B.Bình Dương: Đại gia trăm tỷ mặc 'áo hàng chợ'

Thể thaoThứ Ba, 05/08/2014 04:13:00 +07:00

Trong lịch sử tham dự giải chuyên nghiệp, B.Bình Dương chưa bao giờ biết mặc chiếc áo đấu hàng hiệu là gì khi họ chỉ quen áo "hàng chợ" với giá tầm 150.000 đồng

Trong lịch sử tham dự giải chuyên nghiệp, B.Bình Dương chưa bao giờ biết mặc chiếc áo đấu hàng hiệu là gì khi họ chỉ quen mặc áo "hàng chợ" với giá tầm 150.000 đồng/bộ.

Không chỉ B.Bình Dương là những đội bóng V.League cũng tiêu tiền “ác liệt” như Hoàng Anh Gia Lai, Vissai Ninh Bình, Xuân Thành Sài Gòn, SHB. Đà Nẵng, Navibank Sài Gòn, Xi măng Hải Phòng… đều chẳng bao giờ biết đến những chiếc áo đấu xịn hiệu Nike, Adidas, Puma, Umbro, Lotto… Đơn giản, tất cả đều xài những bộ quần áo đấu có thể dễ dàng đặt mua ở những con đường Huyền Trần Công Chúa (TP.HCM), Trịnh Hoài Đức (Hà Nội) hay ở bất cứ thành phố nào tại VN với giá chỉ hơn 150.000 đồng/bộ với đầy đủ áo, quần, tất.

May là cả làng bóng đá VN chưa bị Adidas kiện

Một năm B.Bình Dương tiêu bao nhiêu tiền là con số bí mật nhưng nhìn vào hàng chục bản hợp đồng lót tay tiền tỉ mỗi mùa để mua cầu thủ rồi tiền lương trung bình 30-50 triệu/tháng với cầu thủ nội, 7.000-10.000 USD/tháng với cầu thủ ngoại và tiền thưởng thắng trung bình 700-800 triệu/trận thì có lẽ B.Bình Dương chưa bao giờ xài dưới 80 tỷ/mùa.
B.Bình Dương (áo đỏ) dùng áo hàng chợ trong khi Hà Nội T&T (áo vàng) mặc đồ của Kappa (Ảnh: Quang Minh)
Đơn cử cho thói tiêu tiền như ném của “Chelsea VN” là họ lấy tiền đạo Nguyễn Việt Thắng từ V.NB với giá 8 tỷ đồng lót tay/3 năm nhưng hầu như chưa sử dụng để rồi phải đẩy cho ĐT.LA mượn và bán đứt với giá tượng trưng.

Mà thôi, chuyện tiêu tiền như thế nào là việc của lãnh đạo CLB B.Bình Dương bởi dù sao trong hoàn cảnh khó khăn chung mà CLB vẫn xông xênh như thế cũng nên mừng cho họ cũng như người hâm mộ đất Thủ Dầu Một.

Trở lại chuyện tấm áo đấu thì dù tiêu tiền không tiếc tay, điều lạ lùng là trong suốt chiều dài lịch sử của CLB kể từ khi lên sân chơi chuyên nghiệp vào năm 2004 đến nay tròn 10 năm, B.Bình Dương chưa bao giờ biết mặc chiếc áo đấu xịn. Thay vào đó, cứ đến mùa họ lại chọn màu sắc rồi đặt mua những bộ quần áo ở những cơ sở sản xuất áo quần bóng đá với giá thành tầm 150.000 đồng/bộ mà dân bóng đá vẫn quen gọi là “hàng chợ”.
Vi phạm thương quyền dẫn đến doanh số tiêu thụ sản phẩm của các hãng Adidas, Nike, Puma ở thị trường Việt Nam rất nhỏ bé 
Đã đặt hàng chợ thì việc thiết kế quần áo hết sức tùy tiện, nhất là việc B.Bình Dương thường xuyên mặc những chiếc áo đấu có “3 sọc” ở chạy dọc cầu vai và hông quần.

Biểu tượng “3 sọc” (Three Stripes hay Three Lines) được coi là thương hiệu được đăng ký bảo hộ độc quyền của Adidas trên toàn cầu, cấm vi phạm dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện ở nước Mỹ hay châu Âu, còn ở Việt Nam thì “3 sọc” hay “4 sọc” hoặc logo boomerang của Nike bị nhái ngang nhiên chẳng ai làm được gì.


Không chỉ B.Bình Dương mà rất nhiều CLB ở Việt Nam trước đây hay hiện nay mặc áo đấu có biểu tượng “Three Lines” như SHB.Đà Nẳng, Vissai Ninh Bình, SLNA, ĐT.LA, Than Quảng Ninh, XM Hải Phòng… Nói chung, không ít thì nhiều các CLB ở VN đều vi phạm quyền bảo hộ thương hiệu của Adidas. Đội V.Ninh Bình thi đấu ở AFC Cup cũng thản nhiên mang vớ ghi hẳn logo Adidas nhưng là vớ nhái.

Ở một giải đấu được coi là chuyên nghiệp, các CLB hầu như khi khoác trang phục thi đấu đều có logo của hãng sản xuất mà có thể là những hãng danh tiếng như Addias, Nike, Puma, Umbro, Diadora, Kappa, Mizuno… của Đức, Mỹ, Anh, Ý, Nhật hoặc của các hãng sản xuất nội địa. Tuy nhiên ở Việt Nam, điều này là hoàn toàn xa xỉ bởi tư duy dùng hàng nhái thành thói quen, bất chấp V.League gắn mác giải đấu chuyên nghiệp đến nay đã 15 năm trời.

Chuyên nghiệp phải từ tấm áo, manh quần


Adidas có văn phòng đại diện lẫn nhà máy sản xuất tại Việt Nam song mặc dù biết rất rõ nhưng chưa bao giờ hãng thể thao của Đức để tâm đến chuyện bao năm nay các CLB ở V.League vi phạm thương quyền của họ. Đơn giản, trong quan điểm của các hãng như Addias thì ở Việt Nam việc vi phạm thương quyền quá nghiêm trọng đến mức luật phát gần như bất lực (có lẽ chỉ đứng sau Trung Quốc).

Kế đến nữa, việc vi phạm thương quyền dẫn đến doanh số tiêu thụ sản phẩm của các hãng Adidas, Nike, Puma ở thị trường Việt Nam rất nhỏ bé so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia hay kể cả Thái Lan, Indonesia.
V.Ninh Bình thi đấu với quần áo nhái
Các CLB Việt Nam thản nhiên vi phạm thương quyền?
Đây chính là lý do mà nhiều CLB lớn châu Âu như Man United, Liverpool, Chelsea, Arsenal đến mùa du đấu thường ghé qua các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia mà không ghé Việt Nam. Ngay chuyến du đấu của Arsenal vào tháng 7.2013 chủ yếu do Eximbank và Hoàng Anh Gia Lai chi tiền chứ không phải do Nike là nhà tài trợ trang phục cho Pháo thủ hậu thuẫn.

Ở Việt Nam, cho đến giờ chỉ có CLB Hà Nội T&T chú trọng đến vấn đề áo đấu khi họ trở thành CLB đầu tiên của V.League bắt tay với hãng Kappa với hợp đồng công bố là 2 tỉ/năm hồi năm 2011 và mới tái ký vào đầu năm 2014. Sau Hà Nội T&T thì hãng Kappa chủ động tài trợ trang phục cho SLNA ở đầu mùa 2014 với lý do chính đội bóng xứ Nghệ có lực lượng CĐV đông đảo nhất ở mọi miền đất nước.

Vậy các CLB còn lại thì sao? Câu trả lời là: Không biết!

Với bóng đá Việt Nam  thì lãnh đạo VFF hay quản lý CLB rất dễ dàng khi nói thế nào là "bóng đá chuyên nghiệp" nhưng ở V.League, hạng Nhất thì đội nào mặc đồ gì cũng được. Áo đấu “hàng chợ” thì đã làm sao khi mà ít ra chi phí rẻ rề 150.000 đồng/bộ của nó cũng khiến CLB dễ dàng gật đầu mà chẳng đắn đo đến việc khái niệm “thương hiệu” có ý nghĩa gì.

Một yếu tố quan trọng khác là ở Việt Nam hiện nay hầu như không có hãng sản xuất nào cung cấp áo đấu, ngoài thương hiệu Động Lực.

“Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khác các nước khác”, lời của vị cựu chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ xem ra không phải không có lý.

Theo Motthegioi
Bình luận
vtcnews.vn