40% mẫu xét nghiệm ca bệnh tay chân miệng dương tính với chủng EV 71

Tin tứcChủ Nhật, 02/07/2023 07:03:00 +07:00

Bệnh tay chân miệng ở nước ta từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71.

Những thông tin trên được GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đưa ra khi trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng ở nước ta thời gian qua.

Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong

- Theo thống kê từ đầu năm đến nay nước ta ghi nhận khoảng gần 15 nghìn ca mắc tay chân miệng, 6 trường hợp tử vong. Vậy, ông có thể nói rõ hơn về đặc điểm tình hình dịch bệnh tay chân miệng ở nước ta hiện nay?

Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.

Về bệnh tay chân miệng từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71. Nếu như tuần 14 chủng này chiếm khoảng 6% trong các mẫu xét nghiệm thì tuần 23 tỷ lệ dương tính với chủng EV71 đã tăng lên 40% trong các mẫu xét nghiệm. 

Chính đặc điểm này khiến cho các ca mắc bệnh tay chân miệng diễn biến nặng nhiều hơn so với các năm trước đây.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

- Vậy thưa ông việc diễn biến dịch bệnh tay chân miệng năm nay phát hiện các ca bệnh dương tính với chủng EV71 tăng, chúng ta có đáng lo ngại không?

Chúng ta đã có kinh nghiệm cả trong dự phòng và điều trị bệnh tay chân miệng để xử lý; cùng đó là sự vào cuộc sớm của ngành y tế trong chủ động xây dựng, tham mưu ban hành kế hoạch phòng chống dịch; chỉ đạo kiểm tra, giám sát. Mới đây, Lãnh đạo Bộ Y tế đã ký quyết định thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Và đặc biệt một trong những điểm nhấn về điều trị, để đảm bảo chuyển viện an toàn, tại khu vực phía Nam, 4 bệnh viện tuyến cuối của TP.HCM đã chỉ đạo 31 tỉnh, thành khu vực miền Trung và phía Nam họp trực tuyến hàng tuần để hướng dẫn, trao đổi chuyên môn.

Như vậy có thể thấy chúng ta đã chủ động triển khai kết hợp nhiều biện pháp để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Đối với bệnh tay chân miệng thì tôi đã nói ở trên là bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Trong thời điểm hiện tại với bối cảnh dịch tễ thì chúng ta tập trung cho công tác điều trị các bệnh nhân mắc chủng EV71.

Mỗi tuần có khoảng 35 ca bệnh tay chân miệng cần điều trị bằng thuốc Immunoglobulin

- Như ông đã nói số ca bệnh tay chân miệng có diễn biến nặng thời gian qua gia tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, vậy theo ông số thuốc Immunoglobulin mới được phân bổ có đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh này?

Hiện nay các thuốc điều trị bệnh tay chân miệng thông thường cơ bản đáp ứng đủ công tác điều trị.

Đối với thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch, theo thông tin của Cục Quản lý Dược, ngày 23/06/2023 đã nhập khẩu 6.000 chai thuốc Immunoglobulin về Việt Nam để cung ứng cho các bệnh viện. Số lượng thuốc trên đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của các bệnh viện.

Ước tính hiện mỗi tuần chúng ta ghi nhận khoảng 350 trường hợp mắc tay chân miệng phải nhập viện, trong đó có khoảng 10% số ca bệnh cần điều trị bằng thuốc Immunoglobulin- tương đương với 35 ca cần điều trị/ tuần.

Với số lượng thuốc Immunoglobulin như vậy và với tình hình dịch như hiện nay, có thể phục vụ công tác điều trị khoảng trên 2 tháng cho những trường hợp cần sử dung thuốc này tiêm tĩnh mạch.

Tuy nhiên với tình hình dịch hiện nay, khi chúng ta cùng nỗ lực trên cả công tác dự phòng, điều trị và truyền thông về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng cũng như các hoạt động khác, mong rằng có thể sớm giảm số ca mắc nói chung, ca diễn biến nặng nói riêng.


Bệnh truyền nhiễm luôn luôn hiện hữu và xuất hiện, đặc biệt tuần suất ngày càng rút ngắn lại

- Thưa ông, không chỉ dịch bệnh tay chân miệng mà sốt xuất huyết cũng có dấu hiệu gia tăng, vậy ngành y tế đã có những biện pháp chủ động gì trong ứng phó với dịch bệnh?

Hiện nay các bệnh truyền nhiễm tiếp tục gia tăng, ví như bệnh sốt xuất huyết cứ 10 năm lại tăng gấp đôi và hiện vẫn tiếp tục gia tăng, trở thành một trong những vấn đề y tế công cộng trên thế giới. 

Bên cạnh các bệnh lưu hành tại Việt Nam còn có các bệnh xâm nhập trên thế giới vào Việt Nam. Như vậy có thể thấy bệnh truyền nhiễm luôn luôn hiện hữu và xuất hiện, đặc biệt tuần suất ngày càng rút ngắn lại.

Cần giữ sạch đồ chơi, bàn tay của trẻ đề góp phần phòng chống bệnh tay chân miệng.

Cần giữ sạch đồ chơi, bàn tay của trẻ đề góp phần phòng chống bệnh tay chân miệng.

Trước tình hình đánh giá, dự báo về dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh và đã gửi cho tất cả các địa phương trên toàn quốc để từ đó các tỉnh, thành xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trên địa bàn bao gồm công tác chỉ đạo, điều hành đến các vấn đề chuyên môn, truyền thông và các hoạt động khác.

Trong công tác phòng chống dịch ngoài vai trò của ngành y tế cũng cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, và đặc biệt mỗi gia đình, mỗi người dân cùng tham gia.

Đơn cử như với sốt xuất huyết, mỗi tuần mỗi gia đình dành ra 10 phút để kiểm tra, phát hiện và loại trừ các ổ loăng quăng, bọ gậy… để bệnh sốt huyết không có cơ hội bùng phát.

Đối với bệnh tay chân miệng, cần quản lý chặt vấn đề vệ sinh đồ chơi cho trẻ, giữ sạch bát đĩa cho trẻ trong bữa ăn, cùng đó luôn giữ tay sạch cho trẻ; đối với người trông trẻ cũng cần giữ bàn tay sạch.

Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Phan Trọng Lân!

(Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống)
Bình luận
vtcnews.vn