Biểu tình Áo vàng bùng phát ở Canada

Thế giớiThứ Sáu, 21/12/2018 08:30:00 +07:00

Bất bình và giận dữ với chính sách tăng thuế carbon và tị nạn tự do của chính phủ, người biểu tình Canada lập các hội nhóm lấy biểu tượng "Áo khoác vàng" của Pháp để phản đối.

Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ trong nước Canada ngày càng đáng lo ngại, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở các khu vực phía tây. Một số người biểu tình mặc áo phản quang màu vàng lấy cảm hứng từ phong trào "Áo vàng" của nước Pháp.

yellow-vest-regina4

 Biểu ngữ phản đối Thủ tướng Trudeau và Bộ trưởng An toàn công cộng Goodale. (Ảnh: Cory Coleman/CBC)

Giống như người Pháp, những người biểu tình Canada tổ chức hoạt động của họ trên Facebook. Những bất bình và giận dữ của họ tập trung vào thuế carbon của liên bang, các dự án đường ống bị đình trệ, vấn nạn sa thải của ngành dầu mỏ và - đối với một số ít  - là chính sách tị nạn tự do của chính phủ.

Canada, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ tư thế giới, bị ảnh hưởng nặng nề do giá dầu sụt giảm gần đây và thiếu đường ống để chuyển dầu thô đến các thị trường. Một số công ty bắt đầu sa thải công nhân, làm dấy lên lo ngại mất việc làm sẽ lan rộng ở các khu vực giàu dầu mỏ như Alberta, nơi có ít nhất 40.000 người mất việc khi thị trường dầu mỏ sụp đổ năm 2014.

Ngày 19/12, một đoàn xe gồm hơn 1.000 xe tải hạng nặng ở Alberta lăn bánh qua thị trấn Nisku, thể hiện sự ủng hộ cho những người làm trong ngành năng lượng.

"Chúng tôi đang rất tuyệt vọng. Nhiều người trong ngành đã mất nhà cửa, mất gia đình" - Chad Miller, người sáng lập Oilfield Dads, một nhóm đã giúp tổ chức cuộc mít tinh của hơn 1.500 người ở Grande Prairi, Alberta cho biết. "Những đứa trẻ cảm thấy lo lắng. Bạn phải bàn với vợ về các hóa đơn, về những gì bạn có thể trả và những gì bạn không thể trả. Điều đó rất khó khăn."

Trong khi giá dầu thô toàn cầu tăng mạnh trong năm ngoái, chi phí dầu thô Canada vẫn ở mức thấp do cung vượt cầu. Cơ quan chức năng Alberta nói khoảng cách về giá đang khiến nền kinh tế Canada mất 59 triệu USD doanh thu mỗi ngày.

Chính phủ liên bang Canada đã công bố một khoản cứu trợ trị giá 1,6 tỷ USD cho các công ty dầu khí và lãnh đạo khu vực Rachel Notley đã đưa ra một loạt các biện pháp để ngăn chặn khủng hoảng, như mua xe lửa để chuyển dầu ra các thị trường và ra lệnh cắt giảm trong sản xuất dầu để kiềm chế tình trạng dư cung.

Nhưng đối với công nhân ở tỉnh giàu tài nguyên này, các biện pháp là quá ít, quá muộn.

Những người biểu tình ở Canada kêu gọi chấm dứt thuế carbon, và nhóm "áo vàng" - một phần nhỏ trong các cuộc biểu tình lớn hơn - cũng đã đưa vào những nguyên nhân dân túy cánh hữu.

Việc áp thuế carbon là một hành động trọng tâm quốc gia được Chính phủ Canada phát động từ tháng 12/2016 trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna đã tái khẳng định lập trường của Chính phủ nước này khi tuyên bố "Buộc những đối tượng gây ô nhiễm trả phí là một phần then chốt của mọi kế hoạch vì khí hậu".

Canada hiện là nước có nguồn dự trữ dầu mỏ được xác định lớn thứ 3 trên thế giới với các mỏ dầu cát tập trung chủ yếu tại 2 tỉnh là Alberta và Saskatchewan.

Một nhóm Facebook cho người biểu tình có tên Yellow Vests Canada, thu hút gần 90.000 thành viên từ khi nó được tạo ra hai tuần trước. Một mô tả trên trang chính của nhóm có nội dung: "Nhóm này là để phản đối thuế và sự phản bội của các chính trị gia đất nước chúng ta, những người có đủ can đảm để bán hết chủ quyền của chúng ta cho chủ nghĩa toàn cầu hóa Liên Hợp Quốc và các chính sách độc tài".

Một trong những quản trị viên của nhóm, Josue St-Cyr, cho biết hầu hết các thành viên đều ở miền Tây Canada. St-Cyr là một người vận hành thiết bị hạng nặng trong các mỏ, cho rằng không có ai lắng nghe họ.

Các cuộc thảo luận trên nhóm này thường nhắc đến việc Canada phê duyệt một hiệp ước mới của Liên Hợp Quốc thúc đẩy hợp tác để đảm bảo di cư an toàn giữa các quốc gia. Thỏa thuận này không ràng buộc về mặt pháp lý và sẽ không thay đổi chính sách di cư của Canada, nhưng nó đã trở thành tâm điểm cho sự chỉ trích dữ dội.

"Tôi không phân biệt chủng tộc. Tôi ủng hộ nhập cư. Nhưng hãy làm điều đó đúng cách. Đừng chỉ mở biên giới của chúng ta cho Liên Hợp Quốc đưa bất kỳ ai vào", St-Cyr nói, cho rằng những người yêu cầu tị nạn vào Canada là một vấn đề lớn hơn so với thuế carbon. "Việc chọn bao nhiêu người và người nào sẽ được vào sau khi đã sàng lọc và lựa chọn của người Canada."

Trong những tuần gần đây, nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ, Andrew Scheer, đã nhiều lần lên tiếng phản đối mạnh mẽ hiệp ước này, cảnh báo sai rằng điều đó sẽ ngăn Canada kiểm soát biên giới. Trong một cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Justin Trudeau chỉ trích Scheer cố tình truyền bá giả dối vì mục đích chính trị ngắn hạn.

Bên ngoài Alberta, các cuộc biểu tình lấy cảm hứng từ áo vàng bắt đầu xuất hiện trên khắp đất nước trong tuần qua, dù nhỏ hơn đáng kể so với người Pháp. Nelson Wiseman, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, nói rằng các cuộc biểu tình áo vàng lớn nhất từ trước đến nay là ở các thành trì bầu cử Bảo thủ của tỉnh Alberta, nơi đã có sự phản đối từ trước đối với chính phủ hiện tại.

Phong trào nổi lên ở Canada cùng một biểu tượng với người Pháp, nhưng có những động lực khác nhau, theo Charles Smith, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Saskatchewan. "Chúng rất khác nhau. Đây là một phản ứng rất đảng phái đối với một chính phủ cụ thể mà những người bảo thủ phương Tây thực sự, thực sự không thích" - Smith nói. Ông cho rằng phong trào ở Pháp là tự phát và dường như không được điều khiển bởi một tổ chức trung tâm. 

>>> Đọc thêm: Người biểu tình Pháp chặn đường cao tốc, đốt phá các trạm thu phí

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn