

Chúng ta chưa chú ý đến việc giúp học sinh hình thành các kỹ năng mềm; dạy quá nặng về lý thuyết.

Thứ năm: Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Tôi xin giải thích rõ việc này: Cho đến nay, chúng ta đã tiến hành 3 lần cải cách giáo dục. Lần cải cách nào nào cũng có những mục tiêu và giải pháp cụ thể, và đều đạt được những kết quả rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên cả 3 lần cái cách đều chưa thay đổi được quan điểm chỉ đạo của việc thiết kế mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục và đặc biệt là chưa thay đổi được phương pháp dạy, phương pháp học và phương pháp kiểm tra, thi cử và đánh giá.

Qua tổng kết đánh giá thực trạng về giáo dục Việt Nam hiện nay, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quá trình phát triển khoa học giáo dục và tổ chức dạy - học ở trường phổ thông, chúng tôi nhận thấy: Cách thiết kế chương trình và cách dạy, cách học của chúng ta hiện nay giống như của các nước khác cách đây 30-40 năm trở về trước.

Nói nôm na là các môn học trong trường phổ thông (và nhiều môn học trong trường đại học cũng vậy) được thiết kế theo các bộ môn và lĩnh vực khoa học.

Với thực tế khối lượng kiến thức của nhân loại phát triển rất nhanh hiện nay, cách thiết kế như vậy ngày càng dồn ép khối lượng lớn kiến thức vào nhà trường, dồn từ bậc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ xuống đến trường tiểu học... và dẫn đến quá tải.

Cách thiết kế như vậy làm cho nội dung dạy và học mang tính hàn lâm, xa rời cuộc sống, và không được sử dụng đến trong thực tế đời sống thường ngày.
học sinh
Cách dạy và học hiện nay ở bậc học phổ thông còn tồn tại nhiều bất cập 
Với cách thiết kế các môn học ở các lớp thành các vòng tròn đồng tâm, nội dung giáo dục bị trùng lặp, trong đó có nhiều sự trùng lặp dù biết trước mà không thể tránh được.

Cách dạy và học trong nhà trường (cả phổ thông và đại học) về cơ bản là: Thầy truyền thụ và giảng giải kiến thức; Trò tiếp nhận và ghi nhớ kiến thức thầy trao cho.

Cách dạy học như vậy cộng hưởng với cách thi, cách đánh giá học sinh sinh viên (ai nhớ nhiều, học thuộc nhiều, đưa đúng đáp số thì điểm cao, cả ở bậc phổ thông và cả ở bậc cao đẳng, đại học cũng vậy) đã làm cho tình trạng quá tải, nhồi nhét, dạy thêm học thêm tràn lan có đất phát triển.

Thay đổi căn bản

Lần này, chúng ta sẽ phải thay đổi căn bản.

Thứ nhất, cách thiết kế chương trình và tổ chức biên soạn SGK mới sẽ có sự thay đổi lớn, với nguyên tắc: Tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới; Tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên.

 Cách thiết kế này cho phép lựa chọn có chủ đích trong khối kiến thức rất lớn, rất phong phú của các lĩnh vực khoa học những nội dung phù hợp với lứa tuổi (tâm lý, kỹ năng, nhận thức…) của học sinh phổ thông, gần với cuộc sống, thiết thực tham gia vào quá trình hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động mới.

Thứ hai, chúng ta sẽ chuyển từ việc dạy và học chủ yếu là truyền thụ kiến thức một chiều từ thầy sang trò sang phương pháp giáo dục mới nhằm hình thành năng lực và phẩm chất của con người lao động mới.

Ở các lớp học dưới, việc truyền thụ kiến thức vẫn còn nhiều, nhưng càng lên các lớp trên thì việc này càng giảm dần. Ở những lớp trên, vai trò của người thầy không chỉ còn là người truyền thụ kiến thức, mà còn là người cố vấn, tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học.





Phạm Thịnh (lược ghi)

Bình luận
vtcnews.vn