Bí mật Olympic: VĐV Kazakhstan nhớ cơm... Trung Quốc

Thể thaoThứ Năm, 02/08/2012 10:40:00 +07:00

(VTC News)- Báo chí Trung Quốc đã bị một phen ngỡ ngàng khi khám phá ra nhà vô địch Olympic thuộc tuyển Kazakhstan thực chất sinh ra tại tỉnh Hồ Nam.

(VTC News)- Báo chí Trung Quốc đã bị một phen ngỡ ngàng khi khám phá ra nhà vô địch Olympic Kazakhstan thực chất sinh ra tại tỉnh Hồ Nam.
1. Báo chí Trung Quốc ngỡ ngàng vì công dân của mình đoạt HCV cho... Kazakhstan. Ở ngày thi đấu thứ hai London 2012, VĐV cử tạ Zulfiya Chinshanlo đã xuất sắc giành tấm HCV đầu tiên về cho đoàn thể thao Kazakhstan. Nhưng phải tới hôm nay, Tân Hoa Xã mới tá hỏa khi phát hiện ra cô gái 19 tuổi này thực chất tên thật là Zhao Changling, người gốc Hồ Nam.

 Khi được hỏi có muốn quay trở lại quê gốc sinh sống, Chinshanlo khá bối rối và cho biết: "Tôi không biết, nhưng tôi rất nhớ cơm Trung Quốc".

Zhao được đoàn thể thao Kazakhstan để ý từ năm 2007 trong một cuộc tập huấn tại Trung Quốc. Chỉ một năm sau, cô hoàn tất các thủ tục nhập tịch và chính thức trở thành công dân Kazakhstan. 

Zhao không phải trường hợp VĐV Trung Quốc cá biệt tìm kiếm vinh quang Olympic tại nước ngoài. Trước cô, đã có hàng trăm ngôi sao bóng bàn xuất ngoại chơi cho các đội tuyển khắp thế giới. Ví dụ như Jun Gao, HCB Olympic 1992, người từng tham dự ba kỳ thế vận hội dưới màu áo tuyển bóng bàn Mỹ.
2. Judo Liên hiệp Anh tiêu tiền như uống nước. Báo chí xứ sương mù tỏ ra vô cùng thất vọng về đội tuyển Judo chủ nhà khi cả 8 võ sĩ đều bị loại từ rất sớm khỏi vòng tranh chấp huy chương. Với tổng thời gian ra sân chỉ vỏn vẹn 49 phút, đoàn Judo đã thất bại thảm hại trong chiến dịch Olympic trị giá 12,5 triệu bảng (gồm 7,5 triệu chi phí tập huấn và 5 triệu xây nhà thi đấu mới).
7,5 triệu bảng đổi lấy 49 phút góp mặt ở Olympic.
Người có thời gian thi đấu ít nhất là Euan Burton ở hạng cân 81kg nam. Gần chục thành viên trong gia đình Burton đã bị "hớ" cắn răng bỏ ra tới 300 bảng mỗi người để vào sân theo dõi võ sĩ này thi đấu vỏn vẹn 1 phút 45 giây. Đáng chú ý, võ sĩ đạt thành tích tốt nhất trong đoàn Judo Anh là Colin Oates khi anh này xếp hạng... 7 tại hạng cân 66kg nam.
3. Chỉ có 10% VĐV Olympic sử dụng doping bị bắt. Đó là lời khẳng định của Dick Pound, cựu giám đốc cơ quan chống doping thế giới. Ông này tiết lộ việc phát hiện sai phạm của các VĐV ngày càng khó khăn bởi họ đã tìm cách đối phó một thời gian dài trước khi lên đường sang London.
 "Có rất nhiều cao thủ sử dụng doping tại Olympic".

"Những người sử dụng thành thạo chất cấm sẽ rất khó bị bắt. Chúng tôi chỉ có thể phát hiện ra 1 đến 2 người trong số 10 người sử dụng. Sự thật là trung bình ở mỗi kỳ Olympic, có khoảng 10% VĐV dính líu tới doping", Pound cho hay.
Quy trình xét nghiệm doping rất đắt đỏ và tốn thời gian, không thể áp dụng với toàn bộ VĐV Olympic. Bởi vậy, hạn chế của Ủy ban Olympic (IOC) trong việc phát hiện sai phạm là điều dễ hiểu. Tính tới thời điểm ngày thi đấu thứ 5, đã có hai VĐV dương tính với doping: Luiza Galiulina của Uzbekistan và Hysen Pulaku của Albania.

4. Năm lần hạ gục đối phương vẫn... thua. Trong trận đấu loại quyền anh hạng gà trước võ sĩ Abdulhamidov của Azerbaijan, Shimizu đã phản đối quyết liệt các quyết định của trọng tài. Trước vòng cuối, tay đấm người Nhật bị dẫn 5-12. Mặc dù thi đấu xuất thần và có tới 5 lần đánh gục địch thủ, trong đó có 2 lần trọng tài phải đếm, anh vẫn bị xử thua với tỉ số chung cuộc 10-12.
 Năm lần gục ngã trong hiệp cuối vẫn được xử... thắng.

Đây không phải lần đầu có tranh cãi tại bộ môn quyền anh Olympic 2012. Trước đó, tay đấm người Iran Ali Mazaheri đã ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra khi bị loại trong trận đấu với đối thủ Cuba vì... bị cảnh báo 3 lần trong vòng 1 phút.
5. Trận tennis kéo dài kỷ lục Olympic. Tay vợt người Pháp Tsonga vừa làm nên lịch sử khi trải qua trận bóng kéo dài tới 3 giờ 56 phút với Milos Raonic ở vòng 3 nội dung đơn nam. Sau khi hòa 1-1 (6-3, 3-6) ở hai set đầu tiên, Tsonga phải nhờ tới những loạt tie-break dai dẳng (25-23) mới có thể "kết liễu" được địch thủ đàn em cứng đầu người Canada.


Hoài Thu
Bình luận
vtcnews.vn