5 sự thật về rạn da có thể bạn chưa biết

FamilyThứ Ba, 04/04/2023 18:31:00 +07:00

Không ai thích làn da có những vết rạn mất thẩm mỹ, chính vì thế mà rạn da luôn là chủ đề được rất nhiều người bàn tán, đặc biệt là các chị em phụ nữ.

Điều đầu tiên nhiều người nghĩ đến khi nói về rạn da thường là các vấn đề liên quan tới việc mang thai. Mang thai là nguyên nhân phổ biến nhất gây rạn da, thế nhưng trên thực tế còn có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rạn da mà có thể bạn không biết. Dưới đây là một số sự thật về rạn da có thể bạn chưa biết do trang tin Healthgrades chia sẻ.

5 sự thật về rạn da có thể bạn chưa biết - 1

Rạn da có thể khiến nhiều người tự ti do yếu tố thẩm mỹ.

Rạn da là một loại sẹo

Sẹo hình thành do cơ chế tự lành vết thương và rạn da cũng vậy. Rạn da hình thành khi da căng ra hoặc co lại quá nhanh.

Quá trình căng ra và co lại làm cho các protein trong da (bao gồm collagen và elastin) bị phá vỡ. Da sau đó cố gắng tự chữa lành, nhưng để lại những vết sẹo được gọi là là vết rạn da. Sẹo hình thành trên da có thể có hình dạng lồi, nhưng các vết rạn da lại có hình dạng lõm do hình thành bên dưới lớp da trên cùng.

Vết rạn có thể khác nhau ở từng người

Không phải ai cũng sẽ có những vết rạn tương tự nhau. Một số người sẽ có vết rạn dài và mỏng, trong khi những người khác có vết rạn da xuất hiện thành chùm.

Đối với những người da sáng hơn, các đường thường có màu đỏ hoặc tím vào lúc đầu và mờ dần theo thời gian cho đến khi chúng có màu trắng. Đối với những người da sẫm màu hơn, vết rạn da có xu hướng trông nhạt hơn màu da thông thường.

Mang thai là nguyên nhân phổ biến nhất gây rạn da

Rạn da do mang thai có tên gọi là striae gravidarum. Khi mang thai, bụng sẽ phát triển để phù hợp với kích thước của thai nhi bên trong, do đó da sẽ căng và dãn ra. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở bầu ngực, đặc biệt là trong giai đoạn khi ngực chuẩn bị sản xuất sữa cho trẻ. Một số khu vực khác trên cơ thể cũng có thể xuất hiện các vết rạn da khi mang thai như đùi, hông, lưng dưới, mông.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng hormone thai kỳ làm cho da dễ bị dãn ra hơn, gây ra các vết rạn da.

Thuốc bôi cũng có thể gây rạn da.

Nếu sử dụng các loại thuốc bôi có chứa thành phần như corticosteroid quá lâu, bạn cũng có nguy cơ cao bị rạn da do hoạt chất này có thể phá vỡ các sợi kết nối trong da, từ đó hình thành vết rạn.

Chính vì thế, nếu sử dụng thuốc mỡ hoặc thuốc bôi có chứa corticosteroid, bạn cần được bác sĩ theo dõi để đảm bảo không sử dụng thuốc quá liều.

5 sự thật về rạn da có thể bạn chưa biết - 2

Bạn cần lưu ý khi sử dụng thuốc bôi có chứa corticosteroid.

Không thể ngăn chặn tình trạng rạn da

Sẹo hay rạn da rất khó để ngăn chặn do cơ chế bảo vệ da của cơ thể. Dù vậy, tình trạng này có thể giảm đi nếu được điều trị an toàn và đúng cách. Hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp điều trị và thuyên giảm tình trạng rạn da như sử dụng Vitamin E để bôi hoặc uống, thoa kem có chứa retinoids (hoạt chất này giúp xây dựng lại collagen, làm thuyên giảm tình trạng rạn da). Tuy nhiên các mẹ bầu nên lưu ý một số hoạt chất cần tránh sử dụng khi đang mang thai để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Dù không gây ảnh hướng đến sức khỏe nhưng những vết rạn da có thể khiến nhiều người, đặc biệt là phái nữ tự ti về ngoại hình của mình. Tuy nhiên, trước khi điều trị rạn da, bạn cần nên hiểu rõ bản chất cũng như tìm hiểu về các biện pháp phù hợp, an toàn cho bản thân.

Mai Phương
Bình luận
vtcnews.vn