Bộ GTVT và 2 điểm dự thảo nghị định gây xôn xao

Thời sựThứ Năm, 07/03/2013 06:49:00 +07:00

(VTC News) - Dự thảo nghị định mới đây của Bộ Giao thông vận tải vẫn còn khá nhiều điều gây tranh cãi.

(VTC News) - Dự thảo nghị định mới đây của Bộ Giao thông vận tải vẫn còn khá nhiều điều gây tranh cãi.

Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn tất dự thảo Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Dự thảo này có nhiều điểm mới so với những Nghị định trước đó về hình thức và mức xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông.

1. Xe không chính chủ phạt từ 100.000 - 4 triệu đồng


Việc quy định xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm hành vi: không làm thủ tục chuyển đổi lại Giấy đăng ký xe theo quy định sau khi đã mua, được cho, được tặng, được thừa kế tài sản là phương tiện; không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định (tại điểm b, điểm c khoản 1; điểm h, điểm i khoản 4 Điều 30 của Dự thảo Nghị định) gây tranh cãi nhiều nhất.

Nhiều người cho rằng, không quy định xử phạt hành hành vi vi phạm này vì hành vi vi phạm nói trên thuộc điều chỉnh của pháp luật về phí và lệ phí.

Việc phạt xe không chính chủ vẫn gây tranh cãi gay gắt (Ảnh: Internet) 
Trong khi đó, số khác cho rằng quy định về đăng ký phương tiên, phí phương tiện (hiện nay là Quỹ bảo trì đường bộ) được quy định trong Luật Giao thông đường bộ vì vậy cần quy định xử phạt các hành vi vi phạm nói trên, đề nghị điều chỉnh mức phạt tiền tương ứng với mức phí tương ứng.

Dự thảo Nghị định thể hiện theo ý kiến 2 và giảm mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm này xuống tương đương với mức lệ phí trước bạ và phí tham gia giao thông.

2. Nâng mức phạt với nhiều hành vi vi phạm

Thứ nhất, điều 34, quy định về việc xử phạt người đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép, Dự thảo Nghị định quy định, phạt tiền từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.

Phạt tiền từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô trái phép;  Phạt tiền từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm:Người đua xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy mà chống người thi hành công vụ; Tổ chức đua xe trái phép.

Những trường hợp đua xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, đua ô tô trái phép, người đua xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy mà chống người thi hành công vụ sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện.

Thứ hai, người tham gia giao thông có lời nói, hành động đe doạ, lăng mạ, xúc phạm hoặc chống lại người thi hành công vụ sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng.
Từ 1/7 các trường hợp đua xe ô tô, xe máy sẽ bị tịch thu xe và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng.  
Điều 35 của Nghị định nêu rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.


Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về: Các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện, điều kiện hoạt động của phương tiện, hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện;

Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ, xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, sử dụng uy tín của cá nhân, tổ chức để gây áp lực, cản trở người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đưa hối lộ cho lực lượng làm nhiệm vụ; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, mô tô, máy kéo, các loại xe tương tự ô tô, các loại xe tương tự mô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 2 tháng.

Thứ ba, người điều khiển xe sử dụng còi, đèn xe không đúng quy chuẩn sẽ bị phạt từ 100.000 – 3.000.000 đồng.

Điều 17 của Dự thảo Nghị định có nêu, phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe; Không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn;

Không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng; Không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và Sử dụng đèn chiếu sáng không đúng tiêu chuẩn thiết kế của từng loại xe.

Đây là lần đầu tiên, việc sử dụng đèn chiếu sáng không đúng tiêu chuẩn thiết kế của từng loại xe được đưa vào Dự thảo Nghị định để xử phạt.
Chứng kiến một vụ tai nạn giao thông, nhiều người không những không cứu giúp người bị nạn mà còn lợi dụng để "hôi của". Tới đây, hành vi này có thể bị phạt từ 5-7 triệu đồng. 
Thứ tư, chứng kiến một vụ tai nạn giao thông, nhiều người không những không cứu giúp người bị nạn mà còn lợi dụng để "hôi của". Tới đây, hành vi này có thể bị phạt từ 5-7 triệu đồng.


Khoản 5, Điều 11 quy định, phạt tiền từ 5.-7 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm một trong các hành vi sau đây: Ném gạch, đất, đá hoặc vật khác gây nguy hiểm cho người hoặc phương tiện đang tham gia giao thông;

Ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ, chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông;

Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn hoặc người gây tai nạn; Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép, làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn giao thông.


 

Chứng kiến một vụ tai nạn giao thông, nhiều người không những không cứu giúp người bị nạn mà còn lợi dụng để "hôi của". Tới đây, hành vi này có thể bị phạt từ 5-7 triệu đồng.
 
Với việc bổ sung xử phạt hành vi Xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người bị nạn hoặc người gây tai nạn và lợi dụng việc xảy ra tai nạn để hành hung, đe doạ, xúi giục làm mất trật tự công cộng, đây sẽ là lần đầu tiên trong các văn bản pháp luật các hành vi này được đưa vào nghị định để xử phạt.


Thứ năm, phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe.

Thứ sáu, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu dừng xe nơi có biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”; đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.

Thứ bảy, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức cố ý thay đổi, xóa dấu vết hiện trường vụ tai nạn giao thông.

Đó là những hành vi vi phạm lần đầu được đưa vào nghị định để xử phạt hoặc đã bị nâng mức phạt so với trước. Dư luận hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Hiện Dự thảo Nghị định đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và người dân lần thứ 2. Dự kiến sau khi kết thúc đợt lấy ý kiến, dự thảo này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ký và thực thi từ 1/7 tới.








Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn