Xót xa như rụng bàn tay biệt người Bên kia sông Đuống

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 07/05/2010 08:11:00 +07:00

(VTC News) - Thế là lại bắt đầu một cuộc tuần du mới của một con người suốt cả cả đời nấn ná Bên kia sông Đuống để tìm Lá Diêu Bông...

(VTC News) - Thế là lại bắt đầu một cuộc tuần du mới vào thế giới vĩnh cửu của một con người suốt cả cả đời nấn ná Bên kia sông Đuống để tìm Lá Diêu Bông....

Ngày hay tin Cụ nằm liệt, tôi đã thấy cuộc tuần du hẹp lối. Cụ vẫn tỉnh táo trên căn gác ở phố Lý Quốc Sư. Song theo lẽ đời, mọi thứ kể từ đó như đã được định đoán và sẵn sàng chờ khép lại. Nhưng đến cả khi con trai Cụ là Hoàng Kỳ cáo Cụ đi trước, cuộc đời vẫn bắt Cụ ở lại để rồi thêm một lần Cụ đau, nát “men đá vàng”.

 

Hay tin Cụ về trời theo những cánh nhạn đất Thổ Lỗi (tên vùng Thuận Thành xưa), bỏ lại một cơn “mưa Thuận Thành” dầm dề da diết, bỏ lại Bút Tháp đang vào độ hội hè không người may áo thơ, dệt khăn thơ, không người đẩy xe thơ về vùng Kinh Bắc đi trọn đoạn đường thiên mệnh của nó… bỗng sầu ơi là sầu!


 Nhà thơ Hoàng Cầm đã theo nhạn về trời.
 

Mới hôm qua, đương bụng bảo cuối tuần về Đình Tổ sẽ ghé chốn cũ viếng chùa, nhân thể bỏ bê mọi thứ ra bãi sông Đuống tìm một bóng quen trong hoài niệm. Vậy mà chưa kịp về thì cái bóng ông cụ đội mũ nồi lệch, rung gậy mía Đường Trèo, ngồi lê bờ cỏ mướt, uống nắng chiều quê hôm nào đã theo “chuồn chuồn khiêng nắng sang sông”.

 

Hờ! Thèm được đứng chân ngập trong nước, nhìn về phía Phật Tích bên kia, cái “bên kia” một thời Cụ đứng ngóng, đứng nghe để rồi "xót xa như rụng bàn tay".

 

Hờ! Thèm vẽ lại bóng “chiều xưa giẻ quạt voi lồng” xua “mây thành nổi lửa”, để Cụ về với mẹ bình yên, để tất cả đi qua không từng có “một cơn gió mạnh, khiến một vài cây đổ, lá rụng đầy đường, khiến những túp nhà tốc mái, những bức tường xiêu vẹo…”.

 

Hờ! Xin trích lại những gan ruột của Người thơ sau cuộc tuần du: “Đôi lúc, chỉ nghĩ về chính số phận mình, có chút cay đắng, có xót xa. Nhưng vì “đã mang lấy nghiệp vào thân” như Nguyễn Du nói, cái nghiệp thơ đầy đau khổ, oan trái, nhưng cũng nhiều hào quang toả ra từ tâm linh và từ những câu chữ kỳ diệu đã đem đến cho mình không ít giờ phút say sưa, ngay trong cuộc sống bình nhật cũng không ít hạnh ngộ đẹp, tôi được gặp nhiều người nam, người nữ rất trong sáng, yêu thương mình hết lòng. Dân tộc là thế đấy, thưa các bạn”.

 

Hờ! Thèm được ghé nhanh ga xép Như Thiết, ngủ trên đồng chiều mùa đông, mơ chị Vinh ở chốn nào đang chờ Người sau kiếp lỡ. Lá diêu bông, cỏ bồng thi mãi mãi hư ảo xin hiện hình sau cõi mộng, giọng nữ cao tuôn thơ, Người thơ chép vội. Cuộc tuần du khép rồi, xin vợi một khối đơn phương đè nén đã cả đời!

 

Hờ! tiếng than như vọng trước linh sàng, cúi rạp người lạy Cụ ba lạy, khấn nguyện cùng nhịp 1, “Bưởi Nga My”, giờ, mẹ còn ai để bắt đèo bòng? Xin tiễn biệt Cụ!


Hà Nội đêm 23 tháng 3 năm Canh Dần.
 


Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn