30 ngày "hành xác" ở xứ sở Kangaroo

Tổng hợpThứ Sáu, 18/10/2013 10:06:00 +07:00

Với hơn 800GB hình ảnh thu được và rất nhiều thành phố, địa danh đã đi qua nhưng không hề có một phút giây để dừng lại thưởng ngoạn...

30 Ngày trên đất nước Australia, thực hiện gần 70 chương trình, với hơn 800GB hình ảnh thu được và rất nhiều thành phố, địa danh đã đi qua nhưng không hề có một phút giây để dừng lại thưởng ngoạn... tất cả cuộc hành trình của họ chỉ gói gọn trong 2 chữ: đi và ghi hình.

Vỡ mộng…
Đầu tháng 5/2013, nhận được lời mời của một đối tác người Úc, BTV Nguyễn Mai hăm hở lên kế hoạch cho chuyến đi công tác nước ngoài đầu tiên của mình với vai trò là tổ chức sản xuất. Đã từng có thời gian học tập tại Úc, khá thông thạo về văn hóa, giao tiếp, giao thông đi lại cũng như thích nghi với đồ ăn và khí hậu ở đấy nên Mai khá tự tin khi nhận nhiệm vụ lần này. Lịch trình ban đầu chỉ có 10 ngày nhưng cô xin lãnh đạo kênh cho ê-kip được ở lại hẳn một tháng để thực hiện trọn vẹn các đầu mũ chương trình khác cho “bõ công” cho một lần tốn kém và vất vả làm visa. 

 

Mục tiêu chủ yếu của chuyến đi là sản xuất các chương trình cho bản tin Người Việt 5 châu, phản ánh cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Úc đến với bà con nhân dân trong nước cũng như cộng đồng người Việt trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, Nguyễn Mai cũng lên kế hoạch thực hiện một số chương trình đối ngoại, phỏng vấn các đại sứ, tổng lãnh sự và thị trưởng ở các thành phố mà đoàn đi qua cho chuyên mục Việt Nam góc nhìn của bạn chủ yếu để lấy đánh giá nhận xét của người bản địa về người Việt Nam tại đó
Ê-kip xuất phát từ Việt Nam chỉ có 2 người: BTV Nguyễn Mai và quay phim/đạo diễn Thế Hoàng. Đây là lần đầu tiên Hoàng được đến nước Úc - quốc gia được mệnh danh là nơi đáng sống nhất trên thế giới nên khỏi phải nói anh chàng phấn chấn, háo hức như thế nào khi được nhận nhiệm vụ. Sang đến Úc, nhóm gia nhập thêm Matt Cananaugh - chàng trai người Mỹ từng sinh sống tại Việt Nam và có thời gian cộng tác với kênh VTC10. Thế là cả 3 bắt đầu cuộc “hành” trình 30 ngày!
Là phái nữ duy nhất, lại mảnh mai nhất đoàn nhưng Nguyễn Mai cũng phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc cùng lúc. Cô vừa là trưởng đoàn, chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất, vừa là biên tập, là MC, thư ký, lại vừa là nhân viên nghiên cứu thị trường tìm hiểu sự phát triển của kênh VTC10 ở Úc như thế nào… Và rất nhiều việc không tên nữa. Người Úc nói tiếng Anh khá khó nghe nên trong nhiều trường hợp Mai phải nhờ đến sự trợ giúp của Matt. Một số chương trình, Matt cũng đảm nhận vai trò MC, giao lưu với khách mời thay Mai. 

 

Điểm đặt chân đầu tiên của nhóm là thành phố Melbourne ở bang Victoria. Sau đó, theo lịch trình sẽ di chuyển đến thủ đô Canberra và cuối cùng là thành phố Sydney. Đang ở Việt Nam là mùa hè nóng nực, sang Úc lại đúng vào mùa đông, thời tiết khá lạnh. Ở Melbourne, trời vừa mưa vừa lạnh. Canberra là thành phố trong lòng chảo nên lại càng lạnh hơn. Chỉ đến khi về Sydney thì thời tiết mới bắt đầu nắng ấm hơn. Chỉ khổ cho quay phim Thế Hoàng dù đã chuẩn bị mang theo áo ấm từ trước nhưng vẫn bị “sốc” và lăn đùng ra ốm mất mấy ngày. Chưa kể, phải mất kha khá thời gian mới dần quen với đồ ăn của bản xứ.  
“Phải dùng từ lếch thếch mới diễn tả được bộ dạng của đoàn phóng viên VTC10 lúc đặt chân sang Australia” - Nguyễn Mai cười nhớ lại. Ba người, hai chàng trai và một cô gái mảnh khảnh mang theo lỉnh kỉnh nào máy quay, máy ảnh, chân máy, đèn, bộ xạc điện, micro, máy tính xách tay, chưa kể ba túi đồ dùng cá nhân và quà quê từ Việt Nam mang sang để tặng cho bà con kiều bào. Quay phim Thế Hoàng và Matt nghiễm nhiên kiêm luôn chân kỹ thuật VTR và… “cửu vạn” bê vác máy móc, hành lý cho cả nhóm. 
Có lẽ, ấn tượng lớn nhất với một người lần đầu tiên sang Australia như Thế Hoàng là “cái gì cũng đắt khủng khiếp”. Từ nhà ở, giá taxi, tàu điện ngầm, ăn uống đến vật dụng cá nhân đều cao gấp nhiều lần so với nhiều quốc gia khác trên thế giới mà Thế Hoàng đã có dịp đi tác nghiệp.
Thời gian công tác dài, chi phí sinh họat đắt đỏ trong khi kinh phí của nhóm lại eo hẹp nên cả ba quyết định thuê một phòng ở chung, cùng nấu nướng để tiết kiệm và cũng để đảm bảo nhu cầu… nấu ăn đồ Việt cho Thế Hoàng. “Có thực mới vực được đạo”, những lúc Mai bận, Hoàng và Matt lại phân công nhau vào bếp trổ tài nấu nướng.  

 

Đấy là bữa tối, còn lại, hầu như mọi người đều phải ăn bánh mỳ cho qua bữa trưa. Ở Úc, mọi người thường ăn trưa bằng đồ ăn nhanh. Thành ra, ê-kip VTC10 phải thích nghi với thói quen này. Thời gian gấp gáp, lịch hẹn với nhân vật khá dày nên mọi người cứ phải tranh thủ lúc ngồi trên xe hay vài phút nghỉ ngơi giữa buổi để ăn vội cái bánh mỳ. Cứ thế, vừa đi vừa ăn, vừa làm vừa ăn. 
Trong suốt thời gian 1 tháng, cả nhóm phải di chuyển rất nhiều, có khi ở một thành phố, nhóm phải chuyển chỗ ở đến 2- 3 lần để tiện đi lại. Mỗi lần đi taxi đều mất đến hàng trăm USD nên Mai quyết định thuê xe và thuê người lái để chủ động trong việc di chuyển cho cả ê-kip, mặc dù phí thuê người lái cũng tiêu tốn một khoản kha khá hầu bao của nhóm. Chưa kể, giá cước đường truyền internet ở Úc cũng rất cao nên chỉ những thông tin quan trọng, mang tính thời sự thì nhóm mới đẩy lên server gửi về kênh, còn lại tất cả dữ liệu đều được lưu vào ổ cứng. 
…Chỉ sau vài ngày ở xứ sở kanggaru, tất cả mọi người trong đoàn, không ai bảo ai nhưng đều ngầm hiểu: mọi kế hoạch không đơn giản như mình nghĩ và những khó khăn, thử thách vẫn còn đang phía trước. 

 

Dù “héo” cũng phải “tươi”
Chỉ tiêu ban đầu của nhóm đặt ra trong chuyến công tác này là khoảng 50 chương trình nhưng trong quá trình sản xuất lại phát sinh thêm gần 20 đề tài nữa. Khối lượng công việc lớn nên hầu như ngày nào quay phim cũng phải quay “full thẻ”. Vốn là người cần nhiều cảm hứng sáng tạo hơn ai hết nhưng Thế Hoàng vẫn phải thích nghi với phong cách làm việc “công nghiệp hóa” để đảm bảo tiến độ công việc. 
Nguyễn Mai cũng vất vả không kém. Đảm nhận nhiều vai trò lại kiêm luôn nhiệm vụ làm MC nên hôm nào cô cũng phải dậy sớm nhất nhóm để trang điểm, sắp xếp trang phục mang theo để có thể lên hình bất cứ lúc nào. Buổi tối về, khi hai anh chàng kia đã lăn ra ngủ vì mệt thì Mai vẫn phải lọ mọ chuẩn bị cho công việc ngày mai, rồi xem lại hình ảnh đã ghi được, cóp dữ liệu sang máy tính và các ổ cứng để thông tin không bị lẫn lộn hay thất lạc. Rồi lại xem kịch bản ngày mai, viết email thông báo, trao đổi công việc về kênh… Cứ thế, hôm nào cũng 2-3h sáng mới được đi ngủ. Mai bảo, khách mời giao lưu toàn là những nhân vật quan trọng nên dù mệt vẫn không cho phép mình lôi thôi, lếch thếch. Trang phục lúc nào cũng phải chỉn chu, mặt mũi lúc nào cũng phải rạng ngời. Nhiều hôm đi quay về muộn, chân tay rã rời nhưng cô vẫn phải gắng dậy là lượt quần áo để chuẩn bị cho ngày mai. Sáng sớm, có khi phải ngồi cả tiếng đồng hồ trước bàn trang điểm để khắc phục đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Vật vã là thế nhưng cứ vào việc là bắt buộc phải tươi tắn, phải tràn đầy năng lượng để còn truyền được cảm hứng của mình đến với nhân vật, cũng như đến với các thành viên còn lại trong ê-kip. 

 

Bản tin Người Việt 5 châu chỉ có thời lượng ngắn khoảng 3 phút. Tưởng thế là đơn giản nhưng hóa ra lại rất khó bởi dù 3 phút nhưng vẫn phải chuyển tải được câu chuyện một cách trọn vẹn, cảm xúc. Gần 70 chương trình là 70 câu chuyện với 70 cảm xúc khác nhau. Nhiều hôm, ê-kip phải làm 3 - 4 chương trình liên tiếp, đồng nghĩa với việc giao lưu với 3 - 4 khách mời với những vị trí xã hội khác nhau, công việc khác nhau, tính cách khác nhau… nên MC Nguyễn Mai cứ phải “biến hóa” liên tục để nhập vai sao cho không bị lặp lại nhàm chán. Với người này thì chuyện trò với phong cách đĩnh đạc, người kia thích giản dị, người nữa lại phải dí dỏm hài hước… 
Làm truyền hình cũng như những công việc sáng tạo khác, thường dễ bị chi phối bởi cảm xúc và tâm lý. Tuy nhiên, với chuyến đi này, ê-kip VTC10 luôn tự nhủ trong đầu không cho phép mình được “tụt” cảm hứng dù mệt mỏi hay bất cứ lý do gì. Họ, giống như một cỗ máy đã bấm nút khởi động, cứ thế mà lao về phía trước. 

Dấu ấn người Việt ở Úc
Cộng đồng người Việt ở Úc rất đông, với hơn 300.000 người, chiếm hơn 10% dân số của Úc. “Khi tiếp xúc và làm việc với kiều bào ở đấy, kể cả sinh viên, học sinh, nghiên cứu sinh, doanh nhân hay tầng lớp tiểu thương, buôn bán nhỏ… thì chúng tôi đều nhận được những sự giúp đỡ tận tình, những tình cảm ấm áp, thân thiện. Phần lớn họ đều rất vui mừng vì cảm nhận được sự quan tâm của quê nhà, và cũng muốn biết cuộc sống của bà con trong nước đang diễn ra như thế nào” - BTV Nguyễn Mai kể lại.
Nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình của kiều bào trên chốn đất khách quê người, thật khó để ê-kip VTC10 có được một chuyến công tác thành công. Đó là sự giúp đỡ của luật sư Trần Bá Phúc, chủ tịch hội doanh nhân Việt kiều Úc Châu. Nghề luật sư ở nước ngoài rất bận rộn và thời gian đích thực là “vàng bạc” nhưng anh vẫn vui vẻ sắp xếp công việc, tự nguyện dành 2 buổi để lái xe đưa nhóm phóng viên đi gặp gỡ với các anh em trong hội doanh nhân Việt kiều tại Úc. Đi đến đâu, mọi người cũng tạo điều kiện hết sức để giúp đỡ nhóm phóng viên hoàn thành nhiệm vụ. Từ việc liên hệ, giới thiệu nhân vật đến tìm thuê chỗ ở rẻ, đưa đón đi lại, bố trí thời gian gặp gỡ… Những tình cảm nồng hậu ấy khiến cả ê-kip vô cùng cảm động. 
“Có đi ra thế giới mới biết và tự hào vì người Việt mình ở đâu cũng cần cù, giỏi giang và hướng về nguồn cội” - Thế Hoàng chia sẻ. Rồi anh kể về bác sỹ Võ Văn Phước - người đã sống mấy chục năm ở Úc, từng công tác ở một bệnh viện lớn của Úc nhưng vì mong muốn được đóng góp, giúp đỡ nhiều hơn cho quê hương nên ông quyết định ra mở phòng khám riêng để giúp đỡ người Việt tại Úc. Đồng thời hàng năm đều về nước tổ chức rất nhiều chương trình từ thiện, khám chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo trong nước. Ông còn vận động được hơn 100 bác sỹ người Úc cùng về Việt Nam tham gia dự án từ thiện cùng mình.  
Thế hệ người Việt trẻ cũng rất đáng tự hào. Trần Đặng Minh Trí, một chàng trai thuộc thế hệ 8X đời cuối rất giỏi giang, mới ra trường đã được làm việc trong một quỹ đầu tư lớn của Úc, thường xuyên đưa các dự án về Việt Nam. Minh Trí là đại diện cho những người Việt trẻ đang học tập tại Úc. Họ thông minh, hội nhập tốt với môi trường mới. Họ năng động và không ngại khó khăn để phấn đấu hết mình. 
“Người mà tôi ấn tượng nhất có lẽ là bác Phương, một người Việt thành đạt ở Úc, hiện đang là chủ của rất nhiều nhà hàng Việt Nam tại Úc. Sau một chuyến hành trình dài của cuộc đời bôn ba nơi đất khách quê người, vị doanh nhân thành đạt đã rơm rớm nước mắt chia sẻ với chúng tôi điều ước nguyện lớn nhất của mình là được trở về và chết trên mảnh đất quê hương máu thịt. Thế mới biết, người Việt ta dù có đi đâu, có thành công hay thất bại thì ai cũng muốn về lại với quê hương, nguồn cội của mình”- Nguyễn Mai xúc động nhớ lại.
Mỗi nhân vật, mỗi cuộc đời, mỗi tấm lòng kiều bào mà ê-kip đã gặp, đã chuyện trò trên suốt dọc chuyến hành trình của mình đều để lại cho nhóm phóng viên VTC10 những cảm xúc, ấn tượng khó quên. Bao mệt mỏi dường như cũng tan biến hết, chỉ còn lại tình đồng bào chân thành, ấm áp. Hơn bao giờ hết, họ cảm thấy thành công lớn nhất của chuyến đi chính là góp phần làm cầu nối để kiều bào và người dân trong nước xích lại gần nhau hơn nữa.

 

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn…”
Đó là thành quả lớn nhất mà Nguyễn Mai đã nhận được sau chuyến đi dài ngày ở Úc. Trước khi chuyển sang làm biên tập, cô đã có gần 5 năm làm công tác truyền thông. Đã từng đi nước ngoài rất nhiều lần nhưng đây là chuyến công tác đầu tiên của Mai với vai trò là một tổ chức sản xuất. 
Tổ chức sản xuất cho một chuyến đi làm chương trình ở nước ngoài không hề đơn giản. Ngoài việc phải hiểu ngôn ngữ bản địa, văn hóa giao tiếp, phong tục tập quán của họ thì tổ chức sản xuất cũng phải có một thể lực dẻo dai, sức khỏe tốt để luôn đứng vững ở vị trí “đầu tàu”. Đồng thời, với vai trò trưởng đoàn, tổ chức sản xuất cũng phải là người nắm bắt tâm lý những người trong đoàn, sắp xếp, bố trí công việc, dung hòa các cá tính để phối hợp ăn ý với nhau, cùng nhau hướng về một mục tiêu chung. 
Sau chuyến đi, Nguyễn Mai chia sẻ, cô cảm thấy trưởng thành hơn rất nhiều về nghề. Cô đã học được cách bố trí và quản lý thời gian làm việc sao cho khoa học để từng đấy con người và từng đấy thời gian nhưng vẫn đảm bảo chỉ tiêu công việc. 
Văn hóa làm việc của người nước ngoài vốn đúng giờ và đúng hẹn nên hầu như lần nào ê-kip cũng trong tình trạng “chạy như bay” để kịp thời gian, tránh tắc đường, tránh sự cố. Ngược lại, khi lên lịch hẹn với người Việt thì lại rất khó, bởi họ rất bận rộn. Nhiều hôm đã hẹn rồi nhưng khi cả nhóm đến nơi thì nhân vật lại báo hoãn hoặc hủy lịch. Với những tình huống như thế, Nguyễn Mai lại phải nghĩ nhanh phương án thay thế để tạo công ăn việc làm cho cả nhóm và không để thời gian chết. 
Mai cũng chia sẻ, đi công tác, đặc biệt là công tác nước ngoài không thể nào bị động theo kịch bản được mà lúc nào cũng phải linh động để thích ứng với hoàn cảnh, xử lý tốt hiện trường. Cô vẫn nhớ mãi hôm làm chương trình về GS Nguyễn Tấn Hùng - một người Úc gốc Việt rất nổi tiếng từng phát minh ra những máy móc điều khiển bằng trí não. Ban đầu, biết ông là người Việt, Mai đã lên sẵn kịch bản rất chi tiết với dự định làm một buổi talk giao lưu, trò chuyện. Nhưng hóa ra, nhân vật lại không thông thạo tiếng Việt, thế là cô phải lập tức xoay chuyển tình thế từ talk sang phóng sự.  
Lần khác, ê-kip đi quay một nhóm sinh viên tham gia hoạt động ngoài trời nhưng lại đúng hôm trời mưa mà chưa kịp chuẩn bị bối cảnh để quay trong nhà. Không bỏ phí thời gian, Mai quyết định dẫn ê-kip vào một trường đại học, tìm một giáo viên người Việt để nói về công việc giảng dạy cho sinh viên nước ngoài như thế nào, đồng thời vào thư viện quay cảnh sinh viên người Việt học tập ra sao… Cứ như thế, hầu như không có ngày nào là ngơi việc. 
Một tháng chuẩn bị kế hoạch. Một tháng “hành xác” ở trời Tây. Thêm một tháng nữa để “hoàn hồn” khi trở về. Thế Hoàng và Nguyễn Mai vẫn nói vui với nhau thế. Không chỉ người đi mà người ở nhà cũng “hoàn hồn”. Là bởi, khi biết Mai nhận chuyến đi này, cả lãnh đạo và đồng nghiệp trong kênh đều cảm thấy e ngại và lo lắng cho cô. Một khối lượng công việc khá lớn, Mai lại mới làm biên tập được hơn 8 tháng, lần đầu đi sản xuất chương trình ở nước ngoài, liệu có đảm đương được không? Chỉ đến khi thấy hai chị em trở về lành lặn, lại hoàn thành chỉ tiêu công việc ngoài dự kiến, mọi người ở kênh mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Bản thân Nguyễn Mai cũng rất “hồn nhiên” khi nhận nhiệm vụ mà không hình dung nổi chuyến đi lại nhiều thách thức và áp lực đến thế. Cô chỉ nghỉ đơn giản rằng sẽ có khó khăn, nhưng khó khăn sẽ giúp mình có cơ hội để học tập và trưởng thành hơn trong nghề…
Sẽ còn rất nhiều những chuyến đi khác chờ Nguyễn Mai và cộng sự dấn thân. Tất nhiên, sự dấn thân nào chẳng song hành cùng những đánh đổi. Nhưng Nguyễn Mai luôn tin rằng nhiệt huyết làm nghề sẽ là liệu pháp hóa giải mọi thử thách. Để sau những vất vả là lòng lại hồi hộp đón chờ từng sản phẩm lên sóng, như cách mình chờ đón đứa con chào đời.

Thương Anh
Bình luận
vtcnews.vn