Ảnh: Tàu hậu cần lớn nhất miền Trung sẵn sàng ra khơi

Thời sựThứ Bảy, 26/05/2012 07:14:00 +07:00

(VTC News) – Theo dự kiến, đúng 9h sáng 29/5, chiếc tàu hậu cần nghề cá lớn nhất từ trước đến nay của gia đình ông Lê Mến (Đà Nẵng) sẽ hạ thủy

(VTC News) – Theo dự kiến, đúng 9h sáng 29/5, chiếc tàu hậu cần nghề cá lớn nhất từ trước đến nay của gia đình ông Lê Mến (Đà Nẵng) sẽ hạ thủy, sự kiện thể hiện khát vọng vươn khơi xa của ngư dân miền Trung.
Chiếc tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung

Đến khu vực đóng tàu tại cơ sở đóng tàu phường Thọ Quang (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng), nơi đóng chiếc tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung vào buổi trưa một ngày nắng miền trung như đổ lửa nhưng, tất thảy các công nhân vẫn đang hăm hở làm việc, nhằm đưa chiếc tàu hạ thủy đúng giờ đặt ra.

Mấy ngày nay, cha con ông Lê Mến (SN 1960, trú tổ 16, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) gần như thường trực 24/24 tại đà đóng tàu. Anh Lê Văn Sang (SN 1985, con ông Lê Mến), thuyền trưởng tàu cho biết: “Chiếc tàu được bắt đầu đóng từ tháng 3/2012 với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Hơn 95m3 gỗ kiền kiền đã được sử dụng, 3 máy tàu cá đời mới với tổng công suất 1.200CV giúp con tàu có thể hoạt động ổn định trong điều kiện bão cấp 7-8. Con tàu có chiều dài 26m, rộng 6 m, cao hơn 6m, mớn nước 3,1m, 27 khoang chứa với tổng thể tích 120m3, có thể chứa 5.000-7.000 lít dầu, 1.200-1.500 cây đá lạnh, 20 tấn lương thực, nước uống… sức tổng tải hơn 150 tấn, đảm bảo cho các tàu cá vươn khơi xa, bám ngư trường trong thời gian dài”.

Những công đoạn hoàn thiện cuối cùng của chiếc tàu 


Ước vọng vươn biển

“Nếu không có gì thay đổi, đúng 9h sáng ngày 29/5, con tàu hậu cần này sẽ hạ thủy. Khi hoạt động, chiếc tàu có thể cung cấp lương thực, nhiên liệu, nước uống và thu gom hải sản đánh bắt của 20-30 tàu cá, tương đương 60-70 tấn hải sản. Việc đưa chiếc tàu vào hoạt động không chỉ giúp ngư dân mở rộng ngư trường, xa khơi lâu hơn, hiệu quả hơn mà còn thể hiện khát vọng xa khơi, bám biển của các thế hệ ngư dân miền Trung”, anh Lê Văn Sang tâm sự.

“Chiếc tàu là ước vọng vươn khơi xa bao đời của gia đình. Nó không chỉ là của tôi, cha mà của cả ông nội tôi. Trước đây, ông nội tôi có chiếc tàu công suất 20CV, vừa đánh bắt gần bờ, vừa làm dịch vụ thu mua hải sản. Nhưng nguồn thủy hải sản gần dần cạn kiệt, ông già yếu nên bàn giao tại cho cha tôi và hiện nay là 2 anh em tôi. Tôi còn nhớ, trong lúc giao chiếc tàu ấy, ông nội có dặn cha-“Dù gì cũng giữ lấy nghề nghe con !”. Lời dặn của ông luôn bên gia đình tôi.

Để thực hiện lời dặn của ông nội, năm 1997 gia đình vay ngân hàng để đóng tàu hậu cần mới công suất 320 CV. Và khi nhu cầu của bạn nghề ngày càng cao, chiếc tàu tiếp tục được nâng công suất lên 480CV. Nhưng hiện nay, tàu cá công suất ngày càng lớn, đánh bắt nhiều nên việc cần có một đội tàu hậu cần công suất lớn hơn, mạnh mẽ mới có thể đáp ứng được”, thuyền trưởng Sang nói.

Trong thời gian tới, thuyền trưởng Sang còn ấp ủ nhiều dự định, mong muốn sẽ nâng cấp hệ thống làm lạnh bằng hệ thống cấp đông thay cho thói quen sử dụng đá cây như hiện nay, giúp giữ hải sản có chất lượng cao hơn; hay làm sao để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn nghề trên biển

Một số hình ảnh của chiếc tàu hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung:

Sẵn sàng cho những chuyến vượt biển, vươn khơi xa 

Hơn 95m3 gỗ kiền kiền được sử dụng để đóng con tàu này

Thuyền trưởng Lê Văn Sang cùng thợ thuyền hoàn thiện con tàu  

Sức mạnh của con tàu nằm phía sau 3 chân vịt này 

Con tàu sừng sững giữa bãi đà 

.... 

Những nhát búa cùng những con đinh ốc cuối cùng được đóng vào thân tàu 

Khẩn trương để đưa con tàu hạ thủy đúng hạn 

Sức mạnh của con tàu khi sở hữu 3 động cơ "khủng" với tổng công suất lên đến 1.200CV 

Chiếc vô lăng của con tàu và người thuyền trưởng trẻ đã cùng chung nhịp đập 

Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn