BK Holdings và mô hình ươm tạo, chuyển giao công nghệ từ trường đại học

Sản phẩmThứ Ba, 18/09/2018 11:02:00 +07:00

Mô hình ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ từ Đại học Bách Khoa Hà nội – BK Holdings được đánh giá là mô hình liên kết chuyển giao công nghệ hướng đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong trường đại học đạt hiệu quả cao.

Tại Diễn đàn Mô hình liên kết thúc đẩy và phát triển thị trường KHCN dưới sự chủ trì của Bộ KHCN và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, do Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN (NATEC) phối hợp với Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) tổ chức mới đây, ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc Vườn ươm BK Holdings đã chia sẻ về mô hình ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ từ trường đại học của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trong đó, ông Hiệp nhấn mạnh vào 3 mô hình quan trọng được Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng như BK Holdings áp dụng để ươm tạo, chuyển giao và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KHCN trong Trường.

BK Holdings (1)

 Ông Phạm Tuấn Hiệp - Giám đốc Vườn ươm BK Holdings chia sẻ về mô hình ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ từ trường đại học (Ảnh: vietnam+)

Về mô hình ươm tạo công nghệ trong trường đại học, có thể kể đến ví dụ rõ nét nhất và đầu tiên là Tập đoàn công nghệ BKAV. Cách đây 10 năm, đây là một dự án có phần mềm diệt virus của ông Nguyễn Đình Quảng, được ươm tạo trong trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhận hỗ trợ rất nhiều từ các đề án, đề tài của Bộ KHCN để có thể thương mại hóa phần mềm của mình và trở thành một công ty kinh doanh, dẫn đầu Việt Nam cũng như có một vị trí nhất định trên thế giới về vấn đề an ninh mạng.

"Về mô hình chuyển giao công nghệ từ trường đại học, chúng tôi có một câu chuyện thực tế từ sự hợp tác chuyển giao công nghệ và thương mại hóa những kết quả nghiên cứu giữa Đại học Bách Khoa Hà Nội và Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông”, ông Hiệp cho biết.

Thực tế, những bóng đèn com-pắc và đèn led xuất hiện phổ biến của Rạng Đông hiện nay đều áp dụng tương đối các kết quả từ một nghiên cứu trong sự hợp tác nêu trên. Cụ thể, đối với bóng đèn com-pắc, ban đầu chỉ có một phổ ánh sáng đơn giản. Việc chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ Đại học Bách Khoa Hà Nội cung cấp thêm những phổ phản quang đã làm tăng phổ phát sáng của đèn và giúp đèn có thể được ứng dụng với nhiều mục đích hơn, bao gồm phát sáng dân dụng và phát sáng trong sản xuất thanh long.

Đến thời điểm hiện tại, mô hình ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ từ trường đại học của Đại học Bách Khoa Hà Nội, bên cạnh Phòng KHCN – dạng thể chế truyền thống của những trường học về kỹ thuật, công nghệ, thì Trường còn có mô hình doanh nghiệp ngay trong trường, được chia là 3 nhóm là BK Holding Education, BK Holdings Technology và BK Holdings Incubator với các chức năng khác nhau. Đây cũng là mô hình thứ 3 được ông Hiệp nêu ra trong bài phát biểu của mình.

BK Holdings (2)

 Hệ thống doanh nghiệp ngay trong trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (Ảnh: BK Holdings)

Theo đó, ông cho rằng hệ thống doanh nghiệp này chính là một công cụ rất hữu hiệu, thuận lợi cho việc hợp tác, thương mại hóa và giao dịch những công nghệ trong Trường. Cụ thể:

Thứ nhất, Đại học Bách Khoa Hà Nội không có tư cách pháp nhân để đấu thầu, áp dụng và thương mại hóa những đề tài nghiên cứu có khả năng, tiềm năng để thương mại hóa về KHCN trong Trường. Do đó, nhóm doanh nghiệp BK Holdings có thể thực hiện vai trò giúp thương mại hóa và đẩy các đề tài như thế ra thị trường. Đây là vai trò “push” (đẩy) của hệ thống các doanh nghiệp trong Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Thứ hai, các doanh nghiệp trong Trường có vai trò “pull” (kéo), tức là họ sẽ có những hợp đồng với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài bên để hai bên cùng hợp tác, đầu tư, thương mại hóa các công nghệ trong Trường. Thêm vào đó, những “lab” (phòng thảo luận) để thương mại hóa – khác hoàn toàn so với những “lab” để nghiên cứu, có thể được mở ra để các doanh nghiệp BK Holdings trực tiếp tham gia ký kết về các điều khoản đầu tư, hợp tác, chia sẻ sở hữu trí tuệ với các tập đoàn nước ngoài một cách thuận tiện hơn. Hiện tại, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã triển khai được 2 “lab” với mục đích thương mại hóa như vậy.

Từ mô hình này, BK Holdings đã tạo được mạng lưới liên kết chặt chẽ với 25 viện đào tạo và nghiên cứu, 150 nhóm nghiên cứu với 400 dự án/năm, 8 patens/năm, hình thành hệ thống Cơ sở ươm tạo và các HUB công nghệ.

Tuy nhiên, ông Hiệu cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được từ mô hình ươm tạo công nghệ và chuyển giao công nghệ nêu trên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định mà Đại học Bách Khoa Hà Nội và BK Holdings đang tiếp tục giải quyết.

Thứ nhất, trong Trường cần có mô hình chuyên nghiệp về môi giới, ươm tạo, thương mại hóa công nghệ. Những mô hình này đòi hỏi tính đa ngành, dù vậy, thực tế, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng như các trường về kỹ thuật, công nghệ khác chủ yếu chỉ có đội ngũ chuyên gia về công nghệ, rất cần bổ sung thêm nhân sự giỏi về tài chính, quản trị kinh doanh, xây dựng mạng lưới kết nối, và đặc biệt là các chuyên gia về môi giới. Hiện nay, BK Holdings đang tiếp tục nâng cao năng lực, đáp ứng những yêu cầu về mặt nhân sự kể trên.

Thứ hai, là năng lực kết nối với các doanh nghiệp còn hạn chế. “Để giải quyết vấn đề này, trong vòng 2 năm trở lại đây, chúng tôi thường xuyên tham gia đồng hành cùng VCCI, NATEC trong cả 2 mảng thúc đẩy về khởi nghiệp và thúc đẩy về thương mại hóa, giao dịch để tăng cường mạng lưới kết nối với các doanh nghiệp”, ông Hiệp nói thêm.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn