Bình Định: Số người chết vì ung thư tăng bất thường

Thời sựThứ Bảy, 24/09/2011 11:59:00 +07:00

(VTC News) – Vài năm trở lại đây, thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ (Bình Định), đã có gần 20 người chết vì bệnh ung thư, khiến người dân hết sức lo lắng...

(VTC News) – Gần chục năm trở lại đây, thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ (Bình Định), đã có gần 20 người chết vì bệnh ung thư. Trong khi người dân đang hết sức lo lắng vì bệnh tật thì chính quyền địa phương lại tỏ ra rất thờ ơ.


Người dân lo lắng…


Ở hạ lưu sông La Tinh, thôn An Mỹ, nằm uốn lượn theo dòng sông hiền hòa. Bao đời nay, người dân nơi đây vẫn sống yên bình với nghề nông và diêm nghiệp. Là nơi bị nhiễm phèn nặng, nên cách gần 20 năm, được sự quan tâm của Nhà nước, vùng quê này được hỗ trợ khoan giếng (loại giếng có cần bơm, do UNICEF tài trợ), để người dân có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo. Tuy nhiên, cũng từ đó, theo để ý của người dân không hiểu sao số người bị bệnh hiểm nghèo, mà nhất là bệnh ung thư lại tăng lên đột biến.

 Sông La Tinh uốn quanh làng An Mỹ

Bấm đốt ngón tay, ông Nguyễn Văn Vân, trưởng thôn An Mỹ, nhẩm tính, chỉ mấy năm nay, thế mà thôn này đã có đến gần 20 người bị ung thư, đa phần đã chết. Danh sách bị ung thứ cứ ngày một dài ra và mỗi lần nghe ở địa phương có người chết vì căn bệnh quái ác này, người dân lại càng thêm lo lắng.


“Thôn chỉ có 4 xóm thì cả 4 đều có người chết vì ung thư, trong đó, nhiều nhất là thôn Tây An. Năm ngoái, có đoàn đại biểu HĐND tỉnh về tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị các cấp sớm tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp giúp dân phòng tránh bệnh, thế nhưng tới nay vẫn chưa có động tĩnh gì”, ông Vân thở dài.


Người dân thôn An Mỹ hầu hết dùng nước sinh hoạt từ loại giếng bơm do UNICEF tài trợ gần 20 năm trước  

Người phát hiện mắc bệnh ung thư đầu tiên ở An Tây là ông Võ Tính. Ông Tính phát bệnh từ năm 2000, một năm sau ông mất, khi đó mới 42 tuổi. Cho đến nay, khi nhắc lại cảnh “đầu bạc phải khóc đầu xanh”, khi đứa con trai duy nhất đã bỏ mình ra đi vì căn bệnh quái ác, ông Võ Tám (76 tuổi, cha ông Tính), vẫn chưa hết đau lòng.


“Gia đình tui đã ở trên mảnh đất này mấy đời nay, hồi giờ có thấy ai bị ung thư, ung bướu gì đâu. Ấy vậy mà nó có chịu buông tha cho dân làng này đâu. Chỉ tính riêng góc làng này, bán kính chừng 100m, cả nhà tui là 5 nóc nhà thì cả 5 đều có người bị ung thư, chết 4 còn 1”, ông Tám chua xót.


Ở thôn An Mỹ, căn bệnh ung thư không chừa một ai, cán bộ nhà nước có, dân thường có, trẻ có, già có, đàn ông, đàn bà đều bị. Cho đến nay, người chết trẻ nhất trong làng do bệnh ung thư là anh Phan Văn Hiếu. Anh ra đi khi chưa đến 30 tuổi, bỏ lại người mẹ già ốm o, người vợ trẻ và đứa con dại chưa đầy 2 tuổi.  


 Mẹ anh Hiếu vẫn chưa hết đau buồn vì đứa con trai chết trẻ vì căn bệnh quái ác

Năm 2002, anh Hiếu phát bệnh với những triệu chứng như: Mệt mỏi, cảm ho… Khi đi khám ở bệnh viện tỉnh thì được chẩn đoán là bị viêm phổi, nhưng uống thuốc mãi không bớt. Lo lắng quá, gia đình đưa anh vào TPHCM khám thì phát hiện bị ung thư phổi.


“Nó đi nhanh lắm, vào viện nằm chưa đầy tháng, vừa bắn hóa chất xong, là nó đi liền”, mẹ anh Hiếu nức nở kể lại.
Ngoài anh Hiếu, năm đó, trong làng còn có thêm ông Lê, ông Xuyên, bà Hồng cũng chết vì ung thư quai hàm, ung thư phổi, ung thư vú…


Lân la trong xóm An Tây, tôi được nghe kể một chuyện, khi anh Hiếu chết vì ung thư phổi, nhiều người cho rằng, do anh này hút thuốc lá, uống rượu nhiều nên bị ung thư chết. Thế rồi, ngay sau đó, anh Huỳnh Văn Phong, bị ung thư gan chết, nhưng anh này không uống rượu, không hút thuốc, khiến mọi người mới vỡ ra rằng, có thể dân mình bị ung thư vì một tác nhân nào khác, chứ không chỉ do rượu, do thuốc.

 Bệnh án của cô Nhiễu

Ở “làng ung thư” này, thậm chí có nhà, cả vợ, cả chồng đều bị ung thư, có nhà cả 2 vợ chồng đã chết, như vợ chồng ông Nguyễn Cảnh Kia bà Nguyễn Thị Lắm; có nhà chồng chết, vợ thì đang phải từng ngày phải vật lộn với bệnh tật, như trường hợp gia đình cô giáo về hưu Phan Thị Nhiễu (61 tuổi). Cô Nhiễu phát hiện bị ung thư vú, năm 2004, khi 9 tháng trước đó, chồng cô đã mất vì ung thư gan ở tuổi 55.


“Tôi nghe nói, trước giải phóng, có 1 kho thuốc 666 (một loại thuốc trừ sâu cực độc), chôn ở xã Mỹ Hiệp (đầu nguồn dòng sông La Tinh). Có khi nào, kho thuốc này ngấm vào mạch nước, đưa xuống hạ lưu, nên gây ra bệnh tình cho người dân không biết”, cô Nhiễu thắc mắc.

Cô Nhiễu cũng cho biết, dọc theo vùng hạ lưu sông La Tinh, các thôn khác như Trinh Long Khánh (giáp với Tây An), Chánh Hội (Mỹ Cát), Thái An (Mỹ Chánh)… cũng có nhiều người bị ung thư chết.


 Bệnh ung thư của cô Nhiễu đã di căn vào xương, sức khỏe quá yếu nên tâm nguyện của cô không thể hoàn thành 

“Khi chồng tôi chết, rồi đến tôi bị ung thư, tôi dự định, khi nào về hưu sẽ đi thống kê số người bị ung thư ở địa phương để kiến nghị các cấp quan tâm, nghiên cứu tìm nguyên nhân để giúp người dân phòng tránh căn bệnh quái ác này. Thế nhưng, nay thì tôi đã về hưu, nhưng bệnh tình ngày một nặng do di chứng qua xương, đi lại hết sức khó khăn, nên tâm nguyện của tôi vẫn chưa thể thực hiện được”, cô Nhiễu trăn trở.


Chính quyền thờ ơ?


Trao đổi với PV VTC News, ông Trần Bá Bảy, phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Cát cho rằng: “Cái này thì cũng thường thôi vì hiện nay cả nước có nhiều người chết vì bệnh ung thư chứ không riêng gì ở Mỹ Cát”.


Còn ông Phạm Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Mỹ Cát thì đinh ninh: “Người ta già, hoặc ốm đau đột xuất chết chứ không phải do bị bệnh ung thư”.


Tuy nhiên, theo ông Dương Công Hoàng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Cát, những năm gần đây, ở địa phương, số lượng người chết vì bệnh ung thư có tăng lên. Trước nỗi lo lắng của người dân, mới đây, trạm đã cử cán bộ xuống khảo sát, thăm hỏi bệnh tình của một số gia đình có người bị ung thư. Tuy nhiên, vẫn chưa có kiến nghị lên cấp trên.


“Hàng năm, chúng tôi đều có báo cáo tử vong, thống kê số người chết vì bệnh ung thư trên địa bàn. Tuy nhiên, với khả năng của trạm y tế, chúng tôi chưa thể kết luận được nguyên nhân gây bệnh là gì. Sắp tới, chúng tôi sẽ có tờ trình, kiến nghị với cấp trên vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân”, ông Hoàng cho biết thêm.


Nghĩa Bình

Bình luận
vtcnews.vn