3 lần trượt đại học và hệ lụy từ sự áp đặt của cha mẹ

Diễn đànThứ Bảy, 22/04/2023 21:43:00 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia tâm lý nêu hệ lụy từ việc cha mẹ áp đặt con phải chọn trường, chọn ngành theo mong muốn của mình, chứ không dựa trên năng lực và sở thích của con.

Ông Đ. (Bắc Ninh) là bác sĩ nha khoa, chủ chuỗi phòng khám Răng - Hàm - Mặt. Ông luôn kỳ vọng đứa con trai duy nhất nối nghiệp mình. Do vậy, ngay khi lên cấp 3, ông Đ. hướng con học khối B với mục tiêu thi đỗ vào trường đại học Y có tiếng tại Hà Nội.

Mong muốn của cha mẹ

Học lực cậu con trai ông không quá nổi trội, năm đầu tiên thi trượt chỉ được 23 điểm. Ông động viên con ôn tập để thi tiếp. Liên tiếp hai năm sau đó, cậu vẫn tiếp tục trượt đại học với mức điểm thi đạt được ngày càng giảm, từ 23 xuống dưới 20 điểm.

Ông Đ. vẫn động viên con trai: "Bố có mỗi mình con, nếu không học Y thì bao nhiêu phòng khám kia bố biết truyền cho ai. Không đủ sức vào đại học thì con gắng học trung cấp y cũng được”.

3 lần trượt đại học và hệ lụy từ sự áp đặt của cha mẹ - 1

Thí sinh áp lực trước những kỳ thi. (Ảnh minh hoạ: M.K)

Khác với ông Đ., chị H. (Hà Nội) lại muốn con chọn ngành học trái ngược với nghề của mẹ. Con chị có năng khiếu học các môn xã hội, nhưng chị mong con chuyển sang học các môn tự nhiên để thi kinh tế, tài chính với hy vọng sau khi ra trường thường kiếm được nhiều tiền.

Chị là người từng học ngành xã hội, ra trường khó xin việc là đang làm công việc có mức lương thấp nên chị không muốn con theo “vết xe đổ”.

15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý, đặc biệt là tâm lý học đường, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết, không ít cha mẹ có suy nghĩ giống như hai bậc phụ huynh trên. Họ áp đặt con phải chọn trường, chọn ngành theo mong muốn của mình, không dựa trên năng lực và sở thích của con.

Nhiều cha mẹ làm công việc có địa vị xã hội, kiếm được nhiều tiền cũng mong con làm công việc đó, dù con không sở hữu năng lực giống mình. Người thì thấy công việc của mình vất vả, thu nhập thấp nên hướng con đi theo ngành nghề khác để sau này kiếm được nhiều tiền hơn.

Bên cạnh đó, cũng có cha mẹ trước đây do không đủ năng lực để thi vào trường học, ngành học mình thích, không được làm công việc mình mong muốn nên sau này muốn con thực hiện tiếp giấc mơ của mình.

Hãy trao cho con quyền quyết định

Bà Nguyễn Thị Lanh cho rằng, việc cha mẹ chọn ngành, chọn trường thay con sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Con học ngành cha mẹ muốn nhưng không đủ năng lực, không có sự yêu thích sẽ dễ chán nản, bỏ giữa chừng, thậm chí mất phương hướng, sa đà vào tệ nạn xã hội.

Nếu con cố gắng học để ra trường thì sau này khi làm công việc mình không đam mê và không đủ khả năng cũng sẽ đối mặt nhiều khó khăn, khó đạt được thành công.

3 lần trượt đại học và hệ lụy từ sự áp đặt của cha mẹ - 2

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh.

Chưa kể, tương lai nghề nghiệp của con được quyết định bằng mong muốn của cha mẹ sẽ khiến con không được sống cuộc đời của chính mình, mất niềm tin vào bản thân, sau này không dám tự đưa ra những quyết định trong cuộc sống.

Theo bà, cha mẹ không nên mặc kệ con loay hoay trong việc chọn trường, chọn ngành nhưng cũng không nên quyết định thay con. Điều cha mẹ cần làm là tôn trọng sở thích của con, có những tư vấn, định hướng khi cần thiết và trao cho con quyền quyết định.

Nếu con thích một ngành học nào đó, cha mẹ hãy giúp con có thêm những hình dung, hiểu biết về nghề. Ví dụ như cho con gặp gỡ những người quen làm việc trong lĩnh vực đó hoặc đưa con đi tham quan nơi làm việc thực tế của ngành nghề đó. Thông qua đây, giúp con quyết tâm hơn với sự lựa chọn ngành học của mình hoặc nhận ra những khó khăn của nghề chứ không “màu hồng” như những gì con tưởng tượng.

Dù con quyết định chọn ngành, chọn trường như thế nào thì cha mẹ cũng nên tôn trọng quyết định của con. Nếu con quyết định sai thì đó chính là cơ hội để con rút ra bài học.

"Sai lầm không đáng sợ, sai lầm là cách để mỗi người trưởng thành. Đáng sợ là khi cha mẹ không cho phép con sai, quyết định thay con mọi thứ. Vì thế, cha mẹ hãy để con tự chọn ngành, chọn trường, để con được sống cuộc đời của chính con, chứ không phải cuộc đời mà cha mẹ mong muốn", vị chuyên gia này chia sẻ.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn