Hết thời du lịch giá rẻ, người thu nhập thấp khó đi

Chuyện bốn phươngThứ Tư, 10/08/2022 11:05:46 +07:00

Phí vào cửa công viên Komodo ở Indonesia tăng 18 lần, khách đến Bhutan phải đóng phí 200 USD/đêm... là dấu hiệu kết thúc thời kỳ vàng son của du lịch giá rẻ.

Tuần trước, giá vé để xem một con rồng Komodo trong tự nhiên là 11 bảng Anh. Tuy nhiên, chỉ 7 ngày sau, giá đã thay đổi thành 208 bảng Anh khi phí vào cửa của công viên quốc gia Komodo ở Indonesia tăng 1.791%.

Con số này chỉ theo sau mức 733% vé vào cổng tại đền Borobudur, kỳ quan Phật giáo lớn nhất thế giới, cách đó 1.046 km về phía tây.

Cuối tháng 6/2022, Hội đồng Du lịch Bhutan (TCB) thông báo mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ 23/9, sau gần 30 tháng phong tỏa để chống COVID-19. Du khách ghé thăm cần phải nộp phí phát triển bền vững là 200 USD/đêm, cao gấp 3 lần so với trước dịch.

Theo Chris Haslam, cây viết của tờ The Times, những đợt tăng giá gần đây ở những điểm đến nổi tiếng sẽ là bước mở đầu cho quá trình kết thúc thời kỳ vàng son của du lịch giá rẻ.

Hết thời du lịch giá rẻ, người thu nhập thấp khó đi - 1

Chi phí cho các chuyến du lịch ngày càng tăng cao ở nhiều quốc gia. (Ảnh: Bloomberg)

Giá cả ngày càng đắt đỏ

Ở xứ Chùa Vàng, tháng trước, Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul đã lưu ý các dịch vụ, cơ sở lưu trú không nên giảm giá để thu hút khách nước ngoài.

“Chúng tôi không thể để mọi người đến Thái Lan chỉ vì rẻ mà mong muốn họ sẽ chú ý đến hoạt động. Đó là cách để tăng giá trị cho ngành công nghiệp này. Càng đắt càng nhiều khách đến”, ông Anutin Charnvirakul phát biểu tại một sự kiện ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok).

Tại Galapagos, nằm phía nam Thái Bình Dương, cách trung tâm Ecuador 1.000 km về phía tây và được mệnh danh là quần đảo đẹp nhất hành tinh, kế hoạch tăng giá vé vào cổng lên 4 lần đang bị tạm dừng trong khi các nhà chức trách theo dõi số lượng du khách sau đại dịch.

Ở Ấn Độ, chi phí cho các cuộc săn hổ đã tăng đến 123% kể từ năm 2019.

“Không ai muốn một thế giới mà du lịch trở nên đặc quyền. Việc giá cả leo thang có thể ảnh hưởng đến tính hợp pháp của ngành này khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng hơn”, Jarrod Kyte, giám đốc kinh doanh tại Steppes Travel, nói.

Hết thời du lịch giá rẻ, người thu nhập thấp khó đi - 2

Giá vé tham quan, trải nghiệm hoạt động ở các khu du lịch, công viên chủ đề tăng chóng mặt. (Ảnh: Bangkok Post)

Châu Phi cung cấp một cái nhìn thoáng qua về hướng đi của ngành “công nghiệp không khói”. Botswana và Rwanda từ lâu đã theo đuổi mô hình chi phí cao và kiểm soát lượng khách bằng cách tính giá cao ngất ngưởng.

Năm 2017, giá vé cho một chuyến tham quan kéo dài 40 phút với khỉ đột núi ở vườn quốc gia Virunga (Rwanda) đã tăng gấp đôi lên 1.240 bảng Anh.

“Lục địa đen đang quay lại với mục tiêu trở thành địa điểm ít người có thể tiếp cận. Cách tốt nhất để bảo vệ vùng hoang dã là quản lý số lượng và hình thức khai phá, đồng thời đảm bảo những người trông coi, chính quyền địa phương được hưởng lợi đủ từ du lịch nhằm hỗ trợ, ưu tiên các sáng kiến ​​bảo tồn.

Thế nhưng, cũng thật đáng tiếc nếu những người yêu thiên nhiên chân chính không thể tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của châu Phi vì chi phí đắt đỏ. Nhưng ai lại muốn điều hành một nhà nghỉ với giá 250 bảng Anh/đêm khi mọi người đang tính phí gấp 4 lần?”, Rob Slater, giám đốc của Safari Consultants, cho hay.

Thu hút giới nhà giàu

Theo Jonny Bealby, chủ của công ty điều hành tour Wild Frontiers, nhóm chịu thiệt thòi trong chính sách tăng giá là những người có ngân sách eo hẹp, thường là khách du lịch bụi, gia đình đông người hoặc các nhân viên cố gắng kiếm tiền cho một kỳ nghỉ dài ngày.

Điều này khiến các chuyến đi trở nên xa xỉ, mang tính đặc quyền và là mục tiêu theo đuổi của giới siêu giàu.

Còn theo Raki Phillips, người đại diện cơ quan phát triển du lịch của tiểu vương quốc Ras Al Khaimah Ras al Khaimah, giảm tác động đến môi trường phải là ưu tiên hàng đầu đối với bất kỳ điểm đến nào.

Những đợt tăng giá nhanh chóng sẽ không mang lại hiệu quả cao bằng việc phát triển một chiến lược dài hạn nhằm đem đến lợi ích cho cộng đồng.

Bên cạnh nhóm du khách giàu có, Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering cho biết khi tăng thuế môi trường, ông còn muốn thu hút những người có học vấn, hiểu biết về văn hóa, đặc điểm độc đáo của quốc gia này.

Hết thời du lịch giá rẻ, người thu nhập thấp khó đi - 3

Nhiều đất nước tìm cách thu hút tệp khách giàu có, có học thức cao, hiểu biết. Ảnh: Insider.

Việc biến những địa điểm hoang sơ và đẹp nhất thế giới thành nơi dành riêng cho người giàu không chỉ loại trừ một bộ phận lớn nhóm đam mê xê dịch mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của hướng dẫn viên, chủ khách sạn, nhà hàng.

Delphine King, giám đốc điều hành của Long Run, một hiệp hội các doanh nghiệp du lịch tập trung vào tính bền vững, cho biết có cách toàn diện hơn để chống lại nạn du lịch quá mức.

“Tối ưu hóa tác động tích cực của ngành công nghiệp này bằng cách tạo ra các cơ hội sinh kế, doanh thu trong khi giảm thiểu khả năng tiếp cận là một sự cân bằng rất mong manh. Mọi người nên cân nhắc đến phương pháp giấy phép giá cố định”, bà King nói.

Tuy nhiên, việc giá cả du lịch tăng cao là điều không thể tránh khỏi khi các địa điểm ngày càng nổi tiếng trên mạng cộng với giá vé máy bay thay đổi liên tục. Những điều này có thể chuyến đi trong mơ với nhiều người tan thành mây khói.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp