‘Bản chất đường sắt ở Việt Nam là mất an toàn’

Thời sựThứ Năm, 31/05/2018 07:46:00 +07:00

TS Khương Kim Tạo cho rằng, đường sắt Việt Nam hiện nay tồn tại rất nhiều bất cập và nhiều nguy cơ mất an toàn.

Trao đổi với PV VTC News, TS Khương Kim Tạo, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng ngành đường sắt Việt Nam hiện nay tồn tại rất nhiều bất cập và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

“Chỉ trong vài ngày, 4 vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra gây thiệt hại về người, tài sản, phương tiện. Mỗi vụ tai nạn lại có những nguyên nhân riêng và chúng ta cần phải nghiên cứu để làm sao trong thời gian tới phải hạn chế được mức thấp nhất việc xảy ra những tai nạn tương tự”, TS Tạo nói.

tainan

 Vụ tai nạn đường sắt xảy ra ở Núi Thành, Quảng Nam. Ảnh: TTO.

Ông Tạo nhìn nhận: “Đường sắt hiện nay tồn tại rất nhiều các tuyến đường giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, giữa đường sắt chung và đường sắt riêng,...Đây là những yếu tố có khả năng dẫn đến tai nạn giao thông đường sắt. Với điều kiện như vậy, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp cụ thể. Về công tác quản lý, rất khó để quy trách nhiệm cho người đứng đầu bởi thực tế, bản chất đường sắt của chúng ta là đã mất an toàn rồi”.

TS Khương Kim Tạo cho rằng vấn đề rất quan trọng khác của ngành đường sắt là ý thức của người tham gia giao thông. "Rất nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra là do người tham gia giao thông chủ quan, cố tình vượt đường sắt bất chấp tín hiệu cảnh báo và nhân viên gác chắn", TS Tạo nêu thực trạng

Theo TS Khương Kim Tạo, để hạn chế những vụ tai nạn đường sắt dẫn đến những thiệt hại nặng nề như vừa qua, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể, phải hoàn thiện khâu quản lý về an toàn đường sắt, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào khâu quản lý, điều hành đường sắt.

TS Tạo phân tích: “Giải pháp an toàn nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất đó là giáo dục ý thức của người tham gia giao thông và trách nhiệm của cán bộ nhân viên ngành đường sắt.

Đối với người tham gia giao thông, bên cạnh việc tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, cần phải chú ý quan sát, không được chủ quan. Tuyệt đối phải dừng lại khi có tàu sắp chạy qua để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như những người xung quanh.

Đối với cán bộ, nhân viên ngành đường sắt cần phải làm việc nghiêm túc hơn, đảm bảo hơn bởi chỉ một phút lơ là của những người gác chắn cũng có thể gây ra những hậu quả nặng nề."

Bên cạnh việc giáo dục ý thức người dân và cán bộ nhân viên ngành đường sắt, TS Tạo cho rằng cần phải quan tâm đến hệ thống báo hiệu đường sắt. Hệ thống báo hiệu đường sắt phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, kiểm định bởi đường sắt là tuyến đường độc đạo, nếu lỡ hệ thống tín hiệu có vấn đề hay hệ thống gác chắn tự động bị hỏng sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Về vấn đề ứng dụng các công nghệ hiện đại vào khâu quản lý, điều hành đường sắt, TS Khương Kim Tạo cho rằng cần phải đầu tư các thiết bị thông minh để cảnh báo, xử lí vụ việc nhanh chóng nhất có thể, tránh gây tổn thất.

L.Thủy
Bình luận
vtcnews.vn