'Bác sĩ siêu nhân’ và hành trình tái sinh những gương mặt biến dạng

Khỏe đẹpThứ Ba, 04/07/2023 10:47:49 +07:00
(VTC News) -

Các chuyên gia trên thế giới sau khi xem thành quả mà PGS.TS Vũ Quang Vinh vi phẫu cho bệnh nhân đều phải thốt lên: “Đúng là bác sĩ siêu nhân”.

Ngày 25/7/2005, chị Nguyễn Thị Kim Loan, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) bị người xử thua kiện trong một phiên tòa tạt axit để trả thù, gây thương tật 64%. Gương mặt biến dạng, chị Loan vượt qua bao đau đớn, đắng cay, trải qua hơn 40 cuộc phẫu thuật ở các bệnh viện nổi tiếng trong và ngoài nước. Các chuyên gia thế giới gọi gương mặt chị là “sự thách thức của y học”.

Chứng kiến nỗi đau thấu xương tủy của bệnh nhân, PGS.TS Vũ Quang Vinh (Phó Giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Chủ nhiệm Bộ môn phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ - Học viện Quân y) mong muốn làm điều gì đó để giúp chị thay đổi cuộc đời.

Hai ngày trước ca mổ ông mời chị Loan lên phòng làm việc và nói: “Tôi từng mổ vi phẫu nhiều lần, nhưng mổ vi phẫu mặt thì chưa từng. Đây là kỹ thuật rất khó ngay cả thầy giáo của tôi ở Nhật cũng chưa thử nghiệm nên tôi thực sự lo lắng”.

Chị Loan đồng ý và chia sẻ nếu thành công bản thân sẽ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, còn thất bại cũng là cách chị cống hiến cho y học.

Sau 9 tiếng, ca mổ vi phẫu cho chị Loan kết thúc tốt đẹp. Ca vi phẫu đó thu hút sự chú ý của giới y học không chỉ ở Việt Nam mà còn cả nền y học tiên tiến khác. Đó là ca tái tạo da mặt đầu tiên trên thế giới.

Có lần chị Loan sang Thái Lan tiếp tục thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, các bác sĩ hỏi chị tái tạo gương mặt ở đâu mà đẹp vậy. Chị tự hào nói do bác sĩ Vũ Quang Vinh của Việt Nam thực hiện. Khi đó, họ đều thốt lên: “PGS.TS Vũ Quang Vinh đúng là bác sĩ siêu nhân”.

Chị Loan là một trong số cả nghìn ca được bác sĩ Vinh vi phẫu. Với ông, mỗi ca mổ lại gắn với những dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp điều trị, chăm sóc sức khỏe người bệnh. 

Gần 30 năm trong nghề, PGS.TS Vũ Quang Vinh phẫu thuật thành công, trả lại gương mặt và tái sinh hàng trăm cuộc đời nhờ kỹ thuật vi phẫu tiên tiến nhất thế giới.

PGS.TS Vũ Quang Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Chủ nhiệm Bộ môn phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ - Học viện Quân y. (Ảnh: Như Loan)

PGS.TS Vũ Quang Vinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Chủ nhiệm Bộ môn phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ - Học viện Quân y. (Ảnh: Như Loan)

PGS.TS Vũ Quang Vinh sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành y. Năm 1987, ông thi đỗ Học viện Quân Y. Sau tốt nghiệp ông được phân công về làm việc tại Viện Bỏng Lê Hữu Trác.

Tại đây, GS Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia đưa cho ông xem bài báo viết về việc người Nhật thành công trong tái tạo cằm, cổ bằng vạt da siêu mỏng của giáo sư Hiko Hyakusoku và hỏi "sao chúng ta chưa làm được kỹ thuật này". PGS Vinh đọc bài báo và thấy nhiều sự khác lạ so với các kiến thức mình đã học.

Nhận thấy đây là kỹ thuật rất hữu ích cho bệnh nhân di chứng bỏng, ông Vinh sau thời gian dài trăn trở đã mạnh dạn viết thư cho giáo sư người Nhật với suy nghĩ "chưa chắc giáo sư sẽ đọc". 

Một tháng sau, ông nhận được thư hồi âm và giáo sư Nhật nói sẽ sang tận nơi mổ thị phạm và chỉ cho biết phải làm thế nào.

Đầu năm 2000, GS Hiko Hyakusoku sang Việt Nam chuyển giao kỹ thuật vi phẫu cho một số bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia. Đó cũng là lần đầu tiên bác sĩ Vinh biết thế nào là kỹ thuật vi phẫu, một kỹ thuật khó và mới lạ với đội ngũ bác sĩ Việt Nam thời điểm đó.

Một năm sau đó, bác sĩ Vinh thi đỗ và nhận được học bổng của Chính phủ Nhật Bản. May mắn, ông được GS Hiko Hyakusoku nhận về khoa Phẫu thuật tạo hình tại Đại học Y khoa Nippon, ngôi trường danh tiếng của Nhật Bản.

"Sang Nhật gần như 2 năm đầu, buổi sáng tôi đi xuống phòng mổ, chiều lên thư viện đọc sách, tự trang bị kiến thức. Một mình tôi phá gần 40 cái xác chuột để tìm ra các mạch máu ở đâu, giải phóng chúng ra làm sao. Tôi xem cả cách họ xử lý các trường hợp biến chứng thế nào để sau này lỡ có gặp còn biết cách xử lý”, ông Vinh nhớ lại.

PGS.TS Vũ Quang Vinh và đồng nghiệp phẫu thuật cho bệnh nhân. (Ảnh: BSCC)

PGS.TS Vũ Quang Vinh và đồng nghiệp phẫu thuật cho bệnh nhân. (Ảnh: BSCC)

Về Việt Nam, ông vi phẫu tạo hình được 5 ca. Giáo sư Hiko khi đó rất bất ngờ, không nghĩ cậu học trò có thể độc lập vi phẫu được, vì trước đó mới chỉ phụ thầy cắt chỉ đúng hai lần.

Dịp đó thầy giáo người Nhật đề nghị ông Vinh sang tận nơi báo cáo và được thầy đưa lên hội nghị phẫu thuật giới thiệu: “Đây là học trò xuất sắc của tôi ở Việt Nam. Đã đẩy kỹ thuật ghép da bằng vạt siêu mỏng của tôi lên một tầm cao mới”.

Giờ đây, ở tuổi ngoài 50, PGS.TS Vũ Quang Vinh vẫn làm song song giữa công tác khám chữa bệnh, điều trị cứu người và đào tạo ra thế hệ kế cận, tiếp nối, phát triển các kỹ thuật tạo hình thẩm mĩ đặc biệt mà ông đang làm. Nhìn những lứa học trò đang ngày càng trưởng thành và hoàn thiện về tay nghề, PGS Vinh luôn tự hào, cảm thấy con đường mình đang đi là đúng đắn.

Ông luôn dạy học trò truyền nghề và phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với người bệnh. Ông luôn nói với học trò là bác sĩ phẫu thuật tạo hình phải có trách nhiệm với mảnh đời bất hạnh do các di chứng bỏng, chấn thương, ung thư... Thực tế các học trò của ông nay đã thành danh, thực hiện được không ít ca mổ khó, giúp thay đổi cuộc đời của những người bất hạnh.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn