Vũ Văn Minh và Tân Hiệp Phát: Câu chuyện đạo đức hay bài học pháp luật?

Pháp luậtThứ Sáu, 18/12/2015 07:34:00 +07:00

(VTC News) - Vụ việc "chai nước ngọt có ruồi" là một vụ việc gây nhiều tranh cãi, cả về khía cạnh pháp lý, áp dụng pháp luật và đạo đức trong kinh doanh.

(VTC News) - Vụ việc "chai nước ngọt có ruồi" là một vụ việc gây nhiều tranh cãi, cả về khía cạnh pháp lý, áp dụng pháp luật và đạo đức trong kinh doanh.

Dưới góc độ pháp lý thì phải tuân theo nguyên tắc: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý, không phân biệt người vi phạm là người giàu hay người nghèo; Ai vi phạm thì người đó sẽ bị xử lý; Hành vi vi phạm tới đâu thì xử lý đến đó...

Vì vậy, nếu Công ty Tân Hiệp Phát sản xuất hàng hóa không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì Công ty này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, hình thức xử lý sẽ phụ thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi vi phạm gây ra.


Tuy nhiên, việc quy kết trách nhiệm, xác định có sai phạm hay không, sai phạm đến đâu là thẩm quyền của cơ quan chuyên môn theo trình tự, thủ tục luật định.

Nếu công ty có vi phạm, không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì thiệt hại trước tiên sẽ là mất uy tín, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty, sau đó mới là câu chuyện trách nhiệm pháp lý.


Còn đối với vụ án Cưỡng đoạt tài sản mà anh Minh là bị cáo, còn công ty Tân Hiệp Phát là bên bị hại lại là một câu chuyện độc lập.

Vũ Văn Minh và Tân Hiệp Phát: Câu chuyện đạo đức hay bài học pháp luật?
Vũ Văn Minh và Tân Hiệp Phát: Câu chuyện đạo đức hay bài học pháp luật? 

Theo quy định pháp luật thì một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Đến nay, vụ án chưa được xét xử nên anh Minh vẫn được coi là người chưa có tội.

Các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thu thập chứng cứ, làm sáng tỏ nội dung vụ án để kết luận là anh Minh có tội hay không.


Hiện nay, anh Minh bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự, với số tiền cưỡng đoạt là 500 triệu đồng thì hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Theo đó, Điều 135 Bộ luật hình sự quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù...


Vì vậy, để kết tội anh Minh thì tòa án cần có chứng cứ chứng minh là anh Minh đã "đe dọa", uy hiếp tinh thần của người có chức vụ trong công ty này để chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin mà báo chí đã đưa thì anh Minh yêu cầu Công ty này phải trả 1 tỷ đồng, sau đó rút xuống là 500 triệu đồng với lời tuyên bố là sẽ “thưa ra Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đưa lên báo chí, in 5.000 tờ rơi để phát nhằm làm mất uy tín công ty”...

Cơ quan công an đã căn cứ vào nội dung đe dọa đó để khởi tố và viện kiểm sát đã truy tố anh Minh về tội cưỡng đoạt tài sản.


Nếu “con ruồi” đó là có thật trong chai nước, việc Công ty có sản phẩm lỗi như vậy gây thiệt hại tới sức khỏe, tài sản của khách hàng thì khách hàng có quyền yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại. Thủ tục yêu cầu là thương lượng, trung gian hòa giải hoặc khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Trong quá trình thực hiện thủ tục trên thì phải trên cơ sở “tự nguyện”, tự do thương lượng… Thiệt hại mà công ty phải bồi thường là mức thiệt hại thực tế phát sinh trên cơ sở chứng cứ mà người bị hại cung cấp. Nếu anh Minh lựa chọn cách ứng xử đó thì phù hợp với pháp luật và pháp luật khuyến khích, pháp luật bảo vệ.


Ngược lại, trong hệ thống pháp luật Việt Nam có nhiều ngành luật cùng bảo vệ quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản như luật dân sự, luật hình sự. Nhưng luật pháp hiện hành cũng ngăn cấm việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản một cách trái pháp luật.

Hành vi gian dối, lén lút, công nhiên hoặc uy hiếp tinh thần… của người khác nhằm chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này, sang chủ thể khác (không tự do ý chí, không tự nguyện trong giao dịch..) là những hành vi trái pháp luật.


Theo thông tin ở trên thì anh Minh không lựa chọn hành vi ứng xử theo quy định pháp luật mà lại có hành vi “tự xử”, mang tính uy hiếp tới doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản (nếu không thì sẽ thế này, thì sẽ thế khác, gây thiệt hại tới tài sản của công ty để buộc công ty phải đưa tiền cho anh Minh).

Cụ thể, nếu Tân Hiệp Phát không đồng ý thì ông Minh đã đe dọa sẽ “thưa ra Ban bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đưa lên báo chí, in 5.000 tờ rơi để phát nhằm làm mất uy tín công ty”.

Anh Minh đã đe dọa là thực hiện nhiều hành vi, trong đó có cả những hành vi mà pháp luật không cho phép nhằm gây thiệt hại cho công ty để buộc công ty này phải đưa tiền cho anh Minh, những hành vi này là sai phạm, là căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố anh này về tội cưỡng đoạt tài sản.

Tuy nhiên, anh Minh và người bào chữa cho anh Minh có thể sẽ lập luận là việc anh Minh nói "sẽ thế này... sẽ thế kia" nếu công ty không đưa tiền chỉ là những đề nghị, những thỏa thuận dân sự nên không thể xử lý hình sự đối với anh Minh.

Việc kết luận là anh Minh có uy hiếp tinh thần của lãnh đạo công ty này hay không, có mục đích chiếm đoạt tài sản của công ty hay không sẽ căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa tới đây. Trong đó "con ruồi" chỉ là cái cớ chứ không phải là "nguyên nhân" câu chuyện pháp đình này.

Việc anh Minh có tội hay không phụ thuộc vào việc anh ta có thủ đoạn gì uy hiếp tinh thần của lãnh đạo Công ty Tân Hiệp Phát hay không ? Hành vi uy hiếp đó có nhằm chiếm đoạt tài sản hay không.

Con ruồi có giá nửa tỷ đồng của Tân Hiệp Phát
Con ruồi có giá nửa tỷ đồng của Tân Hiệp Phát 

Nhiều người cho rằng điều luật quy định là uy hiếp tinh thần của "người" khác là thì người bị uy hiếp tinh thần phải là "cá nhân" thì mới xử lý được về tội cưỡng đoạt tài sản, còn uy hiếp tinh thần của pháp nhân thì pháp luật không xử lý. Quan điểm này là thiếu cơ sở pháp lý.

Tài sản của doanh nghiệp là tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp đó (thành viên, cổ đông...) nên tài sản này cũng được pháp luật bảo vệ, thậm chí bảo vệ bằng luật hình sự. Còn ý chí của pháp nhân thể hiện ở ý chí của người có thẩm quyền quyết định về tài chính của công ty này.


Nếu anh Minh truyền một thông điệp tới lãnh đạo công ty này với nội dung là: Các ông phải đưa tiền của công ty cho tôi, nếu không tôi sẽ phát tờ rơi, sẽ loan tin là công ty thế nọ, công ty thế kia... và công ty sẽ giảm doanh số, thiệt hại tới hoạt động sản xuất, giảm doanh thu thì hành vi này của anh Minh là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý.

Nếu anh Minh chỉ thỏa thuận mua bán lại chai nước bị lỗi hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại theo thủ tục luật định mà không thực hiện thêm hành vi nào mà pháp luật không cho phép nhằm chiếm đoạt tài sản của công ty (thứ tài sản mà đáng ra theo pháp luật mình sẽ không được hưởng) thì anh Minh mới không phạm tội.


Tội cưỡng đoạt tài sản là một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu quy định tại Chương XIV Bộ luật hình sự.

Dấu hiệu đặc thù của tội này là yếu tố đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người bị hại: “đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Chỉ cần có “hành vi” mà “mục đích” như vậy (thỏa mãn dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm) là cấu thành tội phạm theo tội danh này, không cần bị cáo phải lấy được tài sản từ phía bị hại, cũng không cần số tiền định chiếm đoạt có đủ 2 triệu đồng hay không.


Việc nguyên nhân, lý do để đe dọa, uy hiếp tinh thần là gì không phải là căn cứ kết tội, không phải là dấu hiệu cấu thành tội phạm, chỉ có mục đích thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản mới là căn cứ kết tội.

Vì vậy, trong câu chuyện này "con ruồi" chỉ là cái cớ, trong chai nước là “con ruồi” hay con gì, có ruồi hay không đều không quan trọng, không phải là căn cứ để xác định quan hệ pháp luật.

Vấn đề ở chỗ anh Minh có hành vi nào có tính chất uy hiếp, đe dọa gây hại cho Công ty Tân Hiệp Phát hay không, những nội dung lời nói có tính chất đe dọa, uy hiếp của anh Minh có nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của công ty hay không (nhận số tài sản mà đáng ra mình không được hưởng).


Dư luận quan tâm nhiều tới câu chuyện này có lẽ cũng muốn biết về chất lượng sản phẩm của công ty này và tâm lý muốn bênh vực "kẻ yếu". Trong mối quan hệ này thì anh Minh là "kẻ yếu" nên sẽ được sự ủng hộ, thương cảm của nhiều người.

Tuy nhiên, trong quan hệ pháp luật thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu anh Minh có hành vi đe dọa, uy hiếp công ty nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của công ty này thì dù anh Minh có nghèo tới mấy, Công ty có giàu có đến đâu thì anh Minh vẫn bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật hình sự.


Hiện nay, vụ án chuẩn bị được xét xử nên vụ việc sẽ được làm sáng tỏ tại phiên tòa tới đây. Căn cứ vào phần xét hỏi, tranh luận công khai và căn cứ vào các tình tiết chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, tòa án sẽ xác định hành vi của anh Minh có là hành vi "đe dọa, uy hiếp" hay không và hành vi này có nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hay không để xác định anh Minh có tội hay bị truy tố oan sai.

Qua câu chuyện này có thể rút ra bài học sâu sắc cho nhiều người là trong quan hệ dân sự, kinh doanh thương mại thì pháp luật khuyến khích việc thỏa thuận, thương lượng giữa các bên để giải quyết tranh chấp.

Việc thương lượng, thỏa thuận phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, tránh việc sử dụng những hành vi có tính chất uy hiếp, đe dọa người khác để đạt được mục đích của việc thương lượng. Hành vi đe dọa, uy hiếp người khác để người khác phải bàn giao tài sản của họ cho mình là hành vi vi phạm pháp luật.


Trong quan hệ dân sự, nếu không thương lượng được thì một trong các bên có thể khởi kiện tới tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chứ không được phép "tự xử" làm ảnh hưởng tới quyền lợi của chủ thể khác, gây mất ổn định trật tự xã hội.

Pháp luật sẽ xử lý những ai tự lựa chọn cho mình cách hành xử trái luật để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Vì vậy, chúng ta cần tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả hơn nữa để người dân hiểu và thực hiện cho đúng các quy định của pháp luật, tránh trường hợp vướng vào lao lý mới biết là mình đã vi phạm pháp luật.

Tuấn Nam
Bình luận
vtcnews.vn