Bất ngờ bến đò tự quản sau "thảm họa sông Gianh"

Thời sựThứ Sáu, 12/02/2010 09:05:00 +07:00

(VTC News) - Chúng tôi về sông Gianh vào một ngày chớm Tết. Cũng thời gian này năm ngoái đã xảy ra tai nạn thương tâm làm 42 người chết, hầu hết phụ nữ, trẻ em.

(VTC News) - Nếu mô hình về những bến đò như thế này sớm đưa vào hoạt động thì vụ tai nạn lật đò thương tâm trên sông Gianh một năm về trước hoàn toàn có thể tránh khỏi.

Trên sông Gianh, đoạn ngang địa phận xã Quảng Thuận và Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình hiện có bến đò do đoàn viên, thanh niên tự quản, hoạt động ngày càng hiệu quả, đảm bảo an toàn cho hàng ngàn người dân qua lại kể cả trong những ngày Xuân.

Bất ngờ “Bến đò an toàn thanh niên tự quản”

Chúng tôi về sông Gianh vào một ngày chớm Tết. Cũng thời gian này năm ngoái (ngày 25/1/2009 tức 30 Tết), ngang sông Gianh tại xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình đã xảy ra tai nạn thương tâm khi con đò chở người dân đi sắm Tết bị lật giữa dòng khiến 42 người chết, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, trong đó có những em chỉ 5-6 tuổi. Vụ lật đò kinh hoàng bao trùm không khí tang thương lên khắp vùng quê Quảng Bình khi những ngày tết đến.

Đội trưởng Nguyễn Đức Tùng giới thiệu pa-nô tuyên truyền của mô hình “Bến đò an toàn thanh niên quản lý” 

Trong lần trở lại này, khi còn cách nơi xảy ra vụ lật đò tang thương một năm về trước khoảng 5km, chúng tôi thực sự bất ngờ được chứng kiến một bến đò đi vào hoạt động hiệu quả, “Bến đò an toàn thanh niên quản lý” tại xã Quảng Thuận và Quảng Văn.


Anh Nguyễn Ngọc Sơn- Bí thư Huyện Đoàn Quảng Trạch, cho biết, mô hình “Bến đò an toàn thanh niên tự quản” bắt đầu hoạt động từ tháng 11/2007 với kinh phí hơn 20 triệu đồng do T.Ư Đoàn cấp. Bến Đá được chọn để triển khai bởi bến đò này khác với các bến đò khác khi nó không đi ngang mà đi chéo, vì thế chiều dài lớn, khoảng hơn 500m, sông lại nhiều sóng.

Đò chở khách sẽ do một đoàn viên có bằng lái đò điều khiển. Một đội thanh niên tự quản được thành lập với 10 người, mỗi xã 5 người do Bí thư xã Đoàn phụ trách. Năm đầu tiên có kinh phí, mỗi người được hỗ trợ 50.000 đồng/tháng, giờ hết rồi nhưng anh em vẫn làm việc trên tinh thần tự nguyện. Ngày nào cũng có một đội viên túc trực tại bến đò đề nhắc nhở, tuyên truyền người dân tuân thủ các yêu cầu về an toàn giao thông đường thủy.

Đến Bến Đá, tấm bảng pa-nô cổ động gây ấn tượng mạnh với những hình ảnh biểu trưng và dòng chữ ý nghĩa: “Tuổi trẻ Quảng Trạch vì bình yên sông nước quê hương”.

Kiên quyết nói không với những ai không mặc áo phao

Trưa vắng khách, 2 con đò nằm lửng lờ, trên mỗi đò đều có đầy đủ áo phao, phao cứu hộ. Trên bến, lái đò Mai Xuân Thương tranh thủ giờ nghỉ để buộc lại cái dây của mấy chiếc áo phao bị sờn do sử dụng lâu ngày. Anh Thương là Phó bí thư chi Đoàn của xóm Nam. Da sạm đen, gương mặt hiền lành nhưng anh rất cương quyết với những hành khách cố tình không chấp hành quy định khi đi đò.

Điều khó nhất của anh là gì? Anh Thương trả lời: “Không phải lúc nào mình cũng thuyết phục được người đi đò mặc áo phao bởi nhiều người ỉ lại, chủ quan là dân sông nước; họ chống đối quyết liệt, thậm chí là chửi tục và gây sự. Những lúc như thế, mình chỉ còn cách bỏ đò lên nhà tránh”.

100% khách đi đò ở Bến Đá phải mặc áo phao. 

Anh Thương cho biết thêm, vì gần cửa sông nên khúc sông đoạn này rất rộng, lại thường xuyên có sóng to, nhất là mùa mưa bão việc lái đò cực kỳ gian nan. Người lái đò phải cực kỳ cẩn thận. Anh Nguyễn Đức Tùng, đội trưởng đội thanh niên quản lý Bến Đá, xã Quảng Thuận tâm sự: “Sông Gianh đoạn chảy qua xã Quảng Thuận và Quảng Văn chia cắt mọi hoạt động giao lưu buôn bán của hai địa phương. Những ngày cao điểm như lễ tết, người đi qua lại rất đông, chen chúc nhau. Lúc ấy chúng tôi phải tăng cường anh em đoàn viên, thanh niên tự quản túc trực”

Tổ tình nguyện tham gia quản lý bến đò an toàn đều biết bơi, am hiểu kiến thức về giao thông đường thủy nội địa. Tất cả các đội viên đã trải qua các đợt huấn luyện về sơ cấp cứu, cứu hộ cứu nạn trên sông. Cứ 4 tháng tổ chức họp đội tình nguyện một lần.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các tình nguyện viên không ngừng tuyên truyền việc mặc áo phao khi lên đò qua sông, khách nhiều quá thì yêu cầu đi chuyến sau vì thế đế nay, ý thức của người dân tại xã Quảng Thuận và Quảng Văn được nâng cao. “Cái khó bây giờ là chúng tôi không có kinh phí hoạt động vì xã quản lý bến đò”, anh Thương nói.

Một hành khách đi cùng chuyến đò sang xã Quảng Văn phấn khởi: “Tôi ở xa về quê, trên đường đi cứ lo lắng chuyện đò giang cách trở bởi vừa rồi có nhiều sự cố thương tâm. Thế nhưng khi lên đò mới thấy yên tâm, đò ít người, áo phao đầy đủ thế này thì tốt quá. Thật đáng khâm phục sự nhiệt tình của lực lượng đoàn viên, thanh niên”.

Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình Hồ An Phong, Quảng Bình cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước là địa bàn có nhiều sông ngòi, nhiều bến đò ngang hoạt động nhưng khâu an toàn thì chưa được thực hiện tốt. Việc triển khai mô hình này là rất có ý nghĩa, cần phải nhân rộng ra nhiều hơn”

Cũng theo anh Phong, nếu mô hình về những bến đò như thế này sớm đưa vào hoạt động thì vụ tai nạn lật đò thương tâm trên sông Gianh một năm về trước hoàn toàn có thể tránh khỏi.

Sông Gianh
Bình luận
vtcnews.vn