Bộ trưởng Đinh La Thăng: Trách nhiệm và nghĩa tình

Thời sựThứ Hai, 12/08/2013 10:55:00 +07:00

(VTC News) - Hơn 1 tuần sau khi Trần Hữu Hiệp hy sinh cứu người, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đến trao Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước cho gia đình anh.

(VTC News) – Chỉ hơn 1 tuần sau ngày Trần Hữu Hiệp hy sinh quên mình cứu người trong vụ đắm tàu thảm khốc Cần Giờ, Bộ trưởng Đinh La Thăng vào ngày Chủ nhật đã lên đường vào Thanh Hóa trao Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước truy tặng cho anh.

Trở về sau 2 ngày cuối tuần trực tiếp chỉ đạo cứu nạn vụ đắm tàu thảm khốc trên sông Soài Rạp, Cần Giờ, vào hôm thứ Hai tuần trước, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông Vận tải để có ngay quyết định truy tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giao thông vận tải” cho Trần Hữu Hiệp.

Và cũng trong ngày hôm ấy, Bộ trưởng đã ký quyết định trình Chủ tịch nước xem xét, truy tặng Huân chương Dũng cảm cho người thanh niên chọn cái chết quên mình cứu người ấy.

Bộ trưởng Đinh La Thăng trao Huân chương Dũng cảm của Chủ tịch nước truy tặng Trần Hữu Hiệp cho đại diện gia đình
Rất nhanh chóng, chỉ 4 ngày sau, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng Huân chương. Và cũng gần như ngay lập tức, sáng Chủ nhật, Bộ trưởng Thăng đã lên đường vào Thanh Hóa thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao Huân chương này cho gia đình Trần Hữu Hiệp.

Còn nhớ, khi vụ tai nạn đắm tàu thảm khốc xảy ra vào ban đêm thì 9 giờ sáng ông Thăng đã có mặt ở Cần Giờ trực tiếp chỉ đạo công tác cứu nạn và thăm hỏi thân nhân những người gặp nạn.

 

Những người biết về quá trình công tác của ông, đặc biệt là quãng thời gian làm Bí thư Đoàn năng nổ ở Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà lăn lộn trên công trình thủy điện Sông Đà sẽ hiểu những việc ông làm mang đậm tính cách của ông.
 
Giữa những đau thương chồng chất, sự có mặt của vị Bộ trưởng, lãnh đạo cao nhất của ngành giao thông vận tải ít nhiều sẽ làm những người thân ngóng đợi tin của nạn nhân cảm thấy an tâm; những người may mắn sống sót cũng thấy vơi bớt đi nỗi sợ hãi vừa thoát khỏi bàn tay thủy thần…

Xâu chuỗi những phản ứng tức thời đó, có thể thấy ông Thăng luôn đau đáu về trách nhiệm của mình. Và hơn thế, hành động của ông cũng đầy nghĩa tình trước những số phận không may mắn; phải nỗ lực hành động nhanh nhất để sư hy sinh anh dũng của một chàng trai có ý nghĩa hơn với cuộc sống này.

Những người biết về quá trình công tác của ông, đặc biệt là quãng thời gian làm Bí thư Đoàn năng nổ ở Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà lăn lộn trên công trình thủy điện Sông Đà sẽ hiểu những việc ông làm mang đậm tính cách của ông.

Tính cách ấy càng có cơ hội được thể hiện rõ khi ông trở thành Bộ trưởng GTVT. Tôi thì cho rằng đó là điều may mắn cho ngành giao thông nước nhà.

Bộ trưởng Thăng thăm hỏi những nạn nhân may mắn sống sót trong vụ chìm tàu thảm khốc ở Cần Giờ
Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của nước ta: Nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, cầu kết cấu bằng thép, đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình, đường vành đai cao tốc trên cao của Thủ đô… đều mang dấu ấn đậm nét của Bộ trưởng Đinh La Thăng. 

Lần đầu tiên, Việt Nam có tuyến đường trên cao dài 15 km dành riêng cho ôtô chạy suốt với tốc độ đến 100 km/giờ ở thủ đô, góp phần làm giảm rõ rệt ùn tắc trên các tuyến Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng vốn thường xuyên khiến người đi đường mỏi mệt và bức xúc.

Tháng 6/2012, tuyến cao tốc dài 50 km, nối Hà Nội đến Ninh Bình được thông xe với vận tốc lưu hành tối đa 100 km/h. Hàng loạt các cầu vượt bằng thép được đưa vào vận hành ở thủ đô, có sự đóng góp rất lớn của ông Thăng.

Đầu tháng 10 năm ngoái, kiểm tra công trường xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, trước sự ì ạch của dự án, Bộ trưởng Thăng đã quyết định thay tổng chỉ huy. Hai tháng sau, nhà ga này chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng sau 4 năm xây dựng.

Nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài cũng được Bộ trưởng thúc tiến độ dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2014…

Hàng loat các dự án được đưa vào khai thác đúng và vượt tiến độ: Cầu Phù Đổng 2, cầu Đầm Cùng, cầu Bến Thủy 2, cầu Rạch Chiếc, cảng biển Cái Mép - Thị Vải, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, cảng hàng không quốc tế Phú Quốc mới, đường sắt Hạ Long - Cái Lân… cũng có đóng góp rất lớn của ông Thăng.

Để biến những nỗ lực thành hiệu quả rõ ràng như trên, chắc chắn ông Thăng đã vấp phải không ít rào cản, thậm chí là những phản ứng quyết liệt. Vì vậy, có người đã gọi ông là nhà kỹ trị. Nhưng gần đây lại có quan điểm cho rằng ông là chính trị gia.

Nhưng với tôi, chỉ biết rằng những việc làm của ông thật quyết liệt, đầy trách nhiệm và đã mang lại kết quả rõ rệt, như một làn gió mới ảnh hưởng ngay đến thói quen giao thông của mình. Với tôi, ông cũng là vị Bộ trưởng đầy nghĩa tình, đau đáu trước nỗi đau của con người.

Lê Việt Hà

Bình luận
vtcnews.vn