Xem mưa sao băng lớn nhất năm vào sáng 13/12 bằng cách nào?

Khoa học - Công nghệThứ Hai, 12/12/2016 20:12:00 +07:00

Khi chiêm ngưỡng, người xem không cần sử dụng bất cứ thiết bị quang học hỗ trợ, hay ống nhòm hoặc kính thiên văn mà chỉ cần bằng mắt thường, hướng về chòm Gemini mọc lên từ hướng đông.

Theo tờ Timeanddate, khắp mọi nơi trên Trái Đất có thể quan sát trận mưa sao băng lớn nhất năm này. Nếu ở Bắc bán cầu, bạn có thể quan sát sự kiện này sau khi mặt trời lặn, trong khi những người yêu thiên văn ở Nam bán cầu có thể theo dõi lúc nửa đêm.

Dự báo cực điểm của trận mưa sao băng năm 2016 diễn ra khoảng 1h00' sáng 14/12 theo giờ Việt Nam.

Tâm điểm của trận mưa sao băng là chòm Gemini (Song Tử ) vì hầu hết các sao băng xuất hiện ở gần chòm sao này. Geminids được coi là một trong những trận mưa sao băng ngoạn mục nhất năm nay với tần suất cực điểm lên đến 120 vệt mỗi giờ.

nasa

 Ảnh mưa sao băng Geminids của NASA ngày 14/12/2015.

VNexpress dẫn lời ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch hội thiên văn học trẻ cho biết, người xem vẫn có thể chiêm ngưỡng Geminids vào trước cực điểm tức là đêm 12, rạng sáng 13/12 khi mặt trăng ở vị trí xa hơn.

Lúc này, người quan sát chỉ cần hướng mắt về chòm Gemini - tâm điểm của trận mưa sao băng - từ 22h hôm trước tới sáng hôm sau để thấy vệt sao băng tỏa ra từ đây. Gemini sẽ mọc lên ở hướng đông vào lúc nửa đêm, lên đỉnh đầu khoảng 1h và sau đó đi dần về trời tây. Nó rất dễ nhận diện với hai sao sáng khác nằm kế bên là Pollux và Castor. 

Khi chiêm ngưỡng, người xem không cần sử dụng bất cứ thiết bị quang học hỗ trợ, hay ống nhòm hoặc kính thiên văn mà chỉ cần bằng mắt thường. 

Người xem cũng cần chú ý đến thời tiết như trời không mưa hoặc không mây. Nếu có điều kiện, nên sắp xếp chuyến đi về vùng ngoại ô, cách xa trung tâm thành phố, nơi không có ánh sáng đèn đường, đèn xe. 

Trước lúc quan sát, người xem cần tránh nhìn vào vật sáng, nên để mắt trong bóng tối khoảng 20 phút, hạn chế tối đa việc bị ánh sáng nhân tạo chiếu thẳng vào mắt.

Geminids được hình thành do hàng loạt mẩu đá nhỏ (thiên thạch) lao vào khí quyển trái đất. Các mẩu đá đều là phần tàn tích để lại trên đường đi của sao chổi 3.200 Phaethon khi nó đi vào hệ mặt trời.

Mưa sao băng Geminids lần đầu xuất hiện vào năm 1860. Kể từ đó, các khu vực trên thế giới nhiều lần được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Video: Sao băng bốc cháy, sáng lòa bầu trời nước Nga

Ngọc Hà (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn