Báo giới Australia đồng loạt bôi đen trang nhất phản đối chính phủ

Thế giớiThứ Hai, 21/10/2019 14:09:00 +07:00

Báo giới Australia thể hiện sự đoàn kết hiếm hoi khi đồng loạt bôi đen trang nhất trong nỗ lực phản đối các biện pháp hạn chế báo chí hiện nay của chính phủ.

Hai trang tin lớn của Australia là News Corp AustraliaNine xuất bản trang nhất với các phần văn bản bị bôi đen đi kèm với con dấu màu đỏ ghi chữ "mật". 

Đây là động thái nối tiếp chiến dịch biểu tình phản đối luật an ninh quốc gia mà các nhà báo cho rằng kìm hãm tin tức và tạo ra "văn hóa giấu diếm". 

australia

Hàng loạt trang nhất các báo Australia bôi đen trang nhất đê phản đối chính phủ. (Ảnh: AP)

Canberra cho biết họ ủng hộ tự do báo chí nhưng nhấn mạnh "không ai vượt quá luật pháp".

"Điều đó bao gồm tôi, bất kỳ nhà báo nào hoặc bất kỳ ai khác", Thủ tướng Scott Morrison nói trong tuyên bố hôm 20/10. 

Hồi tháng 6, các cuộc đột kích của cảnh sát vào Tập đoàn Truyền thông Australia (ABC) và nhà của một nhà báo News Corp Australia gây làn sóng phản đối dữ đội. 

Các tổ chức truyền thông cho biết các cuộc đột kích được triển khai dựa trên các bài báo với nguồn tin từ những người tố giác. Một bài báo đưa ra các cáo buộc về tội ác chiến tranh, một bài báo khác vạch trần nỗ lực theo dõi thông tin công dân của chính phủ.

Chiến dịch biểu tình hôm 21/10 được Liên minh Quyền được biết phát động và nhận được sự hưởng ứng đông đảo từ các hãng tin, đài phát thanh và báo điện tử. Chiến dịch này khẳng định luật an ninh trở nên cứng rắn hơn trong 2 thập kỷ qua đe dọa báo chí điều tra, làm xói mòn "quyền được biết" của công chúng.

Trên Twitter cá nhân, Michael Miller, Chủ tịch điều hành của News Corp Australia đăng tải hình ảnh trang nhất các tờ báo đồng loạt bị bôi đen, kêu gọi công chúng chất vấn chính phủ: "Họ đang cố giấu chúng ta điều gì?".

Giám đốc điều hành ABC David Anderson cũng bày tỏ quan ngại "Australia có nguy cơ trở thành nền dân chủ bí mật nhất thế giới".

Kể từ khi luật chống gián điệp mới được đưa ra năm 2018, các cơ quan truyền thông vận động để các nhà báo và người tố giác được miễn trừ khi báo cáo thông tin nhạy cảm.

Các tổ chức cũng  kêu gọi các quyền tự do lớn hơn trong các lĩnh vực khác, như cải cách tự do thông tin và luật chống phỉ báng.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn