5 biểu hiện đau đớn của cơ thể khi bạn bị thất tình

Góc của nàngThứ Ba, 29/12/2015 09:33:00 +07:00

[VTC News] - "Tan nát con tim" (thất tình) không chỉ là một phép ẩn dụ mà là một căn bệnh thật sự. Hiếm có cảm xúc nào trong đời người buồn hơn là thất tình.

(VTC News) - "Tan nát con tim" (thất tình) không chỉ là một phép ẩn dụ mà là một căn bệnh thật sự. Hiếm có cảm xúc nào trong đời người buồn hơn là thất tình.

Thất tình cũng được, nhưng chỉ một chút thôi, cùng lắm là 1-2 tháng, sau đó hãy tha thứ cho bản thân và bước tiếp bạn nhé!

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy việc đánh mất tình yêu có thể gây ra những cơn đau thực thể ở một vùng tim của con người. Thậm chí hiện tượng này còn có tên gọi y học là Hội chứng trái tim tan vỡ (BHS).

Cảm xúc đau lòng sâu sắc gây kích thích lên não, sản sinh các chất có hại cho tim, gây đau ngực, khó thở, thở gấp, nhịp tim thất thường, thậm chí có thể gây tử vong. 

Bên cạnh đó, bạn cũng không thoát khỏi 5 triệu chứng rất rõ ràng sau:

Khóc nhiều

Khi con người phải trải qua những mất mát về thói quen hay cảm xúc, hệ thống thần kinh giao cảm sẽ tác động làm xuất hiện trạng thái chảy nước mắt.

Việc tâm trạng liên tục thay đổi và mâu thuẫn trong thời gian dài khiến bản thân cứ thấy chới với, mất cân bằng. Sự đau khổ và hụt hẫng làm việc khóc diễn ra liên tục.

Khóc là một cách giải tỏa cảm xúc khi rơi vào bế tắc mà chúng ta chưa thể thoát ra được. Việc khóc ban đầu sẽ khiến chúng ta thấy thoải mái hơn bởi khi đó những hormone stress được loại bỏ.

Thế nhưng nếu kéo dài tình trạng này sẽ khiến mắt bị sưng, cơ thể trở nên mệt mỏi có thể khiến sức khỏe bị ảnh hưởng. Bạn trở nên già nua, bệ rạc, mất sức sống.

Mất ngủ

Nhiều người sẽ luôn ở trong trạng thái tiếc nuối và hoài niệm về những gì đã diễn ra. Nếu quá khứ ngập tràn nhiều niềm vui và hạnh phúc sẽ khiến chúng ta không muốn đối mặt với hiện tại.

Việc cứ quanh quẩn suy nghĩ về những điều đã mất khiến não bộ luôn căng thẳng, mệt mỏi, dễ dẫn đến stress, rối loạn thần kinh gây mất ngủ.

Rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống có nguồn gốc từ tâm lý, khi có những biến đổi về cảm xúc sẽ dẫn tới những thay đổi trong thói quen ăn uống của chúng ta.

Nhiều người có xu hướng ăn nhiều hơn để lấp đầy lỗ hỏng trong tim và cũng để tạm thời đè nén những buồn rầu chất chứa. Trái lại, một số người lại chẳng thể ăn uống gì và lúc nào cũng thấy trái tim mình đầy ứ cảm giác ngột ngạt, nhớ nhưng, khiến vị giác trở nên nhạt nhẽo, vô nghĩa.

Cô lập mình, trầm cảm

Việc đối diện với những nỗi buồn sau tan vỡ khiến một số người tự động thu mình lại, do không muốn gặp phải những đau khổ, cảm giác thiếu hụt hiện tại. Luôn suy nghĩ quá nhiều và cô lập bản thân kéo dài dễ dẫn tới trầm cảm.

Họ luôn cảm thấy lạc lỏng, khó tập trung vào bất kì hoạt động hay cuộc đối thoại nào. Họ thấy mình không thuộc về bất cứ đâu. Một số người không dám đối mặt với 4 bức tường nên lúc nào cũng cần ai đó ở bên cạnh để trò chuyện, để giết thời gian, để vực dậy bản thân. 

Tính tình thay đổi

Ở thời điểm nhạy cảm này, người ta sẽ luôn trong trạng thái tiêu cực, suy nghĩ quá nhiều khiến tâm trạng tụt dốc, căng thẳng, mệt mỏi và trở nên khó tính hoặc bàng quang, thờ ơ.

Họ muốn được sẻ chia nhưng lại thấy không có ai hiểu mình, từ đó họ dễ cáu gắt với gia đình, bạn bè... những người thực sự quan tâm tới họ. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ khiến bản thân và những người xung quanh bị ảnh hưởng. Nghiêm trọng hơn, họ có thể không hoàn thành công việc của mình.

Những chuyển biến tâm lí trên đều gây hại với bản thân mỗi chúng ta nếu kéo dài. Vì vậy, hãy học cách tiết chế lại và thay đổi tích cực để yêu thương bản thân hơn. Khi bạn biết yêu thương mình, sẽ có một người mới đến yêu thương và ở lại với bạn.

BFF 4EVA

Bình luận
vtcnews.vn