Anh em ‘đại gia’ lan đột biến buôn lậu hàng triệu tấn than: Ai chịu trách nhiệm?

Pháp đìnhChủ Nhật, 29/08/2021 17:13:00 +07:00
(VTC News) -

Luật sư cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong vụ đường dây khai thác và tiêu thụ than trái phép quy mô hàng triệu tấn vừa bị triệt phá.

Ngày 27/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết, đơn vị đã triệt phá chuyên án lớn về khai thác, tiêu thụ than trái phép liên quan nhiều đối tượng tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Thái Nguyên.

Khi sự việc được phanh phui, dư luận dấy lên câu hỏi vì sao đường dây này hoạt động nhiều năm, trên nhiều địa bàn mà không bị phát hiện? Ai và cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc hàng triệu tấn than bị khai thác trái phép, và rất nhiều trong số đó được tiêu thụ thành công.

Lợi dụng giấy phép, lập hồ sơ khống khai thác than lậu

Theo hồ sơ của công an, Công ty cổ phần Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép số 1091/GP-UBND ngày 2/6/2014 khai thác than tại Mỏ than Minh Tiến, thuộc địa bàn xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ. Thời hạn khai thác đến hết ngày 28/6/2031. Trữ lượng khai thác hơn 136.000 tấn và công suất khai thác 8.500 tấn/năm.

Tuy nhiên, các đối tượng đã lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản, lập hồ sơ khống và báo cáo số lượng khai thác thấp hơn cả trăm lần so với số lượng khai thác thực tế.

Cụ thể, chưa đầy một năm sau khi được cấp phép, bị can Châu Thị Mỹ Linh đã "bán cái" toàn bộ việc khai thác tại mỏ than Minh Tiến cho Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương do Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh điều hành.

Theo đó, Công ty Yên Phước đồng ý cho Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác, chế biến than tại mỏ với giá 1 tấn than thành phẩm 450.000 đồng. Hợp đồng ký kết giữa hai bên thể hiện khối lượng khai thác ít nhất 400.000 tấn/năm, có thời hạn trong 5 năm.

Anh em ‘đại gia’ lan đột biến buôn lậu hàng triệu tấn than: Ai chịu trách nhiệm? - 1

12 bị can bị khởi tố và bắt tạm giam trong vụ khai thác, buôn bán than trái phép. (Ảnh: CACC)

Như vậy, ngay từ khi thỏa thuận và ký hợp đồng, bị can Châu Thị Mỹ Linh đã để Công ty Đông Bắc Hải Dương vào khai thác gấp 47 lần công suất hằng năm (8.500 tấn), vượt cả sản lượng mỏ được cấp phép (136.000 tấn).

Cơ quan điều tra xác định từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp thực hiện việc khai thác dưới sự chỉ định và giám sát của nhân viên Công ty CP Yên Phước, với sản lượng khoảng 2,5 triệu tấn than.

Bình quân hằng năm, lượng than công ty này khai thác "chui" gấp hơn 120 lần số lượng được phép khai thác.

Truy trách nhiệm đến cùng

Sự việc đường dây khai thác than lậu với quy mô lớn vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) triệt phá đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trả lời VTC News, một luật sư phân tích, nếu nhẩm tính, số than lậu của đường dây này tuy là nhỏ bé so với con số khoảng 38,5 triệu tấn tan mà Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam khai thác được trong một năm nhưng đây lại là con số vi phạm trắng trợn, vì số sản phẩm khai thác chui vượt đến hàng trăm lần so với quy định và chắc chắn gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền lớn.

Hơn nữa, quy trình khai thác than diễn ra rầm rộ trong thời gian dài nhưng không bị chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời. Do đó, cần phải “truy” trách nhiệm đến cùng.

“Theo công an, ngoài những người đã bị bắt, cơ quan chức năng cũng đang điều tra làm rõ trách nhiệm của nhiều người khác có liên quan đến đường dây khai thác, tiêu thụ than lậu với quy mô lớn này. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại Thái Nguyên và Hải Dương cũng đang được làm rõ. Đây là điều chắc chắn phải điều tra đến cùng”, luật sư nêu quan điểm.

Anh em ‘đại gia’ lan đột biến buôn lậu hàng triệu tấn than: Ai chịu trách nhiệm? - 2

Bùi Hữu Giang và anh Bùi Hữu Thanh (ngoài cùng bên phải/trái). (Ảnh: FB)

Đồng tình với quan điểm trên, chia sẻ với VTC News, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng: “Rõ ràng ở đây có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ khâu khai thác, vận chuyển đến tiêu thụ. Trong quá trình khai thác thì cơ quan cấp phép cùng với chính quyền địa phương nơi có mỏ phải có trách nhiệm kiểm tra giám sát. Khi vận chuyển, tiêu thụ có hàng loạt các cơ quan khác có chức năng kiểm tra giám sát như cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường, cùng với các lực lượng khác như quản lý thị trường, hải quan. Kho bãi tập kết trên địa bàn nào thì cơ quan chức năng nơi địa bàn đó phải nắm được…”.

Theo ông Tuấn, những vụ việc tương tự không những gây thất thoát rất lớn tài nguyên của nhà nước mà còn khiến người dân hoài nghi về trình độ năng lực, trách nhiệm công vụ cùng phẩm chất đạo đức của các cán bộ, công chức trong lĩnh vực. Do đó, ông Tuấn cho rằng cơ quan chức năng cần điều tra, truy đến cùng và xử lý nghiêm các hành vi buông lỏng, hoặc bảo kê nếu có.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM), than đá là tài nguyên khoáng sản có giá trị. Hiện các quy định pháp luật trong quản lý và khai thác khoáng sản như than, đá, sét… đã khá toàn diện, đầy đủ. Việc khai thác, vận chuyển và tiêu thụ than cũng phải chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.

Thứ nữa, việc mua bán, vận chuyển số lượng than lớn không thể diễn tra một sớm một chiều, cũng không thể làm dấm dúi được. Trong sự việc này, theo ông Bình, ngoài xem xét trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp vi phạm cũng cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý về khai thác khoáng sản, vận tải, môi trường… nơi doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ có hay không có những thoả thuận “đi đêm” giữa doanh nghiệp vi phạm với những người thực thi công vụ nhằm mục đích chiếm đoạt tài nguyên nhằm thu lợi bất chính. Trường hợp phát hiện có hành vi buông lỏng hoặc tiếp tay cho hành vi vi phạm, tùy vào tính chất mức độ để xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Bình nói.

Doanh nghiệp vi phạm từng bị xử phạt hơn 500 triệu đồng

Tháng 7/2020, Thanh tra Sở Công Thương Thái Nguyên đã ban hành kết luận kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than của Công ty cổ phần Yên Phước – doanh nghiệp được cấp phép khai thác than tại Mỏ than Minh Tiến (Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

Theo kết luận, Công ty Yên Phước đã có hàng loạt vi phạm như khai thác không đúng thông số về chiều cao tầng của hệ thống khai thác đã xác định trong thiết kế mỏ; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được khai thác 843 m2.

Doanh nghiệp này cũng bị xác định đã sử dụng 189.844 m2 đất rừng vào hoạt động khai thác khoáng sản không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định; kê khai thiếu khối lượng đất đá thải, thiếu sản lượng để tính phí bảo vệ môi trường; lập sổ theo dõi xuất nhập vật liệu nổ ghi chưa đầy đủ, hộ chiếu nổ mìn lập không đầy đủ nội dung...

Với những vi phạm trên, Công ty Yên Phước bị xử phạt tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn