55 bệnh nhân COVID-19 rất nặng, 2 ca tiên lượng khó qua khỏi

Tin tứcThứ Sáu, 21/05/2021 16:58:00 +07:00
(VTC News) -

Tính đến nay, Việt Nam có 65 ca tiên lượng nặng, 55 ca tiên lượng rất nặng và 2 ca tiên lượng tử vong.

Tại buổi hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng trưa nay, phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tính từ đầu đợt dịch (ngày 27/4) đến nay, Việt Nam ghi nhận tới khoảng 1.900 bệnh nhân, tương đương lượng bệnh nhân cả năm ngoái. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân nặng trong đợt dịch này khá cao.

Tính đến chiều 21/5, cả nước có 65 ca tiên lượng nặng, 55 ca tiên lượng rất nặng, 2 ca tiên lượng tử vong (1 ca ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, 1 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM).

Theo diễn biến điều trị, hiện 71 bệnh nhân thở oxy, 7 ca nặng phải thở máy không xâm nhập, 21 ca nguy kịch, thở máy xâm nhập và 3 bệnh nhân phải chạy ECMO. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị 61 bệnh nhân có triệu chứng, trong đó 20 ca thở oxy, 3 ca thở máy (HFNC), 1 ca thở máy xâm nhập và lọc máu liên tục.

55 bệnh nhân COVID-19 rất nặng, 2 ca tiên lượng khó qua khỏi - 1

Tiểu ban Điều trị thường xuyên tổ chức hội chẩn quốc gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. (Ảnh: Võ Thu)

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân nặng, nhiều bệnh nhân không mắc COVID-19 tình trạng bệnh tật đã rất nặng, tiên lượng tử vong như BN3153, BN3780 (bị ung thư phổi khá lâu), BN3019 (ung thư phổi di căn xương). Do đó việc điều trị đối với những bệnh nhân này thực sự là hành trình khó khăn.

Ngoài ra, trong số các bệnh nhân nặng, có người được hội chẩn nhiều lần, ví dụ như BN3760 được hội chẩn lần 3. Đây là bệnh nhân bị viêm phổi nặng, suy hô hấp, tiểu đường, suy giáp, suy thượng thận. Bệnh nhân đang được điều trị an thần, thở máy xâm nhập, cân bằng điện giải, chăm sóc hô hấp, dinh dưỡng, kiểm soát đường huyết, huyết áp; kháng sinh chống nấm.

Đặc biệt, trong đợt dịch này, có nhiều bệnh nhân dù còn trẻ, không mắc tiền sử bệnh lý nền nhưng vẫn chuyển biến nặng. Đó là các trường hợp thai phụ 35 tuổi ở Hà Nội, một nam bác sĩ 37 tuổi, không có bệnh lý nền.

Người thứ 3 cũng có tiền sử khoẻ mạnh nhưng diễn biến tăng nặng nhanh khi nhiễm SARS-CoV-2 là BN3207, 37 tuổi ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Bệnh nhân phát hiện dương tính hôm 7/5.

Sau khi xuất hiện sốt, ho, tức ngực, người đàn ông trẻ tuổi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị 4 ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân sốt cao liên tục 39 - 40 độ C, suy hô hấp tăng, phải thở oxy dòng cao (HFNC) rồi chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khi SpO2 chỉ còn 82%.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin, sáng nay Cục đã đề nghị Bệnh viện Bạch Mai khẩn cấp xuất cấp cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh mượn một số loại vật tư, hóa chất để sử dụng cho hệ thống ECMO và máy lọc máu liên tục, nhằm đảm bảo điều trị.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp