Ấn Độ chi hàng tỷ Euro mua chiến đấu cơ Pháp

Thế giớiThứ Bảy, 11/04/2015 11:40:00 +07:00

Thủ tướng Ấn Độ ngày 10/4 tuyên bố sẽ mua của Pháp 36 chiến đấu cơ Rafale do công ty Dasault sản xuất.

Thủ tướng Ấn Độ ngày 10/4 tuyên bố sẽ mua của Pháp 36 chiến đấu cơ Rafale do công ty Dasault sản xuất.

Từ 9-11/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm chính thức Pháp đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ truyền thống giữa hai nước, trong đó tập trung cho lĩnh vực kinh tế với các hợp đồng lớn trong các lĩnh vực vũ khí, hạt nhân dân sự, công nghệ vũ trụ...
Thủ tướng Ấn Độ, Tổng thống Pháp
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (thứ 2 từ trái sang) và Tổng thống Pháp Francois Hollande (thứ 3 từ trái sang) trên dòng sông Sein ở Paris 
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Ấn Độ đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande, thăm một số công ty lớn của Pháp.

Nội dung đáng chú ý nhất của chuyến thăm là việc Thủ tướng Ấn Độ ngày 10/4 tuyên bố sẽ mua của Pháp 36 chiến đấu cơ Rafale do công ty Dasault sản xuất. Hợp đồng có trị giá khoảng 4 tỷ euro và một số điều khoản sẽ được thảo luận tiếp trước khi ký chính thức. Đây là kết quả cụ thể của dự án Pháp bán 126 chiến đấu cơ Rafale cho Ấn Độ, được đôi bên khởi động từ 3 năm nay.

Do giá cả tăng cao khi phía Ấn Độ đề nghị phía Pháp chuyển giao công nghệ để Công ty hàng không Hindustan - HAL lắp ráp 108 trong số 126 chiếc Rafale nói trên, dự án mua bán máy bay nói trên đã bị cắt giảm. Cho dù như vậy thì đây cũng vẫn là một hợp đồng vũ khí lớn.

Bên cạnh đó, hai bên cam kết sẽ tiếp tục bàn thảo về việc chuyển công nghệ lắp ráp máy bay Rafale tới Ấn Độ. Hợp đồng này nằm trong chương trình hiện đại hóa lực lượng không quân đã lỗi thời và tiếp thu công nghệ vũ khí của Ấn Độ.    

Video chiến cơ Rafale của Pháp

Bên cạnh quyết định mua 36 chiếc Rafale, Thủ tướng Narendra Modi cho biết Ấn Độ đã ký với công ty Ereva của Pháp 2 hợp đồng trong khuôn khổ của dự án xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân EPR của Ấn Độ với tổng công suất lên tới 10.000 MW.

Hai bên cũng trao đổi thúc đẩy đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, điện mặt trời, cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông vận tải... trong đó đáng chú ý là dự án hợp tác giữa Tập đoàn đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) và Hãng đường sắt Indian Railways về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc ở Ấn Độ. Các công ty Pháp cũng hy vọng tham gia vào dự án 100 "thành phố thông minh" của Ấn Độ.

Hiện có khoảng 400 doanh nghiệp Pháp đang đầu tư, làm ăn ở Ấn Độ với tổng mức đầu tư lên tới 18 tỉ euro. Số doanh nghiệp này đang tạo ra 300.000 việc làm cho người dân Ấn Độ. Mặc dù là một thị trường quyến rũ, nhưng Ấn Độ hiện bị coi là một trong những địa điểm khó vào kinh doanh trên thế giới.

Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ đứng thứ 142 trên tổng số 189 quốc gia về điều kiện kinh doanh. Một số doanh nghiệp Pháp đã gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường này.

Để khắc phục điều đó, chính phủ của ông Narendra Modi đã nâng tỷ lệ vốn nước ngoài trong các doanh nghiệp lên 49%. Ông Sujit Dutta, giáo sư đại học Jamia Milia Islamia ở New-Delhi cho biết: “Mục tiêu chuyến đi của ông Modi là cải thiện cơ sở công nghiệp của Ấn Độ và kích thích tăng trưởng”.

Trước chuyến thăm, Thủ tướng Narendra Modi đã bày tỏ: “Tôi rất vui mừng tới Pháp để thúc đẩy sự tham gia của Pháp vào chương trình ‘‘Make in India’’, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng”.

Dự kiến, sau khi kết thúc chuyến thăm Pháp, ngày 12/4 Thủ tướng Narendra Modi sẽ tới thăm Đức, sau đó sẽ đi thăm Canada.

Nguồn: VOV
Bình luận
vtcnews.vn