10 bộ phim đoạt Cành Cọ Vàng hay nhất mọi thời đại

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 18/05/2010 01:18:00 +07:00

(VTC News) - Nhân LHP Cannes đang diễn ra, cùng nhìn lại 10 bộ phim xuất sắc nhất từng được ghi danh vào lịch sử và nhận giải Cành Cọ Vàng cao quý.

(VTC News) - Trong suốt mấy ngày gần đây, thảm đỏ Liên hoan phim Cannes lần thứ 63 rực rỡ hơn bởi sự tụ hội của hàng trăm đoàn làm phim cùng những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Tạp chí Times đã bình chọn ra 10 bộ phim xuất sắc nhất từng được ghi danh vào lịch sử và nhận giải Cành Cọ Vàng cao quý tại Cannes.

10 bộ phim đạt giải Cành Cọ Vàng xuất sắc nhất mọi thời đại.


Liên hoan phim Cannes là một trong những liên hoan phim có uy tín nhất thế giới, được tổ chức lần đầu vào giữa tháng 5/1946 tại thành phố nghỉ mát Cannes, nằm phía nam nước Pháp. Từ đó, liên hoan phim được tổ chức hàng năm trong tháng 5 tại Cannes trong suốt hơn 60 năm qua.

Thu hút số lượng lớn các phương tiện truyền thông tham gia đưa tin, Liên hoan phim Cannes có sự hiện diện của nhiều ngôi sao điện ảnh và là nơi gặp gỡ ưa thích của các nhà sản xuất phim để trình làng những bộ phim mới nhất và cố gắng bán sản phẩm của họ cho các nhà phân phối đến từ khắp nơi trên thế giới.

Giải thưởng uy tín nhất được trao ở Cannes là Palme d'Or (giải Cành Cọ Vàng) cho phim Xuất sắc nhất; giải thưởng này thỉnh thoảng cũng được trao đồng thời cho nhiều phim trong một năm. Tuy nhiên ban giám khảo của Liên hoan, gồm một nhóm những chuyên gia điện ảnh quốc tế được chọn lựa, cũng trao tặng những giải thưởng khác, bao gồm "Giải thưởng lớn" (Grand Prix - giải thưởng quan trọng thứ hai).

Sau đây là danh sách 10 phim đoạt Cành Cọ Vàng hay nhất mọi thời đại theo công bố của Times:

1. Người đàn ông thứ ba, 1949

 
Một cây bút chuyên viết chuyện giật gân người Mỹ đã đến Vienna để tìm hiểu cái chết của một người bạn - người đã bị giết chết trong một hoàn cảnh kì lạ. Sự bí ẩn tiếp theo khiến anh lúng túng chính là việc người bạn của anh có liên quan đến thị trường đen, cảnh sát đa quốc gia, và ngay cả đến người bạn gái Séc của anh…

Đạo diễn bởi Carol Reed, với diễn viên chính là Joseph Cotton, nhưng chính Orson Welles mới thực sự là điểm sáng trong cốt truyện nói về thế giới ngầm trong Chiến tranh lạnh này. Đây là một trong số những phim đen trắng cổ điển nổi tiếng nhất trong thuở sơ khai của lịch sử điện ảnh.

Bộ phim gây ảnh hưởng lớn đến mức mà tour du lịch Third Man đã được tổ chức quanh hệ thống cống rãnh ở Vienne - nơi người ta đã quay phần cao trào của bộ phim.

2. Cái giá của sự sợ hãi, 1953
 
 
Đạo diễn bởi Henri-Georges Clouzot, bộ phim hành động cổ điển này kể một câu chuyện về kinh nghiệm của nhà thám hiểm ở Nam Mỹ. Cái giá của sự sợ hãi đã đạt được thành công lớn tại châu Âu và châu Mỹ, và cũng đã đẩy diễn viên hàng đầu của mình, Yves Montand trở thành ngôi sao quốc tế.

Nội dung bộ phim kể về những người đàn ông ở miền Nam Mỹ vận chuyển thuốc nổ nitrogylcerin trên một chiếc xe tải cọc cạch và phải vượt qua những đoạn đường ghồ ghề đầy đá lởm chởm. Bất cứ một cú va chạm nào cũng có thể đẩy tính mạng của những tài xế này vào cõi chết. Đây là một bộ phim hành động về những người đàn ông dũng cảm thời kỳ hậu chiến.

3. Cuộc sống ngọt ngào, 1960
 
Lấy bối cảnh thủ đô Rome của nước Ý (chủ yếu là Via Veneto, con đường có nhiều hộp đêm, cà phê ở lề đường và nơi tản bộ) vào năm 1959, câu chuyện phim xoay quanh nhân vật chính Marcello (Marcello Mastroianni), một phóng viên chuyên săn lùng những tin tức nhạy cảm và giật gân.

Anh bỏ ra nhiều thời gian tìm kiếm những cô gái thuộc đủ mọi thành phần, từ gái điếm đến ngôi sao điện ảnh, từ nữ quí tộc đến những mụ nạ dòng. Anh cũng không ngại tiếp cận các chức sắc tôn giáo và những gã nhà giàu tha hóa. Thời gian phim chỉ diễn ra trong đúng một tuần lễ làm việc và các mối quan hệ của Marcello.

Đây là bộ phim hay nhất của đạo diễn Ý lừng danh Federico Fellini. Nó có tên trong danh sách 100 bộ phim hay nhất thế giới và được xem như cột mốc đánh dấu bước chuyển của đạo diễn Fellini từ trường phái tân hiện thực (neo-realist) sang trường phái phim nghệ thuật (art film) sau này của ông.

Cuộc sống ngọt ngào được ngợi khen là một trong những bộ phim châu Âu được xem nhiều nhất trong thập niên 60 trên thế giới và tại Mỹ. Tuy nhiên, phim được đề cử 4 Oscar, nhưng chỉ đoạt 1 Oscar thiết kế trang phục đen trắng.

4. Người lái taxi, 1976
 
Là một cựu chiến binh trở về từ Việt Nam, Travis Bickle (De Niro) đơn độc và bị ám ảnh bởi cái chết cũng như những cảnh tưởng bạo lực trong chiến tranh. Cuộc sống của ông ngày càng tồi tệ hơn, Travis đang ngập sâu trong những ám ảnh thì một người phụ nữ bất chợt gõ cửa cuộc đời ông!

Những nỗi ám ảnh, những khổ đau, dằn vặt in sâu trong cuộc sống con người được thể hiện độc đáo trong bộ phim. Đây là một tác phẩm đáng để bạn dành thời gian xem qua.

Ngoài giải thưởng Cành Cọ Vàng trong liên hoan phim quốc tế Cannes, Taxi Driver còn nhận bốn đề cử Oscar (1976). Phim được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 phim hay nhất mọi thời đại.

5. The tree of wooden clogs (Cây guốc gỗ), 1978
 
Bộ phim nổi tiếng và được nhiều người nhớ đến nhất của đạo diễn kỳ cựu người Italy Ermanno Olmi là L'Albero Degli Zoccoli - The tree of wooden clogs - kể về cuộc đời của một nông dân nghèo ở Lombardy. Phim đã giành được giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes năm 1978. Ermanno Olmi đã giành được giải Sư Tử Vàng - thành tựu trọn đời của ban tổ chức LHP Venice 2008 vì những cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh của ông.

Như vậy là hai năm liên tiếp, giải Cành Cọ Vàng đã thuộc về các bộ phim của Ý: bộ phim Ý Chủ quán Padre của Tavani cũng đạt được giải thưởng cao quý này vào năm 1977.

6. Tình dục, những lời nói dối và băng video, 1989

 
Đạo diễn Steven Soderbergh khởi động phong trào làm phim độc lập vào những năm 90 với dấu mốc là bộ phim này, kể về những mối quan hệ chồng chéo giữa bốn người và một máy quay phim.

Gây chấn động tại liên hoan phim Sundance, bộ phim biến liên hoan phim thành nơi tập trung những phim có kinh phí thấp kể về chủ đề cuộc sống và những mối quan hệ hiện đại. Cùng với một bộ phim cũng khá lạ của Quentin Tarantino tựa đề Pulp Fiction (1994), Sex, Lies, and Videotape - Tình dục, những lời nói dối và băng video là một trong những bộ phim có ảnh hưởng nhất đến phong trào sản xuất phim độc lập trong thập niên 90.

Sự thành công thương mại ở tầm quốc tế của bộ phim đã khiến nó trở thành ngòi nổ cho hàng loạt phim có đề tài về tính dục trong những năm tiếp theo. Ngay từ bộ phim này, Soderbergh đã thể hiện được hầu hết các điểm mạnh của mình: kịch bản sâu sắc và tinh tế, thoại rất hấp dẫn và không cần phô bày hết mọi thứ, diễn viên thì tự thể hiện mình rất tốt và đầy sáng tạo.

7. Bá vương biệt cơ, 1993

 
Trong cuối những năm 1980, Cannes bắt đầu để mắt tới  những bộ phim từ Trung Quốc. Địa cầu vàng của Trần Khải Ca và Cao lương đỏ của Trương Nghệ Mưu đã được thừa nhận ở Locarno và Liên hoan phim Berlin trước khi họ được mời tham gia Liên hoan phim Cannes. Cuối cùng, Bá Vương biệt cơ của đạo diễn Chen - bộ phim đầu tiên của Trung Quốc cũng giành giải Cành Cọ Vàng.

Nội dung bộ phim xoay quanh số phận nhân vật Trình Điệp Y do Trương Quốc Vinh thủ vai, trong mối quan hệ giữa anh với nghệ thuật Kinh kịch và người bạn diễn Đoàn Tiểu Lâu (Trương Phong Nghị), qua đó thể hiện hai chủ đề chính của bộ phim: nỗi ám ảnh và sự phản bội.

Phim lấy bối cảnh Trung Hoa từ năm 1924 đến năm 1977, bắt đầu từ khi cậu bé Đức Chí (tên thật của Trình Điệp Y) được mẹ đem gởi cho đoàn hát của Quảng sư phụ, sau khi đã bị cắt bớt một ngón tay thừa. Đức Chí lớn lên dưới sự rèn luyện hà khắc để có thể thủ vai ái thiếp trong các vở tuồng tích. Bên cạnh cậu là Sĩ Tứ - một cậu bé rắn rỏi vốn được hướng vào những vai vương tướng. Quá trình rèn luyện đối với Đức Chí là sự giết chết dần dần tự tôn nam tính, cậu trưởng thành và xem cuộc đời của mình với sân khấu Kinh kịch như một.

8. Chuyện tào lao, 1994
 
Ban giám khảo của Cannes năm đó là Clint Eastwood đã chọn Quentin Tarantino để trao giải Cành cọ vàng. Bộ phim Chuyện tào lao của ông làm sống lại sự nghiệp của John Travolta, Samuel L. Jackson. Các diễn viên trong phim đều trở thành ngôi sao nổi tiếng. Trong năm 2009, Tarantino đã mang bộ phim chiến tranh của ông Inglourious Basterds trở lại Cannes, nơi ông tiếp tục giành được danh tiếng toàn cầu cho một cuộc cạnh tranh mới.

Không chỉ tiêu biểu về phong cách làm phim mà Chuyện tào lao còn tiêu biểu về góc máy, hình ảnh và âm nhạc trong phim. Nếu đã từng xem qua một vài phim của Quentin Tarantino, bạn sẽ thấy các góc máy trong phim tả thực, hình ảnh không chau chuốt nhiều. Những cảnh bạo lực: bắn giết, máu me… đều rất thực và không hề dùng kĩ xảo để làm giảm bớt (cũng tương tự như các cảnh chiến đấu trong Kill Bill sau này). Bên cạnh đó các cảnh dùng ma túy (tiêm chích, hít) trong phim cũng được quay cận cảnh.

9. Hương vị anh đào, 1997
 
Với Baddi, một người đàn ông trung niên tìm cách để chết trong bộ phim A Taste of Cherry (Hương vị anh đào) thì dường như cuộc sống cũng không còn một ý nghĩa nào khác. Đây là một bộ phim ngụ ngôn về cuộc sống và cái chết của đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami, một câu chuyện đơn giản nhưng kì lạ và được thể hiện giản dị nhất có thể.

Bối cảnh phim chỉ là những con đường đất quanh co lên xuống các ngọn đồi ở thủ đô Terehan. Baddi lái một chiếc xe hai cầu cũ, gương mặt hầu như vô cảm. Không có bất cứ một thông tin nào về thân thế, sự nghiệp, gia đình, quá khứ hay lí do mà ông ta chọn cái chết. Ông ta chạy xe lên xuống các con dốc, bụi bay mù mịt với mục đích duy nhất là tìm một người chôn mình khi ông ta chết. Thế nhưng ông đã từ bỏ ý định tự tử chỉ vì nếm hương vị của một quả anh đào.

Bộ phim ngụ ngôn đầy tính triết học về “hương vị cuộc sống” nhưng được thể hiện giản dị và tài tình này đã đem về cho đạo diễn Abbas Kiarostami giải cao nhất – Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes năm 1996. Đây là lần đầu tiên, điện ảnh Iran đoạt giải thưởng cao quý nhất của điện ảnh và cũng bắt đầu một thời đại mới cho nền điện ảnh nhỏ bé này.

10. 4 tháng, 3 tuần và 2 ngày, 2007

 
Bộ phim đoạt giải Cành Cọ Vàng tại Cannes năm 2007 - 4 months, 3 weeks, 2 days (Bốn tháng, ba tuần và hai ngày) của đạo diễn người Romania Cristian Mungiu là một câu chuyện đau đớn về thời đoạn đầy nhẫn tâm. Trong một xã hội chuyên chế, nơi người ta luôn dửng dưng với số phận của mình, có hai cô gái trẻ tìm cách từ bỏ một bào thai ngoài ý muốn.

Chất lượng âm thanh hoàn hảo và diễn xuất chói sáng, Bốn tháng, ba tuần và hai ngày là một thành công đáng ngạc nhiên. Sự thuần khiết và chân thật là những yếu tố dẫn dắt xuyên suốt bộ phim vốn không chỉ là câu chuyện về một ca phá thai chui mà còn là những cuộc thương lượng dằng dai và lặng lẽ để sống sót trong những ngày cuối cùng của chế độ Caecescu tại Rumania.

Giới thiệu tất cả những yếu tố mới của điện ảnh Rumania – những cảnh quay dài, máy quay tự động, lời thoại tự nhiên, tác phẩm bậc thầy này của Cristian Mungiu được chăm chút tỉ mỉ. Thêm bằng chứng cho sự thăng tiến mới của Rumania trong điện ảnh thế giới, hình ảnh của bộ phim cuốn hút những khán giả sáng suốt trong một đất nước đang ngả theo Mĩ và phương Tây.

Hoài Thư (Theo Times)
Bình luận
vtcnews.vn