Xem sức mạnh khủng khiếp của pháo điện từ Mỹ

Thế giớiThứ Năm, 23/12/2010 08:20:00 +07:00

(VTC News) – Mỹ đã nghiên cứu và chế tạo thành công một loại vũ khí siêu hiện đại, được coi là “khủng khiếp” nhất thế giới hiện nay – pháo điện từ công suất lớn

(VTC News) – Mỹ đã nghiên cứu và chế tạo thành công một loại vũ khí siêu hiện đại, được coi là “khủng khiếp” nhất thế giới hiện nay – pháo điện từ ứng dụng trên tàu chiến, trước tiên là tàu chiến tương lai kiểu khu trục hạm DDG-1000 Zumwalt.


Với công suất 33 Megajun, pháo điện từ của Mỹ có khả năng đạt vận tốc gấp 8 lần vận tốc âm thanh. Ở vận tốc này, gần như tất cả mục tiêu trong phạm vi 200 km sẽ khó có khả năng trốn thoát.

 

Pháo điện từ của Mỹ do các phân xưởng của Mỹ trong tập đoàn BAE Systems của Anh nghiên cứu, chế tạo từ năm 2005 với giá trị hợp đồng lên tới 211 triệu USD. Biến thể đầu tiên của loại pháo này với công suất 10 Megajun đã được thử nghiệm vào năm 2008. Khi đó, tốc độ đầu nòng của đạn pháo đã đạt 2520 m/s.

 

Với công suất 33 Megajun, pháo điện từ của Mỹ có thể đạt vận tốc gấp 8 lần vận tốc âm thanh và mạnh gấp 20 lần pháo hiện hành trong lực lượng Hải quân nước này. 

Pháo điện từ sử dụng lực điện từ để đẩy đầu đạn dẫn điện ra khỏi nòng pháo thay vì sử dụng thuốc súng và đầu nổ như các loại đạn pháo thông thường.

Ở giai đoạn đầu của hành trình phóng, đạn pháo là một phần của mạch điện, khi ra khỏi nòng, đầu đạn trở thành “mũi tên thép” xuyên thủng bất cứ mục tiêu nào trong phạm vi 200 km chỉ trong chớp mắt.

Trong lần thử nghiệm gần đây nhất diễn ra vào ngày 10/12/2010 tại Trung tâm nghiên cứu trang bị mặt nước Dahlgren cho Hải quân, Mỹ đã thử nghiệm pháo điện từ có công suất 33 Megajun – công suất kỷ lục mà từ trước tới nay chưa có hệ thống pháo nào đạt tới.

 

Theo tính toán của các chuyên gia Mỹ, với công suất này đạn pháo điện từ có thể tiêu diệt mục tiêu ở tốc độ 5 Mach (tương đương 1.600 m/s) trong phạm vi 203,7 km.

 

Không dừng lại ở đó, đạn pháo điện từ của Mỹ còn có thể hoạt động ở tốc độ 8 Mach, tầm bắn xa tối đa khi mang đầu đạn 10 kg với công suất 33 Megajun là 407,4 km.

 

 Mô phỏng đặc tính tác chiến của pháo điện từ.

Mục tiêu cuối cùng của dự án này chế tạo thành công loại vũ khí bắn nhanh hiệu quả có khả năng bay ở tốc độ 5.800 m/s, tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi  từ 5 km đến 307,4 km, gấp 20 lần các hệ thống pháo hiện nay của Hải quân Mỹ.

 

Nếu được phát triển thành công, pháo điện từ sẽ góp phần khẳng định quan điểm tác chiến không tiếp xúc của Mỹ, tức là sử dụng phương tiện tấn công tầm xa, máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình để tham gia vào các hoạt động tác chiến.

 

Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng và Hải quân Mỹ, giai đoạn đầu của chương trình chế tạo pháo điện từ sẽ kết thúc vào năm 2011 với hàng loạt các đợt thử nghiệm, bắt đầu từ đợt thử nghiệm ngày 10/12 bằng pháo điện từ 32-MJ LRG (32 Megajun Electro-Magnetic Laboratory Rail Gun).

 

Giai đoạn hai của chương trình này sẽ bắt đầu vào năm 2012 nhưng chưa rõ thời điểm kết thúc. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự, pháo điện từ có công suất 64 Megajun sẽ kết thúc thử nghiệm vào năm 2020-2025.

 

 

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Theo Lenta)

 

 

Bình luận
vtcnews.vn