Xét xử vụ án ở Đồng Tâm: 29 bị cáo thành khẩn nhận tội, xin hưởng khoan hồng

Pháp đìnhThứ Tư, 09/09/2020 07:31:00 +07:00
(VTC News) -

Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, 29 bị cáo trong vụ án đều thừa nhận những hành vi bản thân gây ra là trái pháp luật, xin được hưởng khoan hồng.

Video: Tòa đọc cáo trạng truy tố các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm

Sau 2 ngày (7-8/9) TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 bị cáo tội "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" trong vụ án xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh, HĐXX đã hoàn thành phần xét hỏi với toàn bộ 29 bị cáo trong vụ án.

Trong phần xét hỏi của phiên tòa, 29 người bị thẩm vấn đều thừa nhận những hành vi bản thân gây ra là trái pháp luật, xin được hưởng khoan hồng.

Trong ngày 7/9, bị cáo Lê Đình Công (bị cáo buộc là một trong 4 chủ mưu của vụ án) thừa nhận đã chỉ đạo chuẩn bị bom xăng, lựu đạn, dao phóng lợn để chống đối cảnh sát nhằm mục đích "giữ đất" tại khu vực cánh đồng Sênh (xã Đồng Tâm).

Theo kế hoạch của các bị cáo, nếu cơ quan chức năng công bố về nguồn gốc đất đồng Sênh, các bị cáo sẽ yêu cầu đưa ra quyết định thu hồi đất. Nếu không, họ sẽ ném gạch đá, bom xăng và bước gay gắt sẽ dùng lựu đạn "chiến đấu đến cùng".

Xét xử vụ án ở Đồng Tâm: 29 bị cáo thành khẩn nhận tội, xin hưởng khoan hồng - 1

Bị cáo Lê Đình Công. (Ảnh: TTXVN)

Nhận thức về hành vi sai trái của bán thân khi gây ra cái chết của 3 cảnh sát, bị cáo Công tỏ ra hối hận. "Bị cáo gửi lời xin lỗi đến gia đình của 3 cảnh sát hy sinh và xin được tha thứ. Bị cáo đã nhận ra những sai lầm, thành khẩn khai báo trước cơ quan điều tra và trước toà nên xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật", bị cáo Công nói.

Bị cáo Nguyễn Văn Tuyển khai "bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của ông Lê Đình Kình", xin được hưởng mức phạt nhẹ nhất để sớm trở về chăm sóc gia đình.

Bị cáo Lê Đình Chức thừa nhận ngồi trên mái nhà hàng xóm, dùng dao phóng lợn chọc xuống dưới khiến 3 cảnh sát đang di chuyển qua cửa sổ ngã xuống hố sâu 4m giữa 2 nhà. Sau đó, bị cáo đổ xăng, châm lửa khiến 3 cảnh sát hy sinh. "Bị cáo biết chọc dao là nguy hiểm và là hành vi trái pháp luật, nhưng lúc đó vì muốn bảo vệ bố là Lê Đình Kình. Mong toà xem xét để bị cáo được hưởng khoan hồng", bị cáo Chức nói.

Tại phần xét hỏi ngày 8/9, bị cáo Lê Đình Quân khai được "tổ đồng thuận" phân công đánh kẻng báo động. Đêm xảy ra vụ việc, Công ném 2 quả bom xăng về phía lực lượng chức năng. Bị cáo này cũng thừa nhận với cơ quan CSĐT cũng như trước tòa về việc vi phạm pháp luật là do bị ông Lê Đình Kình lôi kéo. Quân mong được các cơ quan tố tụng xem xét.

Thừa nhận là thành viên "tổ đồng thuận" với vai trò thủ quỹ, bị cáo Mai Thị Phần cho rằng, bản thân được ông Kình hứa hẹn khi đòi được đất sẽ được chia phần. Còn về kế hoạch tấn công cảnh sát, bị cáo Phần nói không được tham gia bàn bạc, không chuẩn bị vôi bột, gạch đá.

Trong số tiền 2 triệu đồng góp mua lựu đạn, bị cáo Phần bỏ 500 nghìn đồng, số còn lại nhận của 5 người khác. "Lúc đầu bị cáo chỉ biết là góp tiền cho ông Kình lo việc, mãi sau mới biết tiền đó để mua lựu đạn", bị cáo Phần nói.

Bị cáo Phần thừa nhận bị ông Lê Đình Kình lôi kéo bằng cách nói rằng: "Đất là đất của mình, nếu góp tiền đòi được thì mỗi người sẽ được chia khoảng 200m2". Theo bị cáo Phần, ông Lê Đình Kình nói giá đền bù khu đất đồng Sênh là khoảng 6 triệu đồng/m2, tính thời điểm đó được khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Bét khai, chiều 8/1, bị cáo đến nhà ông Kình cùng tham gia làm một quả bom xăng với mọi người. Tối 8/1, Bét chỉ đến nhà ông Kình chơi chứ không được tham gia bàn bạc kế hoạch chống đối công an. Rạng sáng 9/1, Bét đứng trên trần nhà ông Kình, bê chậu nước hất về phía cảnh sát.

Khi bị chủ tọa truy vấn về hành vi trên, bị cáo Bét cho rằng bản thân đã sai khi hắt nước về cảnh sát nên mong được hưởng khoan hồng. Hơn nữa, bà cũng không tham gia "tổ đồng thuận", hàng ngày chỉ ở nhà làm tự do chứ không cùng tổ chống đối, khiếu kiện đất đai.

Xét xử vụ án ở Đồng Tâm: 29 bị cáo thành khẩn nhận tội, xin hưởng khoan hồng - 2

29 bị cáo tại phiên toà.

Là 1 trong 4 người bị cáo buộc phạm tội "Chống người thi hành ông vụ", bị cáo Trần Thị Phượng bật khóc khi trả lời thẩm vấn. Bị cáo xin được hưởng khoan hồng do những hiểu biết hạn chế về pháp luật.

"3 người con của bị cáo đều còn nhỏ, trong đó đứa út mới 16 tháng tuổi và vẫn đang bú mẹ nên mong sớm được trở về chăm sóc các con. Hơn nữa, bị cáo không trực tiếp gây ra cái chết cho 3 chiến sĩ công an nhưng vẫn muốn gửi lời xin lỗi đến gia đình họ", bị cáo Phượng nói.

Về hành vi phạm tội của bản thân, Phượng khai rạng sáng 9/1, nghe thấy kẻng náo loạn nên chạy ra đường và thấy người dân đang ném gạch đá.

Lúc cầm 2 cục đá ném về phía công an, Phượng được 1 người lạ mặt dí con dao vào tay nên cầm lao về phía công an. Hai ngày sau, Phượng ra đầu thú.

Theo cáo trạng, mặc dù biết đất cánh đồng Sênh (xã Đồng Tâm) là đất quốc phòng được Thanh tra TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận. Tuy nhiên, ông Lê Đình Kình (ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm) cùng Lê Đình Công, Nguyễn Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển và một số người tại xã Đồng Tâm thành lập "Tổ đồng thuận" với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau. 

Nhóm người này thường xuyên lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện phức tạp về việc quản lý, sử dụng đất của chính quyền xã Đồng Tâm. Đồng thời sử dụng mạng xã hội tuyên truyền sai sự thật về nguồn gốc đất, kêu gọi người dân xã Đồng Tâm "đấu tranh để giữ đất".

Từ năm 2017 đến đầu năm 2020, ông Kình chỉ đạo "tổ đồng thuận" và nhiều người khác gây ra nhiều sự việc nghiêm trọng trái với pháp luật. Điển hình như vụ bắt giữ 34 chiến sĩ của Trung đoàn CSCĐ và 4 cán bộ khác.

Khoảng tháng 9/2019, khi biết thông tin Công an TP Hà Nội phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn trên đất đồng Sênh, ông Lê Đình Kình đã cùng với Lê Đình Công và đồng phạm góp tiền mua 10 quả lựu đạn, mua xăng làm 85 chai bom xăng, mua khoảng 10 tuýp sắt có gắn dao bầu và liềm, nhặt gạch đá, làm bùi nhùi, mua pháo nhằm tấn công lực lượng chức năng.

Ông Lê Đình Kình cùng đồng phạm tổ chức quay video, ghi hình trực tiếp và đăng tải các video clip trên mạng xã hội, mạng internet. Đồng thời, nhóm này tuyên bố nếu cơ quan chức năng đưa lực lượng đến Đồng Tâm thì sẽ tiêu diệt từ 300 người đến 500 người.

Rạng sáng 9/1/2020, khi thấy lực lượng công an tiến đến cổng làng thôn Hoành (cách nhà ông Kình khoảng 50 mét) để bảo vệ mục tiêu, Bùi Văn Niên và Lê Đình Quân đánh kẻng báo động.

Các bị cáo sau đó bắn pháo hiệu và cũng bắn pháo về phía lực lượng chức năng; đứng trên mái nhà dùng gạch đá, bom xăng, dao bầu tấn công cảnh sát. Lúc này, tổ công tác nhiều lần dùng loa kêu gọi các nhóm người này dừng các hành vi vi phạm nhưng nhận lại là sự chống đối quyết liệt.

Các chiến sĩ Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy, Dương Đức Hoàng Quân trong khi di chuyển từ cửa sổ tầng 2 nhà Lê Đình Hợi định tiếp cận mái nhà Chức thì bị các đối tượng dùng tuýp sắt có gắn phóng lợn để tấn công, đồng thời ném nhiều gạch đá khiến 3 chiến sĩ ngã từ trên cao xuống một chiếc hố sâu 4m nằm giữa nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức.

Thấy vậy, Lê Đình Chức và Lê Đình Doanh lấy một can xăng khoảng 5 lít đổ ra chậu. Rồi hai đối tượng đạp chậu xuống hố, châm lửa. Hai kẻ này đã nhiều lần đổ thêm xăng xuống hố, dẫn đến sự hy sinh của ba chiến sĩ. 

Ngoài ra, một lực lượng khác áp sát nhà ông Lê Đình Kình và cũng nhận sự chống trả quyết liệt.

Khi cảnh sát phá khóa cửa ngách nhà ông Kình thì thấy người này cầm một quả lựu đạn và hô hào chống đối. Vì vậy, cảnh sát nổ súng 2 lần khiến ông Kình bị thương và chết sau đó.

VKSND TP Hà Nội khẳng định việc lực lượng chức năng nổ súng trong trường hợp này là đúng quy định của pháp luật.

Ông Lê Đình Kình được xác định là chủ mưu trong vụ án nhưng do đã chết nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn