10 nét chính họa bức tranh bóng đá thế giới 2011 (P.2)

Thể thaoThứ Bảy, 24/12/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News)-Năm 2011 sắp sửa khép lại với rất nhiều câu chuyện vui buồn xung quanh trái bóng tròn...

(VTC News)-2011 sắp sửa khép lại với rất nhiều dư âm buồn vui lẫn lộn xung quanh trái bóng tròn. Hãy cùng VTC News điểm lại những nét phác họa chính trong bức tranh làng túc cầu thế giới 12 tháng qua.

>>> 10 nét chính họa bức tranh bóng đá thế giới 2011 (P.1)

6. Bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử FIFA

Trước thềm bầu cử chủ tịch FIFA nhiệm kỳ mới, tổ chức bóng đá quyền lực nhất thế giới bị rung chuyển bởi scandal tham nhũng và 'chạy World Cup'.

 Đối thủ duy nhất của Blatter là Mohamed bin Hammam (phải) bị cáo buộc hối lộ và nhận án phạt cấm hoạt động bóng đá suốt đời.


Cựu chủ tịch FA Lord Triesman là người bắn phát súng đầu tiên khi tố cáo một loạt quan chức cấp cao FIFA nhận tiền từ Qatar giúp nước này giành quyền đăng cai World Cup 2022. Tiếp theo, chỉ 4 ngày trước khi cuộc bầu cử chủ tịch FIFA diễn ra, tổng thư ký LĐBĐ CONCACAFChuck Blazer lên tiếng khẳng định bị chủ tịch LĐBĐ châu Á Mohamed bin Hammam - đối thủ duy nhất của chủ tịch FIFA đương nhiệm Blatter - 'lót tay' 40.000 USD để mua phiếu bầu. Ủy ban Đạo đức của FIFA đã điều tra và ra án phạt cấm vị Hoàng thân Qatar này hoạt động suốt đời. Mức phạt nặng nhất cho một cá nhân trong lịch sử 107 năm của FIFA đồng nghĩa với việc Bin Hammam bị đình chỉ công tác và, đương nhiên, bãi miễn tư cách ứng cử viên đua tranh ghế Chủ tịch FIFA với Blatter.

Dù nghiễm nhiên chiến thắng trong cuộc bầu cử sau đó song Blatter cũng bị cáo buộc tham nhũng từ cựu phó chủ tịch FIFA Jack Warner (người bên trái trong ảnh). Ngoài ra, ông bị cho là biết trước việc địch thủ Hammam đưa hồi lộ song đã lờ tịt. Dù không bị luận tội nhưng uy tín của Sepp Blatter cũng như hình ảnh quan chức FIFA đã suy giảm đi rất nhiều trong các nước thành viên và người hâm mộ.


7. Dai dẳng cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc trên sân cỏ

Hậu vệ lừng danh người Brazil Roberto Carlos thuộc biên chế Anzhi Makhachkala từng bị CĐV CLB Krylya Sovetov ném chuối vào người - hành vi mang tính phân biệt chủng tộc (nhằm ví Carlos giống như khỉ) - hồi tháng 6 trong một trận đấu tại giải VĐQG Nga với. “Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng và không muốn tiếp tục thi đấu. Những điều như thế này không nên được dung thứ ở các nước văn minh”, Carlos ngán ngẩm trong lần thứ hai trở thành đối tượng chế giễu của đám đông.

 Luis Suarez nhận án phạt nặng nhất trong lịch sử FA.

Carlos không phải là nạn nhân duy nhất của vấn nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá. Mặc dù FIFA chính thức phát động cuộc chiến chống lại 'góc tối' này cách đây đã 10 năm nhưng nó vẫn chưa bị triệt tiêu hoàn toàn. Dani Alves, ngôi sao Barcelona từng có tâm sự gây sốc khi cho biết anh phải đối mặt với những lời lăng mạ, sit nhục hàng tuần mỗi khi ra sân tại La Liga. Trong khi đó, thần đồng Neymar cũng chịu hoàn cảnh tương tự đàn anh Carlos - bị ném chuối - trong một trận giao hữu của tuyển Brazil tại London.

Mới đây nhất là hai vụ kiện cáo om xòm của Evra và Anton Ferdinand nhằm vào Luis Suarez và John Terry. Tiền đạo Liverpool lãnh án phạt nặng chưa từng có: cấm thi đấu 8 trận, nộp phạt 40.000 bảng. Trong khi đó, thủ quân Chelsea cũng đang đợi ngày bị gọi ra tòa.

8. 'Những đứa trẻ' tháo chạy khỏi Arsenal

Trắng tay năm thứ 6 liên tiếp, mùa hè 2011 chứng kiến sự ra đi của hàng loạt trụ cột Arsenal khỏi Emirates. Đáng chú ý là cuộc chia tay tốn nhiều giấy mực của Fabregas (sang Barca) và Nasri (sang Man City). Mất đi những ngôi sao sáng giá nhất, Arsenal lập tức trả giá. Dù nhanh tay 'hớt' tới 5 tân binh trong ngày cuối kỳ chuyển nhượng mùa hè, đội bóng thành London vẫn trải qua khởi đầu tệ hại nhất trong lịch sử 58 năm qua.

Fabregas chuyển về Barcelona là một trong những thương vụ kéo dài và tốn nhiều giấy mực báo giới nhất lịch sử.

Đã có lúc người hâm mộ The Gunners lung lay niềm tin vào chiến lược của HLV Wenger và ban lãnh đạo CLB. Tuy nhiên, họ chỉ dừng lại ở mức yêu cầu đội bóng chi tiêu mạnh tay hơn vào thị trường chuyển nhượng. Tuyệt nhiên không có ai đòi hỏi 'trảm' giáo sư. Và sự nhẫn nại của họ đã được đền đáp. Arsenal hiện đang trên đà hồi sinh mạnh mẽ với đầu tàu Robin Van Persie và đã vươn lên vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng.

9- Đế chế Inter sụp đổ

Bắt đầu từ thảm họa tứ kết Champions League, Inter cứ chìm dần vào khủng hoảng không lối thoát. Sau khi hứng chịu thất bại tủi hổ trước Schalke 04 (thua tổng tỉ số 3-7) và cúi mặt rời đấu trường châu Âu, 'hoàng đề bị phế truất' Inter tiếp tục trắng tay tại giải trong nước và ngậm ngùi nhìn địch thủ AC Milan lên ngôi. Kỷ nguyên Nerazurri thống trị Serie A (5 năm ) đã chính thức chấm dứt.

Thất bại lịch sử 2-5 trước Shalke 04 ngay tại Giuseppe Meazza biến Inter thành cựu vương châu Âu.

Leonardo, Benitez, Gasperini rồi Ranieri, tất cả đều không thể hồi sinh nổi hình ảnh Inter Milan hào hùng dưới triều đại Mourinho, thời họ thống trị bóng đá cựu lục địa. Đầu mùa năm nay, cùng với sự chia tay của chủ công Samuel Eto'o, Inter liên tiếp hứng chịu những thất bại gây sốc trước 'nhược tiểu' Trabzonspor hay Novara. Các cuộc đối đầu với đối thủ trực tiếp như Milan, Palermo, Napoli, Juventus kết quả cũng chẳng khá hơn. Tính tới thời điểm kết thúc năm 2011, sau 16 vòng đấu, vất vả lắm, Inter Milan mới thu hẹp cách biệt với đội đầu bảng Milan xuống còn... 8 điểm.

10. Sự thống trị của Barcelona

Cùng với phong độ chói sáng của Leo Messi, Barcelona tiếp tục thống trị làng bóng đá thế giới đầy thuyết phục. Các danh hiệu vô địch La Liga, Champions League, siêu cúp châu Âu, siêu cúp TBN, cúp vô địch thế giới các CLB đã chứng tỏ sức mạnh tuyệt đối của đội bóng xứ Catalonia.

 Hạ gục MU 3-1 tại Wembley, Barca lên ngôi vương châu Âu lần thứ 4.

Năm 2011 cũng chứng kiến sự áp đảo của thầy trò Pep Gurdiola trước kình địch Real Madrid (thắng 3 hòa 3 trên tổng số 7 lần chạm trán). Ngoài ra, với 5 chiếc cúp giành thêm được, Barca chính thức vượt mặt đội bóng hoàng gia về tổng số danh hiệu trong lịch sử (75 so với 73).


Ban thể thao VTC News

Bình luận
vtcnews.vn