Bi hài chuyện cặp vợ chồng lên phố đón Đại lễ

Bạn đọcThứ Sáu, 15/10/2010 04:45:00 +07:00

(VTC News) - Đại lễ đi qua, bên cạnh rất nhiều niềm vui, tự hào, cũng có những chuyện "dở khóc dở cười" như của cặp vợ chồng trong câu chuyện nhỏ này.

(VTC News) - Những ngày Đại lễ vừa rồi, ánh đèn rực rỡ của thủ đô đã thu hút không biết bao nhiêu lượt người trong nước và quốc tế tìm đến. Tuy nhiên, không ít người trong số đó đã phải lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như anh Thông, chị Đào – nhân vật chính trong câu chuyện dưới đây.

Từ chuyện “cháy nhà nghỉ”...

Không giống như nhiều cặp vợ chồng khác, chấp nhận ngủ vỉa hè và thức trắng đêm chờ xem lễ diễu binh, diễu hành, anh Thông cố gắng tìm cho vợ mình một chỗ nghỉ chân sau một chặng đường dài đầy gian khổ từ Thái Bình lên Hà Nội, qua bao con phố đông nghịt người. Nhưng đi mãi mà vẫn chưa tìm được chỗ ưng ý.

Anh Thông cho biết “khách sạn thì cháy phòng bình dân, nhà nghỉ thì dù có tiền cũng không thể thuê được”.

Lòng vòng mãi khu vực đường Xuân Thủy và khu đường Láng, cuối cùng vợ chồng anh cũng tìm được một chốn đồng ý cho nghỉ qua đêm với mức giá “mềm” là 250 nghìn. Dù mức giá này là cao hơn nhiều so với ngày thường, nhưng vì họ chấp nhận cho vợ chồng anh qua đêm chứ không như những chỗ khác (chỉ cho ở lại một vài tiếng hoặc “hét” mức giá cực cao, có khi không còn phòng mà thuê), nên anh Thông đành ngậm ngùi cam chịu.

Ngước lên thì vợ mình chẳng được sung sướng bằng vợ các đại gia, nhưng nhìn xuống bao nhiêu cô gái phải ngủ vỉa hè, hoặc đi dạo lang thang giết thời gian chờ trời sáng, anh thấy mình cũng có trách nhiệm với vợ con lắm.

... Đến chuyện tắc đường

Cố gắng đi từ 5 giờ sáng, nhưng ngay khi vừa chạm cửa ngõ thủ đô, vợ chồng anh đã phải chật vật lắm mới len qua được dòng người đang cuồn cuộn đổ về Hà Nội. Bình thường chỉ mất bốn tiếng là anh có thể nghỉ ngơi, giờ khoảng thời gian đó tăng lên gấp rưỡi chỉ để… chờ đèn đỏ và chờ người đi phía trước, khiến anh Thông thực sự mệt mỏi và căng thẳng.

Không ít cặp vợ chồng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.  

Khổ nỗi, vừa tự hào với vợ vì mình hơn ối ông chồng khác, nhờ tài xoay sở mà tìm được một nhà nghỉ “ưng ý”, thì nay anh như một kẻ thất trận khi có “nhà” rồi mà không về được. Chỉ mới đi dạo quanh hồ Gươm một vòng mà vợ chồng anh đã... không có lối thoát. Thế là phòng trọ thuê cả đêm đành bỏ trống.

Anh Thông tiếc rẻ: “Biết vậy chả thuê nữa, đỡ tốn tiền. Bọn mình mãi tận 4 giờ sáng (10/10) mới về tới phòng. Mệt phờ ra, chả ai có sức đi tiếp nữa. Hai vợ chồng đành lăn ra ngủ. Dự định tỉnh dậy sẽ về quê sớm. Sợ cảnh chen lấn, xô đẩy ở Hà Nội lắm rồi”.

Ôi, cái mặt tiền!

Nhà nghỉ nơi vợ chồng anh thuê trọ nằm ở ngay mặt đường, nơi nhiều xe cộ qua lại. Dù rất mệt sau một ngày dài đi lại vất vả, nhưng vợ chồng anh vẫn không thể ngủ yên ổn được. Cứ chốc chốc tiếng còi xe gầm rú, dòng người hò hét mừng Đại lễ… Lại thêm chứng “lạ nhà, khó ngủ” nên cả đêm vợ anh cứ thấp thỏm không yên giấc, và đành nằm chờ trời sáng.

Nếu như trước đây, chị Đào (vợ anh Thông) luôn khao khát được sở hữu một căn nhà có càng nhiều mặt tiền càng tốt để tiện làm ăn, buôn bán thì nay chị đã bắt đầu có đôi chút khó chịu với sự ồn ào của phố xá – mặt trái của... nhà mặt tiền.

Giá cả leo thang

Ngỡ tìm được một thiên đường lý tưởng, giá mềm sống qua ngày lễ lớn này, nhưng anh Thông đã bị một phen “hú vía” với cái “tưởng” của mình. Như lẽ thường, ngủ dậy là tính chuyện ăn uống. Anh đưa vợ đi ăn. Tuy nhiên, một bát phở cũng đắt gấp rưỡi giá ngày thường và nếu không hỏi giá trước, vợ chồng anh chắc sẽ còn bị chặt chém nhiều hơn thế nữa.

Vì nhà có con nhỏ nên vợ anh muốn mua quà cho cháu ở nhà. Tuy nhiên, giá cá thay đổi đến chóng mặt. Khi vừa thấy một chị hỏi mua quả bóng bay cho con với giá 8 nghìn đồng, anh Thông cũng định “tậu” một quả cho cu cậu nhà mình, thì vừa lại hỏi, giá đã tăng lên thành 15 nghìn đồng. Và dù vợ anh đã khéo mặc cả, mức giá cũng chỉ giảm xuống còn 10 nghìn đồng. Anh Thông ngao ngán: “Quả thực, không nước nào mà giá cả leo thang nhanh như “luật” của mấy chị bán hàng rong ở Việt Nam”.

Chụp ảnh cùng… rác thải!

Trước khi khăn gói quả mướp về quê, anh chị định chụp mấy tấm hình làm kỉ niệm, nên quyết định “lội ngược” dòng người đi về phía đường Điện Biên Phủ, chứ không đi ra Mỹ Đình chờ xem bắn pháo hoa.

Nhưng khi ra tới nơi thì ôi thôi, xung quanh toàn rác và các chị lao công quét rác. “Hẳn tối qua đã có một bữa tiệc lớn ở đây”, anh Thông chắc mẩm. Vậy là anh chị đành tạo dáng cạnh những đống rác hai bên đường để có chút kỉ niệm và mang chút “hương” của Hà Nội về khoe với hàng xóm, người thân ở nhà.

Khói bụi, sự chen chúc, nóng bức đã khiến chị Đào sụt sịt cảm cúm. Vợ chồng họ quyết định rời Hà Nội trước giờ G, dù anh Thông vẫn còn khá tiếc nuối chuyến hành trình "ngàn năm có một" này.

Kiều Vui


Bên cạnh những điểm còn bất cập trong khâu tổ chức, những hạn chế về cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ, ý thức ứng xử của mỗi người nơi công cộng đã đem vào ngày vui chung những bực dọc không đáng có; chưa kể những người tranh thủ đầu cơ kiếm lợi trên nỗi vất vả của bà con từ xa về thủ đô dự lễ. Trong một ngày bốn phương tụ hội, đây không còn là câu chuyện của riêng Hà Nội, mà là nỗi lo chung cho tất cả những người Việt có ý thức cộng đồng.

Nếu bạn cũng gặp những câu chuyện, hay ghi lại những hình ảnh như vậy, hãy chia sẻ cùng độc giả VTC News qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected]. Hãy lên tiếng và hành động vì một môi trường sống ngày càng tốt đẹp cho mỗi chúng ta!

Bình luận
vtcnews.vn