Bí mật Olympic: Rắc rối đồng hồ nửa triệu bảng

Thể thaoThứ Năm, 09/08/2012 04:50:00 +07:00

(VTC News) - Yohan Blake, VĐV điền kình người Jamaica vừa bị ban tổ chức Olympic cảnh cáo vì dám dùng đồng hồ không phải nhãn hiệu Omega.

(VTC News) - Yohan Blake, VĐV điền kình người Jamaica vừa bị ban tổ chức Olympic cảnh cáo vì dám dùng đồng hồ không phải nhãn hiệu Omega.

1. Giải nghệ, về diễn xiếc


Trở về nhà với 2 bàn tay trắng sau 2 kì thế vận hội 1992 và 1996, VĐV thể dục dụng cụ người Anh Paul Bowler thất vọng vì không còn cơ hội thi đấu Olympic nữa, đồng thời lo lắng về một tương lai thất nghiệp đang chờ đón.

May mắn sao sau đó Bowler được gọi đến thử sức tại Rạp xiếc Mặt trời (Cirque du Soleil) vào năm 1996. Từ đây, từ một VĐV với những kĩ năng nhào lộn điêu luyện, Bowler chính thức trở thành diễn viên của rạp xiếc này.

Điều thú vị là không riêng Bowler mà có tới 40% diễn viên của Cirque du Soleil xuất thân từ những VĐV thể dục dụng cụ, lặn và bơi nghệ thuật. Khoảng 50 người trong số họ đã và đang tranh tài tại các kì Olympic, điển hình như VĐV Australia Ben Wilden và VĐV từng giành huy chương đồng thể dục dụng cụ người Mỹ Raj Bhavsar.

2. Không được khoe đồng hồ nửa triệu bảng

Đồng đội của "tia chớp" Usain Bolt là Yohan Blake có nguy cơ gặp rắc rối lớn vì chiếc đồng hồ màu quốc kì Jamaica anh đeo trong vòng bán kết và chung kết chạy nước rút 100m.


Chiếc đồng hồ trị giá 500.000 bảng ấy không hề làm vừa mắt quan chức của Ủy ban Olympic quốc tế IOC. Nguyên nhân là do nó mang nhãn hiệu nổi tiếng Richard Mille Tourbilion, trong khi nhà tài trợ đồng hồ chính thức của Olympic 2012 là Omega.

3. Mê mẩn xe đạp vì người ngoài hành tinh

Nhà vô địch Olympic đua xe đạp lòng chảo Chris Hoy tiết lộ người truyền cảm hứng thi đấu cho anh chính là… người ngoài hành tinh.


VĐV 6 lần vô địch Olympic cho biết hoạt cảnh người ngoài hành tinh với bàn tay sáng rực đạp xe cùng những người bạn Trái Đất trong một bộ phim anh từng xem khi lên 6 tuổi đã khiến anh mê mẩn chiếc xe đạp và có được thành công như ngày hôm nay.

4. Hoàn vé vì khán đài bị khuất

Trung tâm thi đấu dưới nước Aquatics Centre do kiến trúc sư Zaha Hadid thiết kế có khoảng 600 ghế gần như vô tác dụng vì khán giả chỉ theo dõi được chút ít màn trình diễn của các VĐV lặn từ những vị trí đó.

Trước tình hình đó, Ban tổ chức Olympic 2012 đã chủ động hoàn lại tiền từ 30 đến 50 bảng cho người hâm mộ mua vé trước, sau trận đấu diễn ra, cả những người đang dự khán cũng được trả lại khoản tiền này. Thậm chí CĐV mua vé giá cao để xem lặn 10m cũng được hoàn trả từ 185 đến 200 bảng.

5. Vì sao Paralympic sốt vé?

2,1 triệu vé đã được bán ra trong khi Paralympic 2012 còn 3 tuần nữa mới khởi tranh. Con số này đã vượt qua cả mức vé kỉ lục mà BTC Thế vận hội người khuyết tật bán được tại Bắc Kinh 2008 (1,8 triệu).

 

Sở dĩ nhu cầu vé Paralympic ở London tăng cao hơn dự kiến một phần là vì nhiều người hâm mộ chán nản với hệ thống mua vé phức tạp của Olympic 2012, đồng loạt chuyển sang xem Paralympic.

Cát Đằng

Bình luận
vtcnews.vn