Xã hội hoá cảng hàng không, sân bay: Chuyên gia kinh tế nói gì?

Thời sựThứ Năm, 09/04/2015 01:30:00 +07:00

Tiến sỹ Lương Hoài Nam cho rằng khi xã hội hóa cảng hàng không rủi ro về định giá và độc quyền là có.

(VTC News) - Tiến sỹ Lương Hoài Nam cho rằng khi xã hội hóa cảng hàng không, sân bay những vấn đề như an ninh quốc phòng, an toàn hàng không, quản lý nhà nước sẽ không bị ảnh hưởng; còn rủi ro về định giá và độc quyền là có.

Thời gian qua, việc xã hội hóa cảng hàng không, sân bay nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư và dư luận. Tuy nhiên, việc thực hiện xã hội hóa còn rất nhiều vấn đề cần đặc biết chú ý để được tiến hành minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh công bằng và tránh độc quyền.

Với sức hút của ngành hàng không, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và nhiều nhà đầu tư tài chính khác đã có đề xuất được mua lại hạ tầng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, nhà ga T1-Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng...

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, khẳng định việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay là việc rất cần thiết để bổ sung nguồn lực, chia sẻ rủi ro, tăng hiệu quả hoạt động bởi sở hữu tư nhân thường hiệu quả hơn sở hữu nhà nước.

 Quang cảnh sân bay Nội Bài

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, việc nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ 3 nguyên tắc sống còn là minh bạch, giám sát và tạo áp lực cạnh tranh.

Bởi theo lý giải của chuyên gia này, sự công khai minh bạch sẽ giúp thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực. Đồng thời, việc giám sát hoạt động này cần sự tham gia của các đơn vị độc lập để đảm bảo sự khách quan. Ông Thành lưu ý về vấn đề cạnh tranh trong xã hội hóa cảng hàng không sân bay cần có những chuẩn mực tối thiểu dựa trên phản ứng của thị trường và can thiệp của Nhà nước. 

Theo ông Thành, sở hữu tư nhân là một điều kiện cần giúp đầu tư và/hoặc quản lý dự án hiệu quả hơn, song chưa đủ do đó rất cần phải đảm bảo cạnh tranh, hạn chế và tránh độc quyền bởi chỉ có cạnh tranh và chịu áp lực cạnh tranh thì lợi ích của người tiêu dùng mới được đảm bảo tốt nhất và nguồn lực mới được phân bổ hiệu quả nhất và có cạnh tranh thì mới chọn được đối tác tốt, nhà đầu tư tốt, doanh nghiệp tốt.

Ông Thành đánh giá nếu ví thị trường như một “sân chơi” thì “sân chơi” đó nếu có rất nhiều “người chơi” cùng thông tin đầy đủ, khi đó rất tự nhiên sẽ có cạnh tranh. Trong trường hợp “sân chơi” chỉ có một hoặc rất ít “người chơi”, thì phải biết tạo áp lực cạnh tranh bằng các quy định điều tiết minh bạch, rõ ràng.

Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, do một số điều kiện đặc thù như vị trí địa lý, thì tính độc quyền ở đó có thể rất cao. Nếu không tạo ra được áp lực cạnh tranh thì người tiêu dùng sẽ bị thiệt thòi, việc phân bổ nguồn lực không hiệu quả.

Video sự cố ngành hàng không:

Áp lực cạnh tranh không chỉ bao gồm yếu tố thị trường, từ phía doanh nghiệp mà còn ở chính sách điều hành nữa. Tuy nhiên, cái khéo của chính sách phải là tạo ra được áp lực cạnh tranh phù hợp.

Để làm được điều này, việc xây dựng chính sách phải có sự khảo sát kỹ càng, vì doanh nghiệp một cách thích hợp. Khi đó, doanh nghiệp có năng lực sẽ vươn lên được, dần dần tạo ra nền tảng phát triển bền vững, còn trái lại sẽ phải chấp nhận bị đào thải.

Nêu quan điểm về vấn đề xã hội hóa cảng hàng không, sân bay, ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng khi xác định giá trị chuyển nhượng quyền khai thác thương mại tài sản nhà nước, cần phải tuân theo nguyên tắc cơ bản đầu tiên là đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Ông Phước cũng nói thêm,nhà nước cần phải tính thêm yếu tố thời hạn chuyển nhượng, bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc cân đối giữa tạo cơ chế thu hút đầu tư và đảm bảo khả năng sinh lời của tài sản thuộc sở hữu Nhà nước.

Trong khi đó, Tiến sỹ Lương Hoài Nam cho rằng khi xã hội hóa, những vấn đề như an ninh quốc phòng, an toàn hàng không, quản lý nhà nước sẽ không bị ảnh hưởng; còn rủi ro về định giá và độc quyền là có. 

Ông Nam đưa ra 3 kiến nghị khi tiến hành xã hội hóa. Thứ nhất, xây dựng trình tự, thủ tục mở đóng sân bay chuyên dùng phục vụ hàng không chung trên tinh thần cởi mở, khuyến khích đầu tư. Thứ hai, quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục thuê quản lý, cho thuê, nhượng quyền, bán sân bay địa phương và một số hạng mục công trình dịch vụ của CHK, sân bay trung ương, bảo đảm yêu cầu duy trì quản lý nhà nước hữu hiệu. Thứ ba, ban hành cơ chế, chính sách kiểm soát hữu hiệu giá, phí độc quyền.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn