Bố cầm điếu cày đánh chết con: Câu hỏi lớn không lời đáp

Thời sựThứ Năm, 20/03/2014 07:45:00 +07:00

Nếu như hành động của Đỗ Doãn Lợi được nhắc nhở, cảnh cáo kịp thời, liệu cháu Lộc có phải bỏ mạng?

Nếu như hành động của Đỗ Doãn Lợi được nhắc nhở, cảnh cáo kịp thời, liệu cháu Lộc có phải bỏ mạng?

"Cũng đã làm cha của một người con, khi biết sự việc của cháu Lộc, tôi không khỏi bàng hoàng và luôn tự hỏi, tại sao một người cha lại có thể hành động tàn nhẫn với con mình đến như vậy? Tục ngữ có câu “hổ dữ cũng không ăn thịt con” cơ mà!" - bàng hoàng và bức xúc trước vụ cháu bé 8 tuổi bị bố đánh đến chết, thầy giáo Vũ Ngọc ở Yên Bái đã viết.

Những ngày qua, Bắc Ninh dường như trở thành 'tâm điểm' của dư luận sau vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng.

Ngày 15/03/2014, cháu Đỗ Doãn Lộc (SN 2006, trú tại phố Nhà Chung, phường Tiền An, TP Bắc Ninh) đã bị cha đẻ là Đỗ Doãn Lợi dùng roi, điếu cày đánh đập trọng thương phải nhập viện Việt - Đức (Hà Nội) trong tình trạng hôn mê sâu, đa chấn thương.

Đến 16h ngày 18/03/2014, mặc dù được đội ngũ y bác sỹ tận tình quan tâm cứu chữa, nhưng vì thương tích quá nặng nên cháu không thể qua khỏi.

Đây là một sự việc vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, thuần phong mĩ tục và đạo đức gia đình của người Việt Nam.

Nếu nhìn lại những năm vừa qua, thì đây chưa phải là vụ việc duy nhất mà chỉ là một trong nhiều vụ bạo hành trẻ em ở cấp độ nghiêm trọng mà thôi.

Bắc Ninh; bạo hành; đánh con

"Nếu như được sự hỗ trợ của nhân dân khu phố, với trọng trách của mình, cơ quan quan chức năng can thiệp nhắc nhở, cảnh cáo kịp thời trong những lần bạo hành trước đó thì liệu Đỗ Doãn Lợi có dám mạnh tay với con vào ngày 15/03/2014? Và cháu Lộc có phải bỏ mạng như sự việc đã rồi không?"

Điều đáng nói là, mặc dù những kẻ gây tội với trẻ em trong những lần trước đều bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc (Quản Thị Kim Thoa - Đồng Nai 18 tháng tù giam (2008); Lê Thành Tám 6 năm tù giam, Nguyễn Thị Xuân Lan 5 năm tù giam (2010); Huỳnh Hoành Giang, Mã Ngọc Thơm – Cà Mau 23 năm tù giam (2010); Trần Thị Xuân Nữ 4 năm tù giam (2010); Vũ Văn Quang – Thanh Hoá 20 năm tù giam (2011); Gần đây nhất bão mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý lĩnh án 3 năm tù giam…)...

Nhưng dường như, những bài học xã hội chưa thật sự hiệu quả khi càng về sau các vụ bạo hành trẻ em càng nhiều và cấp độ càng nguy hiểm hơn, và điển hình là trường hợp của cháu Đỗ Doãn Lộc.

Thật vậy. Qua những gì gia đình, người thân, lối xóm của cháu Lộc kể lại, quả thật chúng ta những bậc làm cha, mẹ luôn “… đắm đuối vì con” không khỏi xót xa cho cháu, một số phận cô đơn lẻ loi và vô cùng bi đát.

Cũng đã làm cha của một người con, khi biết sự việc của cháu Lộc, tôi không khỏi bàng hoàng và luôn tự hỏi, tại sao một người cha lại có thể hành động tàn nhẫn với con mình đến như vậy?

Tục ngữ có câu “hổ dữ cũng không ăn thịt con” cơ mà!

Đến đây, tôi nhớ lại lời nói của nhà văn hoá Phan Kế Bính trong cuốn Việt Nam phong tục. Ông viết “xét tục ta, sinh con ra ai cũng biết thương, biết mến, biết chăm chỉ nuôi nấng, dạy dỗ cho con nên người, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, thực là hết lòng hết dạ…”. Đây mới là cách yêu thương, chăm bẵm con cái của người Việt.

Ấy vậy mà những sự việc đau lòng như trên vẫn xảy ra thường xuyên và đây chắc chắn cũng chỉ là mặt nổi của một 'tảng băng lớn' mà phần chìm căn bản còn nằm dưới nước mà thôi!

Chúng ta đều biết rằng, phần lớn những vụ bạo hành trẻ em trong những năm qua đều xuất phát từ hành động của những kẻ có trình độ văn hoá thấp kém, đời sống không ổn định.

Đây là khía cạnh mang tính giáo dục liên quan đến đời sống xã hội, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang phát triển như hiện nay. Giai đoạn đó sẽ qua đi theo thời gian và sự phát triển của đất nước.

Nhưng riêng ở góc độ xã hội thì có khác. Nó nằm ở ý thức cộng đồng, tinh thần đùm bọc lẫn nhau của mọi thành viên trong xã hội. Điều này ít phụ thuộc vào kinh tế.

Vậy chúng ta đã đặt trọng trách của bản thân mình được đến đâu trong việc hạn chế mức độ bạo hành đối với trẻ em? Câu hỏi này có thể đặt vào vụ việc của cháu Đỗ Doãn Lộc.

Rõ ràng, những người hàng xóm, ngay cả ông tổ trưởng dân phố biết rằng cháu Lộc hay bị cha đánh đòn, có lần phải khâu 5 mũi nhưng không báo cơ quan chức năng can thiệp!?

Và liệu cơ quan công an phường Tiền An đã làm tròn nhiệm vụ của mình chưa khi để mức độ sự việc xảy ra đến như vậy?

Tôi lưu ý rằng, Đỗ Doãn Lợi là kẻ có tiền án, vừa ra tù. Nếu như được sự hỗ trợ của nhân dân khu phố, với trọng trách của mình, cơ quan quan chức năng can thiệp nhắc nhở, cảnh cáo kịp thời trong những lần bạo hành trước đó thì liệu Đỗ Doãn Lợi có dám mạnh tay với con vào ngày 15/03/2014? Và cháu Lộc có phải bỏ mạng như sự việc đã rồi không?

Đây là một câu hỏi cần nhanh chóng có lời giải đáp, không chỉ riêng cho vụ việc của em Đỗ Doãn Lộc, mà cho tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam...

» Cháu bé bị bố dùng điếu cày đánh đã tử vong
» Tạm giữ người bố dùng điếu cày đánh con nguy kịch
» Bé bị bố đánh chấn thương sọ não, khó qua khỏi

Theo VNN
Bình luận
vtcnews.vn