Bí thư Phú Yên thăm gia đình chàng trai 'từ quê nghèo đến NASA'

Tin tức 24h quaThứ Sáu, 19/02/2021 11:12:00 +07:00
(VTC News) -

Trong chuyến thăm và chúc Tết gia đình Lê Ngọc Trẫm - chàng trai đang làm việc tại NASA, Bí thư Phú Yên ngợi khen Trẫm là tấm gương sáng cho các bạn trẻ noi theo.

Chiều 17/2, ông Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đến thăm Sở KH-CN, Trường Đại học Phú Yên, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung và gia đình em Lê Ngọc Trẫm, một bạn trẻ quê ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa đang làm việc tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Bí thư Phú Yên thăm gia đình chàng trai 'từ quê nghèo đến NASA' - 1

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên (giữa) tặng sách về khởi nghiệp cho Trường Đại học Xây dựng Miền Trung. (Ảnh: Báo Phú Yên)

Tại chuyến thăm các đơn vị trên vào đầu năm mới, ông Phạm Đại Dương cho hay, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Tỉnh ủy đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để tập trung lãnh đạo thực hiện.

Theo ông Dương, trong số 6 nhóm nhiệm vụ thì nhóm nhiệm vụ về xây dựng con người phát triển toàn diện và đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống sẽ nhằm mục tiêu đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững.

“Vì vậy, chọn những địa điểm trên đến thăm, chúc Tết trong ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tôi tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng tỉnh ta sẽ thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ trên để góp phần đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững”, vị Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ.

Riêng tại Trường đại học Phú Yên và Trường đại học Xây dựng Miền Trung, ông Phạm Đại Dương ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, đồng thời mong muốn các cơ sở giáo dục tiếp tục đổi mới tư duy, công tác tuyển sinh, đào tạo thêm các ngành nghề gắn với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Đến thăm Sở KH-CN, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên bày tỏ sự tin tưởng vào đội ngũ khoa học công nghệ của tỉnh sẽ tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng khoa học công nghệ mạnh mẽ trong cải cách hành chính, sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, khi thăm và chúc Tết gia đình em Lê Ngọc Trẫm (SN 1990, quê xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), ông Dương nói: “Nỗ lực vượt qua hoàn cảnh gia đình khó khăn để trở thành một trong số ít người Việt Nam đang làm việc tại NASA, Trẫm là tấm gương sáng về khoa học công nghệ cho các bạn trẻ của Phú Yên noi theo.

Vừa qua, tỉnh ta có rất nhiều bạn trẻ đạt được thành công trên các lĩnh vực, nhất là khoa học công nghệ, được trong nước và thế giới ghi nhận. Những tấm gương như Lê Ngọc Trẫm, Phạm Ngọc Duy Liêm… sẽ khơi lên khát vọng khoa học công nghệ cho giới trẻ. Qua hình ảnh của các em cho thấy con em Phú Yên nếu có điều kiện tốt sẽ đạt được nhiều thành công, làm rạng danh quê hương”.

Bí thư Phú Yên thăm gia đình chàng trai 'từ quê nghèo đến NASA' - 2

Lê Ngọc Trẫm đang làm việc tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). Ảnh: NVCC.

Được biết, Lê Ngọc Trẫm sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, ba mẹ lại ly hôn khi Trẫm mới 5 tuổi, em gái 2 tháng tuổi. Trẫm ở với ba. Mẹ đưa em gái về tá túc nhà ngoại.

Học lớp 2, Trẫm về nhà bà ngoại ở cùng với mẹ và em gái. Mẹ đi làm xa, hai anh em ở với bà ngoại. 

Hết cấp 3, Trẫm chọn ngành sư phạm Vật lý của Đại học Quy Nhơn vì muốn giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình. 4 năm đại học, Trẫm luôn là sinh viên giỏi, hai lần được nhà trường chọn tham gia cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc, giành được một huy chương bạc và 1 giải khuyến khích. Không chỉ học giỏi, Trẫm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và phong trào Đoàn - Hội.

Năm 2012, tốt nghiệp Đại học, Trẫm về quê, làm giáo viên trường THPT và lên kế hoạch học tiếp thạc sĩ. Cô giáo, TS Nguyễn Thị Minh Phương khuyên Trẫm nên theo học cao học ngành Vật lý thiên văn tại khoa Vũ trụ và ứng dụng, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

Học hết cao học, có chút ít kinh nghiệm nghiên cứu tại Pháp, Trẫm tiếp tục theo học bậc tiến sĩ tại Đại học sư phạm Paris (École Normale Supérieure de Paris), Đài quan sát Thiên văn Paris (Observatoire de Paris). 

Năm 2018, Trẫm bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Pháp và sau đó nhận được lời mời sang hợp tác với giáo sư Hoàng Chí Thiêm tại viện Thiên văn và Khoa học không gian Hàn Quốc (KASI). Kết quả đề tài được đăng trên tạp chí Nature Astronomy, một trong những tạp chí khoa học lớn nhất trong lĩnh vực thiên văn học và vật lý thiên văn.

Khi đang làm việc trong phòng thí nghiệm của Đại học sư phạm Paris (École Normale Supérieure de Paris), Trẫm được gặp TS. William T. Reach, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học SOFIA tại Trung tâm nghiên cứu AMES của NASA sang công tác. Nhận thấy hướng nghiên cứu về môi trường liên sao của Trẫm khá tương đồng với công việc ở SOFIA, TS. William T. Reach giao cho Trẫm một số công việc để kiểm tra kiến thức. 

Một thời gian sau, thầy đồng ý để Trẫm tham gia vào vòng phỏng vấn với hội đồng các giáo sư của NASA. Nền tảng kiến thức vững, vốn ngoại ngữ thông thạo, và sự tự tin giúp Trẫm vượt qua thử thách khó khăn, được nhận vào làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA). 

Sau một năm, anh được chấp nhận để nghiên cứu độc lập và phát triển hướng nghiên cứu của mình (SOFIA postdoc fellow). Trẫm được đánh giá điểm khá cao và theo người quản lý thì chưa thấy ai được điểm như anh.

Hiện tại, Trẫm cùng giáo sư Hoàng Chí Thiêm (Hàn Quốc), phó giáo sư Phạm Ngọc Điệp (trung tâm vũ trụ Việt Nam) và các giảng viên khoa không gian và ứng dụng (đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, USTH) tạo ra một mạng lưới nghiên cứu để làm việc cùng nhau trong lĩnh vực vật lý thiên văn và kết nối vào mạng lưới lớn hơn của quốc tế. 

Mạng lưới ban đầu đã thu hút các bạn sinh viên cũng như nghiên cứu viên Việt Nam trong nước và nước ngoài (Pháp, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc) tham gia.

HẢI YẾN
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp