Thiệt hại sau bão số 10: 12 người thương vong, hàng chục nghìn ngôi nhà bị hư hỏng

Thời sựThứ Sáu, 15/09/2017 21:35:00 +07:00

Chiều 15/9, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã thống kê thiệt hại bước đầu do bão số 10 gây ra cho các tỉnh miền Trung.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 17h ngày 15/9, bão số 10 đã khiến 4 người chết (Thanh Hóa: 1 người; Nghệ An: 1 người; Quảng Bình: 1 người; Huế: 1 người) và 8 người bị thương (Nghệ An: 1 người; Quảng Bình: 6 người; Huế: 1 người).

Bão số 10 gây mưa to, gió mạnh làm 19 ngôi nhà bị sập hoàn toàn (Quảng Bình: 13 nhà; Quảng Trị: 5 nhà; Huế: 1 nhà); 23.968 nhà bị tốc mái, hư hỏng (Hà Tĩnh: 23.219 nhà; Quảng Trị: 85 nhà; Huế: 608 nhà). Ngoài ra, còn nhiều nhà bị tốc mái hư hỏng ở Quảng Bình đến nay chưa có số liệu thống kê cụ thể.

21728085_2000704976827318_139330081246847897_n

 Bão tàn phá một ngôi nhà của người dân ở Hà Tĩnh.

Nhà bị ngập do bão là 5.489 nhà (Hà Tĩnh: 3.989 nhà; Quảng Bình: 1.500 nhà). Nhiều trường học, công trình công cộng bị tốc mái, hư hỏng chưa có số liệu thống kê.

Bão số 10 cũng khiến 1.307.000 khách hàng bị mất điện; 1 cột truyền hình tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bị gãy đổ; 1.142 cột điện hạ thế bị đổ gãy; 1.703 cột điện hạ thế bị nghiêng; 4 tàu bị chìm ở Quảng Ngãi; 5 ghe máy bị chìm ở Huế.

Ngoài ra bão số 10 cũng gây hàng loạt sự cố cho hệ thống đê điều, cụ thể:

Đê Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị sạt một đoạn dài 50m, nước tràn vào đồng.

Vỡ đê biển Tả Nghèn, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh dài 25m và trôi cống Kho Muối.

Sạt lở đê biển Cẩm Hà – Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên dài 2.000m.

Đê biển huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định sóng đánh tràn qua mặt đê gây sạt lở mái phía đồng 2 đoạn dài 1.800m (xã Hải Hòa: 600m; xã Hải Thịnh: 1.200m). Hiện nay tỉnh Nam Định đang huy động lực lượng trải bạt gia cố mái phía đồng.

Sập hệ thống đóng mở cống Đồng Màu, đê hữu sông Mã, xã Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Hiện địa phương đang huy động các lực lượng, phương tiện để xử lý.

Video: Bão số 10 gây vỡ đê ở Hà Tĩnh, nước sông đang dâng cao

Để đối phó với tình hình mưa lũ và khắc phục những thiệt hại nặng nề do bão số 10 gây ra, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu:

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ hoàn lưu bão số 10 nhất là tình hình mưa lũ gây ra  sau bão. Tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại, huy động lực lượng, hỗ trợ dân sửa chữa nhà cửa ổn định dân sinh, kiên quyết không để dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.

Huy động lực lượng khẩn trương xử lý các sự cố về đê điều; khôi phục hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc; thu dọn cây bị đổ, gẫy, san gạt đất đá sạt lở đảm bảo an toàn giao thông; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh phát sinh.

Kiểm tra rà soát các trọng điểm xung yếu về lũ quét, sạt lở đất để kịp thời di dời dân đến nơi an toàn đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Các lực lượng quản lý hồ chứa, đê điều theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình nhất là tại những trọng điểm xung yếu đã tích đầy nước, những công trình đang thi công, sửa chữa dở dang, những hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý, xử lý kịp thời các sự cố đảm bảo an toàn công trình.

Chỉ đạo vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện, hồ chứa thủy lợi, xả lũ theo đúng quy trình vận hành để đảm bảo an toàn công trình, hạn chế ngập lụt khu vực hạ du. 

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến mưa lũ, công tác khắc phục hậu quả và phổ biến các kỹ năng phòng tránh, khôi phục để người dân chủ động thực hiện giảm thiểu thiệt hại.

Phúc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn