Bầu cử QH: “Đừng để một người bỏ phiếu cho nhiều người”

Thời sựThứ Hai, 25/04/2011 08:46:00 +07:00

(VTC News) - “Thời gian đến ngày bầu cử không còn nhiều, do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ý thức được quyền công dân của mình", ông Ksor Phước nói.


(VTC News) - “Thời gian đến ngày bầu cử (22/5) không còn nhiều, do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ý thức được quyền công dân của mình. Tránh việc một người bỏ phiếu cho nhiều người như đã từng xảy ra”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH  Ksor Phước bày tỏ ý kiến.

Giúp dân có những thông tin tốt nhất để bỏ phiếu
Chiều nay (25/4), UBTV Quốc hội đã nghe Hội đồng Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016 báo cáo về tình hình chuẩn bị cho cuộc bầu cử.

Một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận sôi nổi nhất là cần đẩy mạnh và đa dạng cách thức tuyền truyền để cử tri cả nước thấy được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong mỗi lá phiếu bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đề nghị cách thức tuyên truyền cần đa dạng, có thể bằng hình thức trực tiếp, đế cử tri ở cở sở ý thức được trách nhiệm của mình trước khi đi bầu cử.

Công tác chuẩn bị bầu cử QH khóa 13 đang được tiến hành tích cực tại khắp nơi trên đất nước 


Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh của QH Lê Quang Bình cũng lưu ý đến vấn đề an ninh – trật tự các điểm bầu cử, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động theo chiều sâu và chiều rộng nhằm giúp cho người dân có được những thông tin tốt nhất để lựa chọn những ứng cử viên có năng lực, trình độ cũng như phẩm chất đạo đức tốt nhất.

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 13 đến ngày 17/4/2011, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Theo đó, tổng số người được lập danh sách chính thức ở cả Trung ương và địa phương là 832 người (có 15 người tự ứng cử), trong đó ở Trung ương là 182 người, ở địa phương là 650 người.

Đến nay, có 02 ứng cử viên ở Hà Nội và Bạc Liêu xin rút khỏi danh sách chính thức. Do vậy, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội trong cả nước còn 830 người. Số người ứng cử trong danh sách chính thức so với tổng số đại biểu được bầu 1,66 (830/500).

Xem xét các địa điểm bầu cử sớm

Dự kiến, chậm nhất đến ngày 27/4/2011, Hội đồng bầu cử sẽ ban hành Nghị quyết công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách chính thức.

Về việc phân bổ ứng viên Trung ương về các địa phương, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cho rằng “rất khó và phức tạp”,  nên chỉ mang tính chất tương đối.

"Tinh thần là chúng ta phải đảm bảo cơ cấu, đảm bảo số dư... Tránh tình trạng có ứng viên nói vì đưa tôi về vùng này vùng kia nên tôi không trúng cử. Trong 5 ứng viên ở một đơn vị sẽ chỉ chọn 3 người, còn lại 2 người sẽ trượt", Tổng bí thư nói.

Báo cáo của Hội đồng Bầu cử cho biết, đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bầu cử, phân công nhiệm vụ cho các thành viên  và quyết định thành lập các tiểu ban giúp việc.

Theo đó, Hội đồng đã ban hành quyết định phân bổ những người ứng cử ở Trung ương về 63 tỉnh, thành phố trực thuộc. Trong hoạt động giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử, Hội đồng cùng với UBTV QH tổ chức 20 đoàn kiểm tra tại 41 tỉnh, thành phố.

Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên cũng cho biết, có 10 tỉnh thành đề xuất bỏ phiếu sớm, trong đó 2 tỉnh thành đang được Hội đồng bầu cử xem xét.

Các địa bàn xin bỏ phiếu sớm chủ yếu là miền núi, hải đảo, giao thông đi lại khó khăn và một số đơn vị lực lượng vũ trang. Dự kiến, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) sẽ bỏ phiếu sớm một tuần (ngày 15/5).

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn