5 lỗ hổng pháp lý cần tránh cho các startup

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Tư, 26/04/2017 12:00:00 +07:00

Những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ đến từ các bạn trẻ, Giám đốc Yamada Takafumi - người đã điều hành CareerLink.vn trở thành một trong những công ty tuyển dụng nhân sự và tìm việc làm hàng đầu Việt Nam sau 10 năm, chia sẻ rằng đa số các bạn startup Việt thất bại là do không nhận thức rõ về các vấn đề pháp lý.

Đa số các bạn làm startup thường là những người trẻ có thừa đam mê, trình độ nhưng thiếu kinh nghiệm. Và một trong những yếu điểm lớn nhất của các bạn trẻ trong việc vận hành startup đó chính là việc thiếu kiến thức cần thiết về pháp lý. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 5 lỗ hổng pháp lý cần tránh cho các startup. Từ đó, các bạn sẽ có được cái nhìn đúng đắn và đưa ra biện pháp phù hợp trong việc thực thi các hoạt động kinh doanh theo đúng quy định pháp luật hiện hành ở nước ta.

Bạn có thể tham khảo thông tin việc làm mới nhất tại https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh.

Hinh anh 5 lo hong phap ly can tranh cho cac startup

 

1. Khởi đầu sai loại hình doanh nghiệp

Thực tế, rất nhiều bạn đã sai ngay từ bước khởi tạo startup. Đa phần các bạn trẻ làm startup thường có xuất phát điểm từ đam mê và mong muốn đóng góp những giá trị mới, tích cực cho xã hội. Do đó, các bạn chỉ quan tâm đến sự phát triển của startup mà không chú ý nhiều đến các rủi ro về việc chọn sai loại hình doanh nghiệp. Hậu quả là startup bị đình trệ dẫn đến lỡ mất các cơ hội tốt, xuất hiện sứt mẻ về quan hệ giữa những người sáng lập bởi xung đột lợi ích về vốn, quyền sở hữu tài sản, hoặc thậm chí startup phải bồi thường cho các hợp đồng đã ký kết với đối tác.

Vì vậy, các bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin để chọn đúng mô hình kinh doanh (ví dụ như công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn) phù hợp với định hướng phát triển của startup. Ngoài ra, các bạn cũng nên cụ thể hóa những thỏa thuận “miệng” ban đầu giữa các thành viên thành các giấy tờ pháp lý phù hợp.

2. Bị sao chép ý tưởng do không đăng ký bảo hộ bản quyền và sở hữu trí tuệ

Các startup thường tạo ra những sáng tạo mới, hiệu quả để giải quyết một vấn đề nào đó trong xã hội. Do vậy, vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ nên được các bạn làm startup chú ý quan tâm một cách nghiêm túc. Đặc biệt khi ở Việt Nam luôn đối mặt với vấn nạn hàng giả, hàng nhái đầy nhức nhối. Do đó, để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra cho tâm huyết của bạn thì việc tiến hành đăng ký bảo hộ bản quyền và sở hữu trí tuệ là bắt buộc. Điều này sẽ là cơ sở pháp lý đúng đắn để bạn nhờ sự can thiệp từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền lợi về mặt thương hiệu của startup.

3. Bị nhân viên kiện vì không bảo đảm lợi ích theo đúng hợp đồng lao động

Khởi nghiệp thành công không đến từ cá nhân mà nó đến từ tập thể. Có thể ý tưởng khởi nghiệp độc đáo ban đầu là do chính bạn nghĩ ra nhưng để biến nó thành hiện thực thì bạn cần phải có sự giúp sức của rất nhiều người cùng chung nhiệt huyết.

Các chủ startup ban đầu thường tuyển chọn nhân viên thông qua các giao kết ngắn hạn thiếu văn bản. Tuy nhiên, về lâu dài thì khi startup phát triển bạn sẽ đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý rắc rối không chỉ đến từ đối tác mà còn cả những nhân viên thâm niên. Bạn muốn họ gắn kết lâu dài thì bạn cần phải tạo ra những giá trị lợi ích đảm bảo theo đúng quy định của luật lao động, ngoài việc trả lương xứng đáng. Và do không có đủ nhận thức về vấn đề pháp lý nên cả bạn và nhân viên sẽ xảy ra các mâu thuẫn lợi ích không đáng có khi có vấn đề phát sinh. Điều này dẫn đến cả hai bên tốn rất nhiều công sức, thời gian và chi phí để giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, cũng giống như mâu thuẫn giữa các thành viên khởi nghiệp thì mâu thuẫn với nhân viên cũng khiến bạn dễ mất đi những nhân viên tốt và trung thành.

4. Nộp phạt, bị cấm hoạt động bởi nhà nước vì kê khai thuế sai hoặc đóng thuế chậm

Các bạn làm startup thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận chung nhưng quên mất hay cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Thực tế, khi các bạn thực sự tâm huyết với startup và muốn đi đường dài thì nghĩa vụ thuế đối với nhà nước là bắt buộc. Những startup thành công thu được lợi nhuận, và trở nên nổi tiếng khi kêu gọi được nhiều vốn đầu tư thì hiển nhiên họ phải có trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước. Và tùy theo loại hình kinh doanh của startup mà bạn sẽ phải đóng nhiều loại thuế khác nhau. Dù trong bất kì lĩnh vực nào, bạn cũng phải tiến hành đăng ký kê khai thuế tại nơi đăng ký kinh doanh trong thời hạn quy định, tiến hành nộp thuế đúng hạn và hoàn tất đúng thủ tục mua, in và sử dụng hóa đơn. Nếu bạn không hoàn thành đúng nghĩa vụ thuế thì chắc chắn startup của bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng nộp phạt, hay đóng cửa do kê khai thuế sai, chậm hoặc đóng thuế không đúng thời hạn.

5. Vi phạm luật thương mại điện tử bởi thiếu điều khoản về nội dung người dùng

Truyền thông trực tuyến luôn được xem là một phương thức tiếp cận hữu hiệu và tiết kiệm nhất hiện nay. Do vậy, các startup luôn chọn kênh trực tuyến như là một cầu nối quan trọng với khách hàng trong việc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của họ. Rắc rối đến từ việc các startup không có những điều khoản sử dụng cho người dùng khi họ truy cập vào trang web hoặc mạng xã hội của startup. Cụ thể, người dùng sẽ lợi dụng startup để tuyên truyền những thông tin sai sự thật, tư tưởng đả kích, phản động gây ảnh hưởng đến bên thứ ba. Do vậy, đối với các startup chú trọng vào mảng truyền thông online nên có các điều khoản ràng buộc về nội dung của người dùng để tránh những trường hợp đáng tiếc ngoài ý muốn.

Trung Thành
Bình luận
vtcnews.vn