Bảo hiểm thất nghiệp, điểm tựa cho người lao động

An SinhThứ Năm, 06/07/2023 09:08:00 +07:00
(VTC News) -

Tham gia BHTN, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% (bình quân 6 tháng lương liền kề), được hỗ trợ học nghề miến phí, giới thiệu việc làm miễn phí.

Hơn 5,2 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp

Sau 13 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đến nay, cả nước có trên 13 triệu người tham gia, chiếm 27,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Chính sách BHTN đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người lao động với trên 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trong đó, 97% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước, đã có trên 230 nghìn người được hỗ trợ học nghề.

Ông Đào Duy Hiện, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH cho biết, chính sách BHTN đã và đang trở thành điểm tựa cho người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp. Chính sách này đã góp phần chia sẻ khó khăn cho NLĐ và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn.

Tham gia BHTN mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

Tham gia BHTN mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

Đặc biệt, từ khi có Luật việc làm đã tạo thuận lợi cho việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Đào Duy Hiện, hiện nay vẫn còn nhiều đối tượng chưa quan tâm đến ý nghĩa cốt lõi của chính sách BHTN mà mới dừng lại vấn đề được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Vì vậy, ông Hiện cho rằng Việt Nam cần sớm hoàn thiện các chính sách đồng bộ, hiện đại, thống nhất, có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến quý 3/2022, BHXH Việt Nam đã thực hiện chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt từ Quỹ BHTN theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 24/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hơn 13,3 triệu lượt người lao động, với số tiền trên 31 tỷ đồng.

Đó là minh chứng rõ ràng nhất về ưu điểm của chính sách BHTN và là tiền đề cốt lõi để hướng đến các mục tiêu phát triển thị trường lao động, kiểm soát được thất nghiệp trong thời tới.

Nhiều người “quên” chính sách học nghề

Đề cập đến việc chưa có nhiều lao động thấp nghiệp lựa chọn học nghề, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, đây là điều đáng tiếc. Bà Liễu cho biết, khi tham gia chính sách BHTN, NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% của bình quân 6 tháng lương liền kề trước khi mất việc, được hỗ trợ học nghề miễn phí, được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí khi tham gia BHTN.

Người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí khi tham gia BHTN.

Theo bà Liễu, để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải nộp đủ bảo BHTN 12 tháng trở lên, nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề thì chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên là NLĐ có quyền được hỗ trợ học nghề. Đây là quyền lợi mà nhiều lao động bỏ quên.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều biến động thời gian qua (ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 hay như do thiếu đơn hàng mà hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm từ giai đoạn cuối năm 2022 đến nay) mà người lao động không “mặn mà” với chính sách học nghề khi thất nghiệp là vấn đề rất đáng phải suy nghĩ.

Tuy nhiên, lý giải ở góc độ xã hội thì nguyên nhân này có thể là do những lao động mất việc chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới với mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Chính sách của BHTN cũng mới chỉ hỗ trợ chi phí học nghề, chưa hỗ trợ các chi phí khác như ăn ở, đi lại khi trung tâm học nghề không gần nơi cư trú khiến NLĐ càng ít quan tâm học nghề.

Cũng theo bà Hương, có một vấn đề cũng cần có sự điều chỉnh để thu hút NLĐ quan tâm học nghề là đào tạo phải theo nhu cầu. Người có nhu cầu học nghề xây dựng chẳng hạn nhưng mình chỉ dạy nấu ăn với may vá thì không thu hút được.

Do đó, để chính sách đào tạo, hỗ trợ duy trì việc làm cho NLĐ phát huy hiệu quả, việc đào tạo cần dựa trên nhu cầu của NLĐ, kết hợp với các cơ sở đào tạo, đào tạo chuyển đổi, cũng như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chặt chẽ hơn.

Tham gia BHTN, người lao động được hỗ trợ học nghề miên phí.

Tham gia BHTN, người lao động được hỗ trợ học nghề miên phí.

Cùng với đó, dự thảo Luật việc làm cần bổ sung các chính sách để đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho NLĐ, hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Luật cũng cần bổ sung quy định những người đang tham gia BHTN đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; bổ sung quy định phạm vi và nội dung hỗ trợ (đi lại, ăn, ở) ngoài mức học phí…

THƯ CHÂU
Bình luận
vtcnews.vn