Bi hài chuyện chung cư Bệnh viện 103 'mùa mất nước'

Thời sựThứ Ba, 15/05/2018 13:52:00 +07:00

Tình trạng mất nước kéo dài tại chung cư Bệnh viện 103 (Hà Đông, Hà Nội) khiến cư dân nơi đây rất bức xúc, kéo theo đó là nhiều những câu chuyện bi hài.

Bi hài "mùa mất nước"

Khoảng một tháng nay, tại 2 toà chung cư CT1 và CT2 Bệnh viện 103 (Hà Đông, Hà Nội), mọi người không còn xa lạ gì với cái cảnh xô chậu, nồi niêu, thậm chí chai lọ...được người dân trưng dụng để tích nước.

Mỗi nhà đều phải cắt cử người túc trực để hứng và trữ nước cho gia đình. Trước cảnh chai lọ, chậu nồi...được bày ra la liệt từ ban công đến nhà tắm, bàn bếp, các căn hộ chung cư trở nên bừa bộn, ngổn ngang.

32667394_987487648067925_5370555393296564224_n 2

 Người dân phải dùng mọi vật dụng có thể để tích nước.

Chị H., một người dân sống ở toà CT1 cho biết, vợ chồng chị đi làm mà lòng dạ chẳng yên, thỉnh thoảng lại phải gọi điện hỏi bà nội ở nhà xem có nước chưa. Nếu chưa có, trên đường đi làm về chị H. phải rẽ sang nhà bạn để tắm nhờ.

"Tắm nhờ 1,2 lần thì được, cứ nhờ thường xuyên khéo lại mất bạn như chơi" - chị H. chia sẻ.

Thế rồi, cùng những người dân khác tại khu chung cư, vợ chồng chị bảo nhau thuê nhà nghỉ theo giờ để...tắm, tránh phiền hà.

Bà V. lên trông cháu nội ở tòa CT2, giờ đây, ngoài nhiệm vụ đưa đón cháu bé học mẫu giáo, việc chính của bà là tích trữ đủ nước cho cả nhà dùng.

Bà V. cho biết, để tiết kiệm triệt để, bà quy định cho mọi người trong nhà khi tắm, ai cũng phải đứng vào chậu, tắm xong dùng nước đó tưới cây hoặc đổ vào bồn vệ sinh, tránh lãng phí.

Screen Shot 2018-05-15 at 8.17.57 AM

Nhiều nhà huy động cả lọ hoa...để chứa nước. 

Không chỉ có chuyện tắm giặt là bức xúc của cư dân nơi đây vì thiếu nước. Anh L.X và nhiều người khác trong khu chung cư giờ đây phải "luyện" lại hệ bài tiết bằng cách nhịn đi vệ sinh tại nhà và “để dành” đến cơ quan. Tuy nhiên, không phải ai cũng có "cơ hội để dành" đến cơ quan, nhiều gia đình phải sắm bô để cả con cái và người lớn dùng chung.

Việc thiếu nước thường xuyên và nhiều ngày đã khiến cho các cư dân nơi đây rơi vào trạng thái tiêu cực, thậm chí, một số nhà đã rao bán.

“Biết tình trạng thiếu nước như thế này, chúng tôi đã mua chung cư nữa. Giờ biết khu vực này khan nước quá, chung cư lại sát nghĩa địa. Bán lại, liệu có ai mua?”- ông M., một cư dân tại khu chung cư chia sẻ. 

Bên cạnh những cư dân khổ sở vì mất nước, những người kinh doanh tại tòa nhà cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Một nhà hàng dưới chân tòa CT2 vốn đông nghịt khách giờ cũng vắng vẻ, thưa thớt. Dù chủ quán luôn dự trữ mấy chục can nước để chế biến đồ ăn nhưng tâm lý thiếu nước ảnh hưởng đến vệ sinh thực phẩm khiến thực khách cũng e ngại.

Cũng rơi vào tình trạng như vậy, cửa hàng gội đầu và phòng tập thể thao tại sảnh toà CT2 trước đây lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp nhưng nay thì vắng vẻ, không một bóng người bởi mất nước.

Thiếu nước do đâu?

Chiều 14/5, một cuộc họp khẩn cấp về việc mất nước thường xuyên diễn ra giữa ba bên: Công ty nước sạch Hà Đông, Ban quản lý tòa nhà (đại diện Chủ đầu tư) và đại diện cư dân của 2 tòa nhà chung cư .

Trước các ý kiến của cư dân, Ban lãnh đạo Công ty nước sạch Hà Đông, bà Đặng Thị Xuân cho biết, hiện nay, một trạm cấp nước đang xây dựng tại Láng-Hòa Lạc.

Nếu xây dựng xong, bà Xuân cho biết khả năng cung cấp nước trên địa bàn sẽ đủ. Còn hiện nay, do tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt, các cư dân cần chia sẻ khó khăn với công ty. Công ty sẽ chịu trách nhiệm cấp nước ổn định trong điều kiện cho phép.

32419645_987487614734595_2484698083212918784_n 4

Bể nước sinh hoạt của cưa dân chung cư bệnh viện 103 luôn trong tình trạng cạn kiệt. 

Ông Nguyễn Ngọc Huấn (đại diện chủ đầu tư của tòa nhà) cho biết, ban quản lý sẵn sàng bơm nước lên bể trên cao, sau khi đã đầy bể ngầm. Mỗi tòa có 1 bể ngầm và 1 bể trên cao có dung tích chứa 500m3 nước. Khi nước bơm đầy, sẽ có van tự động đẩy lên bể cao.

Tuy nhiên, trên thực tế, khoảng một tháng nay, bể chứa mỗi tòa chỉ được Công ty nước sạch Hà Đông bơm khoảng 100m3 nước.

Bên cạnh đó, các cư dân nơi đây cũng phản ánh, dù nước sinh hoạt khan hiếm nhưng chất lượng nước rất kém. Để có thể dùng nước nấu ăn, các cư dân phải mua bông gòn cho vào găng tay hay chiếc tất sạch rồi buộc vào vòi cho nước chảy qua mới có thể tạm sử dụng.

32679809_987487478067942_7016673249543061504_n (1) 3

Dụng cụ lọc tự chế của cư dân sau khi hứng một thùng nước sạch.

Các cư dân tại tòa nhà cũng cho biết, ban quản lý xả nước khoảng 1h cho bà con dùng thì 30 phút đầu nước đục ngầu không thể sử dụng. Đến khi tạm đỡ để có thể dùng thì cũng là lúc chuẩn bị mất nước. 

Hiện tượng thiếu nước trầm trọng ở Chung cư bệnh viện 103 đã diễn ra cả tháng, gây hiệu quả nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của cư dân.

Tuy nhiên, phía chủ đầu tư và Công ty nước sạch Hà Đông vẫn chưa có hướng giải quyết  thoả đáng để giúp các cư dân sớm đi vào cuộc sống ổn định. 

Video: Người già, bà bầu lỉnh kỉnh xô chậu xếp hàng như thời bao cấp để lấy nước sạch

Sa Mộc
Bình luận
vtcnews.vn