Bản quyền ngoại hạng Anh làm đau lòng người hâm mộ

Thể thaoThứ Năm, 05/11/2015 01:28:00 +07:00

Tốc độ tăng cao một cách chóng mặt của bản quyền ngoại hạng Anh trong suốt những năm qua khiến những người hâm mộ giải đấu này cảm thấy rất đau lòng

(VTC News) - Tốc độ tăng cao một cách chóng mặt của bản quyền ngoại hạng Anh trong suốt những năm qua khiến những người hâm mộ giải đấu này cảm thấy rất đau lòng.

Lời nhận định trên, thật ngạc nhiên, đến từ chính một tờ báo nổi tiếng tại xứ sương mù - tờ Telegraph. Tom Mockridge, GĐĐH của Virgin Media đã chia sẻ như vậy khi được hỏi về nhận định của ông về việc giá bản quyền ngoại hạng Anh đã tăng gấp đôi trong 3 mùa từ 2016 đến 2019. 
Bản quyền ngoại hạng Anh vẫn đang phát triển không có điểm dừng
Bản quyền ngoại hạng Anh vẫn đang phát triển không có điểm dừng 

Chỉ tính riêng trong biên giới nước Anh, hai gã khổng lồ là Sky và BT đã kéo nhau vào cuộc chiến không khoan nhượng nhằm tranh giành bản quyền phát sóng của 504 trận đấu trong vòng 3 năm từ 2016 đến 2019. Tổng cộng, hai nhà đài này đã phải chi 5,1 tỷ bảng, nghĩa là cứ mỗi trận đấu kết thúc, họ phải ném qua cửa sổ gần 10 triệu bảng - một con số khủng khiếp.

Tom Mockridge nhận xét: "Sự cạnh tranh để độc quyền phát sóng các trận đấu ngoại hạng Anh là sự nguyền rủa với thị trường. Khi phát triển lên đỉnh điểm, cạnh tranh làm nạn độc quyền trở nên gay gắt hơn. Người hâm mộ, đối tượng chính để phục vụ của các đài, thay vì được hưởng lợi, lại chính là những người phải chịu đựng tất cả những hậu quả của cuộc đua không hồi kết này".

Lật ngược lại lịch sử, có thể thấy rằng bản quyền ngoại hạng Anh đã tăng giá khủng khiếp thế nào. Trong giai đoạn từ 1992 đến 1997, thời kỳ Premier League mới được thành lập, số tiền bản quyền truyền hình do Sky chi ra chỉ là 191 triệu bảng. Mỗi trận đấu khi ấy chỉ có giá vào khoảng 600.000 bảng.
Thống kê tiền bản quyền ngoại hạng Anh qua các thời kỳ
Thống kê tiền bản quyền ngoại hạng Anh qua các thời kỳ 
Ở những năm tiếp theo, số tiền Sky chi ra lần lượt là 2,8 triệu bảng/trận (từ 1997 đến 2001); 3,6 triệu bảng/trận (từ 2001 đến 2004). Tổng số tiền tương ứng mà Sky đầu tư cũng nhảy vọt lên 670 triệu bảng rồi 1,2 tỷ bảng.

Cho đến 3 mùa từ 2007 đến 2010, Sky không còn "độc quyền" phát sóng Premier League nữa. Họ phải chia sẻ với Setanta, ESPN và bây giờ là BT. Nhưng sự chia sẻ này không khiến số tiền họ chi ra ít đi. Tính cho đến 3 mùa mới nhất, từ 2016 đến 2019, số tiền họ chi ra cho mỗi trận đã lên mức 10,2 triệu bảng, nghĩa là gấp 17 lần giá cách đó 20 năm.

Không chỉ tăng phi mã ở biên giới nước Anh, bản quyền ngoại hạng Anh ở thị trường quốc tế cũng tăng chóng mặt. Tăng mạnh nhất là Mỹ, Hong Kong và Bắc Âu với mức tăng lên tới 100%. Riêng thị trường Brazil, giá bản quyền cho giải đấu này lên tới 230%.

So với 4 giải VĐQG hàng đầu châu Âu khác, Premier League cho tất cả "hít khói". Serie A, giải đấu đứng thứ nhì về số tiền thu được từ bản quyền truyền hình, cũng chỉ ở mức 1,2 tỷ euro giai đoạn từ 2015 đến 2018, tương đương 850 triệu bảng - nghĩ là chỉ bằng khoảng 1/10 tổng số tiền mà Premier League nhận được. 
Số tiền bản quyền ngoại hạng Anh qua các mùa
Số tiền bản quyền ngoại hạng Anh qua các mùa 
Điều đáng nói, số tiền mà Serie A nhận từ một loạt các đối tác trong giai đoạn từ 2015 đến 2018 đã được ghi nhận là kỷ lục hàng chục năm có một của giải đấu xứ mỳ ống. Chưa khi nào họ đạt tới cột mốc 1 tỷ euro (khoảng 700 triệu bảng), trong khi Premier League đã đạt tới mức này từ những năm 2000.

Trong top 10 thị trường lớn nhất về bản quyền Ngoại hạng Anh trong giai đoạn từ 2013 đến 2016, châu Á chiếm đến 5 đại diện. Đó là Hong Kong (42,6 triệu bảng/năm), Malaysia (42,6 triệu bảng), Ấn Độ ( 30,93 triệu bảng), Indonesia (17,06 triệu bảng), Trung Quốc và Macau (10,67 triệu bảng).

Trong giai đoạn kế tiếp từ 2016 đến 2019, bản quyền ngoại hạng Anh cũng tăng vọt. Theo dự báo, 3 nước dẫn đầu ở khu vực Đông Nam Á là Thái Lan (202 triệu bảng), Singapore (190 triệu bảng) và Malaysia  (128 triệu bảng).

Tại Việt Nam, rất nhiều chuyên gia đã dự đoán, bản quyền ngoại hạng Anh có thể nằm ở mức 50 - 65 triệu bảng, gấp đôi so với 3 năm trước đó. Nếu điều ấy xảy ra thì cũng không có gì lạ, bởi đó là xu thế trên toàn thế giới và bản thân nước ta không thể đứng ngoài quy luật này.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn