Xăng tăng giá kỷ lục: Lợi ích 84 triệu dân bị bỏ quên

Thời sựThứ Tư, 09/07/2014 12:00:00 +07:00

(VTC News) – Tuyên bố “điều hành xăng dầu vì lợi ích của 84 triệu dân” của cựu Bộ trưởng Tài chính ngày nào hoàn toàn cho kết quả ngược lại.

(VTC News) – Tuyên bố “điều hành xăng dầu vì lợi ích của 84 triệu dân” của cựu Bộ trưởng Tài chính ngày nào hoàn toàn cho kết quả ngược lại, khiến lòng tin trong dân suy giảm.

Chỉ trong hơn 10 ngày, giá xăng tăng liên tiếp 2 lần, xác lập đỉnh giá mới cao kỷ lục, với 26.140 đồng/lít với xăng  RON 95 và 25.640 đồng/lít với RON 92.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 10 lần với 5 lần tăng và 5 lần giảm. Xăng là mặt hàng duy nhất từ đầu năm không giảm giá mà chỉ có tăng với tổng mức tăng 5 lần là 1.430 đồng.
Bất chấp khó khăn, giá xăng tăng phi mã dù doanh nghiệp đang lãi cao cho thấy quyền lợi của người dân lại tiếp tục bị bỏ quên.
Ai cũng đúng, trừ dân
Lời tuyên bố mạnh mẽ “chúng tôi điều hành giá xăng dầu vì hơn 80 triệu dân chứ không vì vài doanh nghiệp đầu mối” của cựu Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ ngày nào từng làm nức lòng dân đã không thể thành hiện thực.
84 triệu dân vẫn đang chắt bóp từng đồng để chi trả cho giá xăng tăng phi mã vì thuế phí chất chồng, vì lợi ích doanh nghiệp cần đảm bảo. 
Từ đầu năm đến nay giá xăng tăng liên tiếp 5 lần

Những bất hợp lý này không phải bây giờ mới nhận ra trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam. Sự thất vọng của người dân đã dần bão hòa, thay vào đó là sự cam chịu như điều đương nhiên phải thế.
Ngay sau khi điều chỉnh giá xăng hai ngành Công thương, Tài chính đã tổ chức họp báo để “minh bạch” lý do tăng giá.
Dồn dập nhiều câu hỏi được đặt ra, vì sao giá xăng liên tiếp tăng, trong khi sức cầu trong nước còn yếu và doanh nghiệp ngành xăng dầu thì đang lãi lớn?
Rất giản dị, cả lãnh đạo ngành công thương, tài chính cùng lặp lại điệp khúc “giá xăng tăng theo giá thế giới”, “xăng dầu được điều chỉnh theo đúng Nghị định 84”, tức hoàn toàn đúng quy định và phù hợp với quy luật thị trường. (!)
Có điều, đại đa số người dân không nắm được giá xăng thế giới hiện nay tăng bao nhiêu, Nghị định 84 mà các doanh nghiệp đang bám vào có điểm gì hay, điểm gì bất cập… nên lãnh đạo nói sao đành tin vậy.
Tuy nhiên, với những người hiểu chuyện của ngành xăng dầu, thì hẳn biết rằng, việc “giá xăng dầu trong nước lên xuống theo giá thế giới” vốn dĩ đã là thông điệp được các doanh nghiệp xăng dầu nhắc đi nhắc lại từ lâu. 
Nhưng sự thực, các doanh nghiệp chỉ điều chỉnh khi giá thế giới tăng, còn khi giá nhập khẩu giảm, hầu như các doanh nghiệp lại viện dẫn các lý do như “trích quỹ bình ổn”, “chưa giảm giá vì còn bù lỗ”… để tránh phải giảm giá. 
Trong bất kỳ trường hợp nào thì người tiêu dùng đành ngậm ngùi chấp nhận vì đâu đủ có sở để tính toán sự lỗ hay lãi của các doanh nghiệp xăng dầu.
Lãi khủng vẫn tăng

Trong những đợt tăng giá xăng gần đây, có duy nhất lý do không được liên ngành công thương – tài chính nhắc đến đó là “để bù lỗ cho doanh nghiệp”, bởi trước đó doanh nghiệp đã "trót” báo lãi quá cao. 
Đơn cử như quý 1/2014, Petrolimex, doanh nghiệp chiếm khoảng 52% thị phần xăng dầu Việt Nam báo lãi 337,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 1,52% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu năm nay Petrolimex sẽ lãi 2.000 tỷ đồng. Năm 2013, Petrolimex đã lãi 2.021 tỷ đồng, hơn một nửa lợi nhuận là từ kinh doanh xăng dầu.
Nhiều người thắc mắc vì sao doanh nghiệp xăng dầu lãi ‘khủng’ mà không chia sẻ với người tiêu dùng trong bối cảnh bề bộn khó khăn?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) lý giải “khi điều chỉnh giá doanh nghiệp chỉ tính mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ chứ không tính lỗ lãi cụ thể”.
Câu trả lời của ông Tuấn sẽ hoàn toàn hợp lý nếu như trước đó, không biết bao lần lý do tăng giá xăng được các Bộ và chính doanh nghiệp đưa ra có phần “bù lỗ cho doanh nghiệp”.
Thế mới biết, khi nào cái lý cũng thuộc về nhà quản lý và doanh nghiệp, đặc biệt trong điều kiện “độc quyền” nhưng được định giá như điện, xăng dầu thì cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng không thể đòi hỏi sự minh bạch ở đây.
Còn nhớ, trong phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội hồi tháng 5, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi về trách nhiệm điều hành giá xăng dầu của hai Bộ Tài chính và Công Thương, đồng thời chỉ rõ có tình trạng thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh, nhập nhằng lỗ lãi và dấu hiệu lợi ích nhóm trong điều hành giá xăng dầu.
Khi đó, câu trả lời của lãnh đạo 2 ngành Công Thương, Tài Chính vẫn chỉ vòng vo, chung quy đổ lỗi cho bất cập từ Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu... 
Đại biểu Quốc hội thất vọng, và người dân thì mặc nhiên phải hiểu đừng mong minh bạch khi quyền định giá nằm trong tay doanh nghiệp độc quyền.
Thực tế, cho đến lúc này, việc điều hành giá xăng dầu vẫn chỉ là câu chuyện riêng giữa các Bộ và doanh nghiệp. 
Mục tiêu “điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” theo chỉ đạo của Chính phủ vẫn còn xa vời, khi chính việc xác định “thế nào là thị trường thực sự” vẫn còn chưa sáng tỏ. 
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính hôm 8/7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc tăng giá xăng dầu được thực hiện theo Nghị định 84, trong điều kiện một tháng nay giá xăng thế giới tăng liên tục cao (thời điểm từ ngày 5/6 đến 6/7).  

Đỉnh điểm  là ngày 1/7, giá xăng thành phẩm lên đến 126 đô la Mỹ/ thùng. Giá bình quân 30 ngày/tháng (theo cách tính của Nghị định 84) để làm căn cứ tính giá cơ sở ở mức 122 đô la /thùng.       

Ông Tuấn cho là nếu không điều chỉnh giá thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ 918 đồng/lít. Do vậy khi trích quỹ bình ổn 500 đồng/lít thì mức điều chỉnh chỉ tăng hơn 400 đồng/lít

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn