4 lần xử, 2 lần kháng nghị chưa xong một vụ án

Pháp luậtThứ Sáu, 24/03/2017 12:13:00 +07:00

Qua 4 lần xử, 2 lần kháng nghị, vụ tranh chấp quyền sở hữu nhà ở tại Tiền Giang vẫn chưa có hồi kết.

Bà Lâm Thị Tinh Tú và ông Nguyễn Anh Tuấn cùng trú tại thị xã Gò Công tỉnh Tiền Giang có quan hệ thân thiết nhau từ 2001. Ông Tuấn có vay của bà Tú khoản tiền 900 triệu đồng và đưa giấy tờ nhà, đất của bà Minh (mẹ ông Tuấn) cho bà Tú giữ.

Mảnh đất và căn nhà số 15 Trương Định, khu phố 1, thị xã Gò Công, Tiền Giang theo bà Tú thì bà cho ông Tuấn vay 2,7 tỷ đồng (đưa bằng vàng 3 lần là 170 lượng) để mua nhưng đến hạn ông Tuấn không trả tiền nên viết giấy tay bán nhà 15 Trương Định cho bà Tú nhằm trừ nợ.

Việc mua bán nhà có làm giấy viết tay và ông Tuấn ghi đã nhận đủ tiền, đồng thời ông Tuấn giao cho bà Tú giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sở hữu đất nên các bên đã hủy giấy biên nhận vay tiền. Do ông Tuấn không chịu ký hợp đồng mua bán nhà nên bà Tú yêu cầu ông Tuấn trả lại cho bà số tiền 2,7 tỷ đồng.

xuan1

Ảnh minh họa. 

Ông Tuấn thì cho rằng đối với nhà đất số 15 Trương Định thì mẹ ông bỏ ra 1,5 tỷ đồng và ông bỏ 1,2 tỷ đồng để mua nhà. Do giữa ông và bà Tú có quan hệ tình cảm với nhau và bà Tú là người đã từng giúp đỡ ông và gia đình ông về vật chất lẫn tinh thần nên ông và mẹ ông rất tin tưởng bà Tú và đã giao giấy tờ nhà cho bà Tú giữ hộ.

Sau khi bà Tú biết ông Tuấn có con với bà Huỳnh Thị Kim Ngọc, bà Tú ép buộc ông viết giấy bán nhà cho bà Tú. Vì sợ bà Tú tố cáo ông làm ảnh hưởng đến sự nghiệp nên buộc lòng ông phải viết giấy bán nhà cho bà Tú nhằm mục đích để bà Tú giữ hộ, ông có yêu cầu bà Tú ra công chứng hợp đồng mua bán nhà nhưng bà Tú không đồng ý vì sợ chồng biết. Ông Tuấn khẳng định không vay của bà Tú số tiền 2,7 tỷ đồng và không bán nhà cho bà Tú.

Vụ án xoay quanh việc nguyên đơn đòi bị đơn trả tiền vay 900 triệu đồng và 2,7 tỷ tiền vay mua nhà. Tuy nhiên, bị đơn không đồng ý trả khoản tiền 2,7 tỷ đồng bởi bị đơn chứng minh là không vay của nguyên đơn. Nhiều tình tiết trong vụ án đã được đưa ra và Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Gò Công cũng như TAND Tiền Giang đã xét xử sơ, phúc thẩm và năm 2012 với hướng có lợi cho nguyên đơn là bà Tinh Tú.

Tuy nhiên, bản án của hai cấp Tòa ở Tiền Giang đã bị Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) kháng nghị và buộc phải xét xử lại. Nhưng kết quả của xiệc xét xử lại ở hai cấp Tòa này vẫn không thay đổi là bao so với hai lần xử trước.

Chính điều này đã bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại TP. HCM kháng nghị. Câu chuyện kháng nghị của VKS đã bị Tòa bác và không chấp nhận. Vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng qua 4 lần xét xử, 2 lần kháng nghị nhưng bị đơn của vụ án vẫn hàng ngày kêu đến các cấp nhằm làm minh bạch vụ việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Trong năm 2013, sau khi có kháng nghị của TANDTC về vụ án này thì ngày 17/4/2013 Tòa Dân sự TANDTC đã có Quyết định giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm chỉ rõ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ông Tuấn cho bà Tú được TAND cấp sơ thẩm, phúc thẩm tuyên vô hiệu là có căn cứ.

Nhưng việc Tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm buộc ông Tuấn trả lại cho bà Tú 2,7 tỷ đồng và bồi thường thiệt hại là chưa đủ căn cứ vững chắc. TANDTC yêu cầu cần làm rõ việc ông Tuấn có rút tiền từ ngân hàng để trả tiền mua nhà đất hay không?

Thời điểm rút tiền từ ngân hàng có phù hợp thời điểm mua nhà như lời khai của ông Tuấn hay không? Việc bà Tú khai từ Tòa cấp sơ thẩm đến phúc thẩm là ông Tuấn mượn 170 lượng vàng, quy ra bằng 2,7 tỷ đồng nhưng Tòa cấp phúc thẩm xác định bà Tú cho ông Tuấn mượn 2,7 tỷ đồng là không có căn cứ.

Bà Tú phải có nghĩa vụ chứng minh đã cho ông Tuấn mượn 170 lượng vàng quy ra thành 2,7 tỷ đồng  như lời khai của bà. Nếu có thì nguồn tiền từ đâu bà Tú có. Bà Tú cho rằng có viết biên nhận vàng nhưng vì sao bà Tú không giữ lại mà xé bỏ theo yêu cầu của ông Tuấn?

Video: Tranh chấp đất, dùng súng kíp bắn 53 phát đạn vào người hàng xóm

Có yếu tố nào thể hiện sự ép buộc ông Tuấn khi lập giấy bán nhà ngày 15/4/2010 hay không?...Từ những cơ sở phân tích pháp lý vụ việc nên kháng nghị Chánh án TANDTC là có căn cứ và đã được chấp nhận. Vì thế, vụ việc được trả lại để xét xử từ đầu.

Tưởng chừng cấp sơ thẩm, phúc thẩm lần 2, TAND Tiền Giang sẽ xem xét vụ án khách quan, đúng tinh thần như kháng nghị của TANDTC, nhưng vụ việc lại một lần nữa vẫn giữ y nguyên tinh thần của những phiên xử trước.

Dù rằng trong phiên phúc thẩm lần 2 ngày 15/7/2015, đại diện VKS Tiền Giang đã có ý kiến là không chấp nhận trả cho bà Tú số tiền 2,7 tỷ đồng là số tiền mà bà Tú cho rằng đã cho ông Tuấn vay 170 lượng vàng quy ra thành tiền là 2,7 tỷ đồng.

Lý do không chấp nhận là do việc ông Tuấn lập giấy bán nhà ngày 15/4/2010 thể hiện rõ sự ép buộc bà Tú vì lúc đó ông Tuấn đang công tác trong ngành công an, đồng thời ông Tuấn cũng chứng minh được tại thời điểm mua nhà số 15 Trương Định là ông Tuấn có hơn 6 tỷ đồng gửi tại Ngân hàng nông nghiệp chi nhánh thị xã Gò Công do ông trúng số độc đắc.

Ông Tuấn cũng chứng minh được việc rút tiền của mình từ ngân hàng 2,7 tỷ đồng để mua nhà số 15 Trương Định. Nhưng những điều đó cũng bị Tòa Tiền Giang bác.

Những lý do pháp lý và kết quả của phiên sơ thẩm, phúc thẩm lần 2 TAND Tiền Giang khiến VKSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị. Tuy nhiên, việc kháng nghị của VKSND cấp cao đã không được chấp nhận bởi Quyết định giám đốc thẩm mới đây không hề đề cập đến vấn đề kháng nghị của VKSND.

Không xem xét việc bà Tú cho ông Tuấn vay 170 lượng vàng có thật hay không? Và không xem xét khách quan bản án sơ thẩm, phúc thẩm của TAND Tiền Giang về vụ án này khi chính kháng nghị lần đầu của cấp TANDTC chưa được xử lý triệt để.

Để tránh oan sai, thiệt hại cho các nguyên đơn, bị đơn cấp TANDTC cần vào cuộc xem xét lại vụ án trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tránh gây thiệt hại cho người dân.

Nam Nam
Bình luận
vtcnews.vn