Bộ trưởng Đinh La Thăng căng mình trên ba mặt trận

Thời sựChủ Nhật, 13/07/2014 11:30:00 +07:00

Chấn chỉnh tình trạng chậm giờ, hủy chuyến của ngành hàng không, Bộ trưởng Thăng đang căng mình trên 3 mặt trận.

Chấn chỉnh tình trạng chậm giờ, hủy chuyến của ngành hàng không, Bộ trưởng Thăng đang căng mình trên 3 mặt trận.

Tối 12/7, Vietnam Airlines (VNA) cho biết do tình hình thời tiết xấu, mưa dông lớn tại các sân bay Tân Sơn Nhất và Thượng Hải, Quảng Châu (Trung Quốc), nhiều chuyến bay của VNA đi/đến các sân bay này đã bị ảnh hưởng.

Cụ thể tại sân bay Tân Sơn Nhất mưa dông kéo dài từ 12h17 đến 14h15 làm 2 chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay dự bị; 9 chuyến bay cất, hạ cánh chậm.

Tại sân bay Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc), mưa dông lớn ảnh hưởng đến 2 chuyến bay đi/đến Thượng Hải và 1 chuyến bay Quảng Châu - Hà Nội bị chậm giờ cất, hạ cánh (VN530 Hà Nội - Thượng Hải hạ cánh muộn 45 phút, VN531 Thượng Hải - Hà Nội cất cánh muộn 3 giờ 15 phút, VN507 Quảng Châu - Hà Nội cất cánh muộn 1 giờ 30 phút). Tổng cộng, đã có 2.461 hành khách bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ GTVT, Cục Hàng không, Tổng Cục đường sát

Khách hàng vạ vật chờ bay  

Như vậy, tính từ ngày 7/7 đến ngày 12/7, do thời tiết xấu, mưa to, gió mạnh ở các sân bay Pleiku, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Điện Biên cũng làm gần 97 chuyến bay của VNA bị hủy, chậm, đổi hướng làm khoảng 6.000 khách ảnh hưởng.

Cụ thể, đã có 40 chuyến bay đi/đến Pleiku, Đà Lạt bị hủy. 7 chuyến đến Pleiku và Buôn Ma Thuột phải đổi hướng. 50 chuyến đi/đến các sân bay khác bị ảnh hưởng chậm chuyến dây chuyền.

Hàng không lòng vòng bắt khách như xe khách!


Tình trạng hủy chuyến, chậm chuyến của ngành hàng không khiến Bộ trưởng Thăng rất không hài lòng. Tại buổi họp của Bộ GTVT sáng 11/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thẳng thắn phê phán: "Một ngày tôi nhận rất nhiều tin nhắn báo hoãn, hủy chuyến, có Thứ trưởng tài chính phàn nàn là nhỡ hết cuộc họp, chả nhẽ tôi gọi cho Cục trưởng Hàng không yêu cầu xin lỗi". Bộ trưởng gọi tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến là bất bình thường.

Bộ trưởng Thăng nhận định, "lỗi lớn nhất tồn tại trong ngành hàng không hiện nay là luôn cho rằng "tôi không có lỗi gì mà là lỗi của người khác". Nếu còn vô cảm, còn bàng quan, còn đổ lỗi trách nhiệm thì không thể khắc phục được", Bộ trưởng Thăng nói.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không, cho biết 6 tháng đầu năm tỷ lệ chậm chuyến của các hãng hàng không trong nước là 20,9% (tăng 5,2% so với cùng kỳ 2013), tỷ lệ hủy chuyến là 3,2% (tăng 0,5% so cùng kỳ). Vietnam Airlines (VNA) có tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất cũng lên tới 12,3% (tăng 2,4%); trong khi đó của Vietjet Air và Jestar Pacific lên tới hơn 40%, gây bức xúc cho hành khách và dư luận. "Chậm, hủy chuyến bay do chủ quan của các hãng chiếm 72%, chủ quan toàn ngành là 90%, còn lại là nguyên nhân khách quan", ông Thanh nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nói thẳng: "Cục trưởng hàng không có nên làm tiếp khi nguyên nhân chủ quan tới 90%?". Ông Thăng chỉ ra rằng nguyên nhân cốt lõi là do máy bay ít khách nên các hãng dồn khách sang chuyến sau, cố tình chậm giờ, không bay vì ít khách, giống như xe khách ít khách thì đi lòng vòng, để đón khách.

“Tại sao năm ngoái tỷ lệ thấp, năm nay lại tăng cao, phải làm rõ mấu chốt này. Khách hàng là thượng đế mà bắt thượng đế lang thang, vật vờ ở sân bay, thái độ của nhân viên thì không tốt, thiếu tôn trọng hành khách. Phải xem đây là lỗi chung, sự xấu hổ chung của toàn ngành”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Các đơn vị phục vụ mặt đất như Tổng công ty quản lý bay, Tổng công ty cảng hàng không VN đều lý giải việc chậm, hủy chuyến do thời tiết, quá tải tại cảng, vật ngoại lai...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng khẳng định: “Không thể để tình trạng các hãng vô tư chậm hủy chuyến mà không bị xử lý, không ai chịu trách nhiệm, cuối cùng hòa cả làng chỉ có khách hàng là khổ. Cục Hàng không cần xây dựng chế tài xử lý các hãng hàng không khi để xảy ra chậm, hủy chuyến, thậm chí có thể rút giấy phép kinh doanh”.

Xử thẳng đường bộ, đường sắt

Trước đó, vì quá sốt ruột về sự trì trệ, bất cập của ngành đường sắt, Bộ trưởng đã có những chỉ trích gay gắt đối với ngành này, thậm chí ông còn ví von rằng ngành đường sắt trồng sung rồi ngồi chờ sung rụng, làm việc theo kiểu quả trứng - con gà.

Người đứng đầu ngành giao thông đã nhiều lần khẳng định việc tái cơ cấu, cổ phần hóa là con đường ngắn nhất và duy nhất để thay đổi sự độc quyền và trì trệ của ngành đường sắt. Ngày 9/5, Bộ trưởng Thăng đã chỉ đạo thanh tra toàn diện đối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Thăng, rất nhiều dự án quan trọng của đường sắt mà lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo từ rất lâu, rất nhiều lần, nhưng đường sắt triển khai rất chậm. Sự trì trệ của đường sắt khiến ông vô cùng sốt ruột. "Sai phạm xảy ra cần bắt người thì cũng bắt rồi, 6 người bị bắt, tạm giữ nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, một Phó tổng giám đốc thì đang bị công an gọi lên hàng ngày. Với đường sắt sẽ còn tiếp tục xử lý nữa", bộ trưởng Thăng khẳng định.

Nói là làm, ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã công bố quyết định thôi chức vụ TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN với ông Nguyễn Đạt Tường. "Đối với tôi anh Tường là người tốt, đạo đức trong sáng, nhưng công việc anh làm không tốt thì tôi buộc phải thay. Anh đứng đầu một đơn vị, công việc trì trệ thì anh phải làm việc khác cho phù hợp, lý do chỉ có thế", Bộ trưởng Thăng giải thích.

Đối với đường bộ, Bộ trưởng Thăng liên tiếp đưa ra những quyết định trảm tướng mạnh mẽ. Trước tình trạng, mặt đường tránh Huế có hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, phải cào bóc và thảm lại, nếu vẫn hư hỏng sẽ cách chức lãnh đạo Ban quản lý dự án.

Ông ra thời hạn, trong tháng 7 các đơn vị phải sửa xong tuyến đường và ông sẽ quay lại tuyến kiểm tra. "Nếu nhà thầu sửa đường không đảm bảo thì lãnh đạo nhà thầu, tư vấn giám sát sẽ phải chịu trách nhiệm. Bộ sẽ cách chức lãnh đạo nhà thầu và thay tư vấn giám sát", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với tình trạng đường xấu vẫn thu phí, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo: "Đường xấu thế này mà các anh cũng thu phí của người dân à? Tôi đề nghị phải dừng ngay việc thu phí qua hầm Đèo Ngang cho đến khi khắc phục xong những sụt lún này”, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo.

Tình trạng thi công kiểu phong trào, hay xe quá tải cũng được Bộ trưởng chỉ đạo rất quyết liệt. Bộ trưởng Đinh La Thăng từng cho rằng cần nghiêm túc xử lý những cá nhân làm đường không đạt yêu cầu, phải đưa ra khỏi ngành giao thông. Theo đó, chấn chỉnh những ban quản lý yếu kém, xóa đơn vị tư vấn “ma”.

Trước đó, ngày 16/5, Bộ trưởng Thăng đã thẳng thắn phê bình Cục trưởng Cục QLXD&CLCT GTVT Trần Xuân Sanh là tư lệnh chất lượng, nhưng cũng là điển hình của sự cả nể trong xử lý.

Bộ trưởng Thăng gay gắt: "Giao cho anh rà soát cầu yếu, anh báo cáo 131 cái, không đập 56 cái, tiết kiệm được hàng nghìn tỉ đồng. Nếu lãnh đạo Bộ gật cho làm cầu mới thì hoà cả làng à. Người ta phản ánh với tôi đòi tỷ lệ phần trăm, anh đã xử lý chưa?".

Ông Sanh cho biết đã làm việc ngay với đơn vị tư vấn và nhà thầu, nhưng nhà thầu nói không có việc này. Tuy nhiên, ông Thăng cho rằng, nếu nhà thầu nói không có nhưng lại báo cáo Bộ trưởng có việc đòi tỷ lệ phần trăm, thì phải xử lý theo hình thức vu khống. "Nếu cứ như thế này thì Cục Quản lý chất lượng chuyển thành Cục Hoà giải chất lượng à?".

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 4/7, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã thêm 1 lần nhắc nhở Cục QLXD và CLCT giao thông về tiến độ thi công dự án cải tạo quốc lộ 20 đoạn từ ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) tới TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), Bộ trưởng Thăng nhận định: "Quốc lộ 20 thi công kiểu đối phó”.
Cổ phần hóa VNA, xã hội có lợi gì?
Theo kiến nghị của VNA, để có thêm vốn đầu tư phát triển sau cổ phần, VNA đưa ra phương cán cụ thể như sau: Thứ nhất, Vietnam Airlines đã đề xuất Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ cho phép được giữ lại toàn bộ phần thặng dư vốn phát hành thêm cổ phần tương ứng với vốn nhà nước (75% vốn điều lệ) khi thực hiện cổ phần để tăng thêm vốn đầu tư làm cơ sở bổ sung nguồn vốn mua máy bay.
Theo kế hoạch của Vietnam Airlines, năm 2015, hãng sẽ bổ sung các dòng máy bay thân rộng công nghệ hiện đại thế hệ mới (4 máy bay A350, máy bay B787) Thứ hai, Vietnam Airlines kiến nghị tiếp tục được thực hiện cơ chế Chính phủ bảo lãnh miễn phí 100% vốn mua máy bay, động cơ máy bay…; cho phép miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp với các khoản vay để thực hiện mua máy bay A350 và B787.

Ngoài ra, hãng cũng đề nghị được tiếp tục dùng tên Tổng công ty hàng không Việt Nam và tên viết tắt Vietnam Airlines để giữ thương hiệu từ trước đến nay. Tức là loại hình hoạt động là doanh nghiệp cổ phần nhưng thương hiệu vẫn là VNA. Qua đánh giá những phương án cụ thể của VNA, có thể nhận thấy rõ thực chất mục tiêu của họ là tạo điều kiện để VNA phát triển thông qua việc tăng vốn điều lệ; giữ nguyên các cơ chế ưu đãi như khi chưa thực hiện cổ phần để phát triển giữ nguyên đội tàu bay.
Bộ GTVT đã thống nhất nhất quán với phương án cổ phần như VNA đề xuất. và trình Chính phủ xin ý kiến. Theo đánh giá của Bộ GTVT đây là phương án tạo điều kiện cho VNA phát triển, trong quá trình phát triển sẽ giảm dần tỉ lệ sở hữu vốn nhà nước xuống không quá 65% để cho phù hợp với thực tế.


Theo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn