VTC16 phía Nam, chuyện những người mở đường

Tổng hợpThứ Tư, 29/08/2012 09:29:00 +07:00

Những người mang nhiệm vụ “mở đường” đã vất vả, khó khăn thế nào để tác nghiệp trong điều kiện thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến điều kiện sinh hoạt.

Bây giờ VTC16 đã có một đội ngũ phóng viên thường trú phía Nam với văn phòng và điều kiện làm việc tương đối ổn định. Nhưng ít ai biết được rằng, chỉ cách đó một năm thôi, những người mang nhiệm vụ “mở đường” đã vất vả, khó khăn thế nào để tác nghiệp trong điều kiện thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến điều kiện sinh hoạt.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Hiện đang làm ở phòng chuyên đề tại Hà Nội nhưng Trần Văn Dương vẫn nhớ mãi những ngày đầu xung phong vào miền
Nam xây dựng văn phòng phía Nam. Khi ấy, văn phòng chỉ rộng có 12m2, mượn của Bộ thông tin truyền thông. Sau khi kê 3 cái bàn, vài cái ghế và máy móc thì chỉ còn đủ chỗ cho mọi người ngồi xuống, đứng lên vặn lưng cho… đỡ mỏi.

Hôm nào họp giao ban là anh em thay nhau kẻ đứng, người ngồi. Ghế cũng phải đi mượn, hễ hôm nào bị đòi thì đành phải đứng. Đến Internet cũng phải dùng nhờ.

 
Ấy là vào giữa năm 2010, cả văn phòng có cả thảy 10 người bao gồm 3 quay phim, 5 BTV và 2 hành chính. Lúc đó, máy quay chỉ có 2 cái còn lại phải đi thuê máy bên ngoài, rất vất vả và tốn kém. Để đi tác nghiệp, phóng viên phải di chuyển khá xa trong khi xe của kênh chỉ có duy nhất một cái. Đến cuối năm 2010 có thêm một xe và hiện tại là 3 xe.

Ngày thiếu xe để đi các tỉnh tác nghiệp, phóng viên phải đi bằng xe đò, nếu có đi đâu thì cũng phải đi dài ngày để tranh thủ quay nhiều số tiết kiệm công sức, tiền bạc và thời gian. Địa hình ở các tỉnh miền Nam và Tây Nam Bộ nhiều sông nước nên chỉ di chuyển từ điểm quay này sang điểm quay khác nhiều khi cũng phải đi bằng đủ loại phương tiện từ xe ôm, ghe, hay đi bộ qua cầu treo.

Bản thân anh lái xe vì là “của quý, của hiếm” nên cũng là người vất vả nhất, làm việc hết sức lực, không có cả ngày nghỉ để đưa đón, chờ đợi các phóng viên trong lúc họ đi làm nhiệm vụ.

Giai đoạn tháng 9/2010 đến tháng 6/2011 được coi là giai đoạn khó khăn nhất của văn phòng VTC16 thường trú tại phía
Nam. Cơ sở vật chất thiếu thốn đã đành, nhân sự cũng thiếu trầm trọng. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiệm vụ của những người “mở đường” là tuyển thêm các phóng viên tại miền Nam. Hầu hết họ đều là những người mới ra trường, lại không có điều kiện để tìm hiểu và được rèn luyện trong môi trường tại trụ sở chính nên mất nhiều thời gian để học hỏi và va chạm thực tế.

 
Nên phóng viên cũ- mới vừa dìu dắt lẫn nhau vừa tự mình lăn lộn để trải nghiệm, tự an ủi nhau rằng xét cho cùng càng khó khăn, càng thiếu thốn sẽ càng nhanh chóng cứng cáp, trưởng thành. Các cụ có câu “lửa thử vàng, gian nan thử sức” có bao giờ sai đâu.

Điều đáng nói nhất ở đây có lẽ là sự cố gắng của các phóng viên. Nguyễn Mạnh Tuấn, sinh viên, sinh năm 1988, là kỹ sư Điện tử và Thông tin liên lạc khi vào VTC16 mới chỉ là sinh viên thực tập phòng kỹ thuật. Nhưng rồi, vì thích làm truyền hình nên “mon men” xin đi theo làm chân lon ton bê máy cho các anh chị phóng viên đi trước để được học hỏi. Từ chỗ là dân ngoại đạo, phải học lỏm, dò dẫm đọc tài liệu cho đến học cách dựng ra sao, nhưng đến bây giờ, Tuấn đã là một trong những phóng viên năng nổ trên “chiến trường miền Nam” hay ít ra, cũng đã có cơ hội “đi một ngày đàng học một sàng khôn” để vất vả hơn, lặn lội hơn nhưng cũng hiểu hơn về nghề truyền hình.

Tuấn tâm sự: “Nếu cứ ngồi một chỗ sẽ cảm thấy mình vô dụng. Tôi muốn làm việc gì đó có ích, vì vậy lúc nào rảnh tôi thường xin thêm chương trình để làm. Mục tiêu là đi hết tất cả các tỉnh miền
Nam, miền Tây trong thời gian còn đang công tác ở đây”.

Thiếu thốn vất vả vẫn lấp lánh niềm vui

Nhìn khuôn mặt trắng trẻo, thư sinh, nói năng nhỏ nhẹ, không ai nghĩ trong môi trường mới- nơi mọi thứ đều thiếu thốn khó khăn, anh chàng này có thể dễ chấp nhận và thích nghi để đảm đương công việc nhưng hóa ra không phải. Trong câu chuyện của Tuấn, những kỷ niệm trong lúc tác nghiệp dù vất vả, thiếu thốn nhưng vẫn lấp lánh niềm vui.

 
“Tôi đã có nhiều kỷ niệm rất vui”, Tuấn  tâm sự.  “Đó là lần về làng nghề làm nón ở Bình Định, trong đó có phân cảnh ghi hình chủ nhà phơi lá ra sương. Các làng quê ở miền Tây nghèo lắm, tiết kiệm điện người ta chỉ dùng những ngọn đèn neon, không đủ sáng cho cảnh quay. Trong khi ấy, đèn chiếu mang theo bị hỏng, mấy anh em đành dùng đèn pin để khắc phục. Nhưng nếu dùng đèn chiếu trực tiếp thì bị lộ. Trong cái khó ló cái khôn, một trong những phóng viên của chúng tôi đã nghĩ ra cách đứng ở góc nhà, dùng rổ úp lên 2 chiếc đèn pin để tán ánh sáng cho đều. Cũng trong lần ấy làm chương trình về Võ Bình Định, phóng viên cũng phải trèo lên cây để làm nhiệm vụ… ánh sáng”, Tuấn vừa cười vừa nói.

Tuấn là lớp phóng viên vào Nam sau Trần Văn Dương, Giang Hải, Trần Mừng… Do vậy, khi vào đây, điều kiện sinh hoạt và làm việc đã phần nào được cải thiện hơn. Trần Văn Dương kể, ngày đầu chúng tôi vào đây mọi thứ phải đi thuê. Ba, bốn tháng đầu chúng tôi cũng phải đi thuê nhà và sống cuộc sống sinh viên như cách đây mấy năm về trước. Ăn uống thì tạm bợ. Bình thường chúng tôi ăn cơm bụi ở ngoài, còn không thì ăn mì tôm.

Tôi còn nhớ, hồi đầu vào chỉ có mấy anh em mua cả thùng mì tôm về ăn dần. Có những hôm 8 giờ tối mới về đến nhà, có bát ngâm mì tôm vào bát, không có bát thì ngâm mì vào cốc uống nước. Bữa nào có phóng viên mới từ Bắc gửi vào thì mời anh em qua bên kia cầu ăn bát phở. ”Tuy vậy vẫn có tiền uống bia”, Dương cười. Tuy nhiên, cái “thiệt thòi” lớn nhất đối với Dương ấy là, “vì thiếu thốn vật chất nên nhiều khi chúng tôi phải hy sinh đề tài, ưu tiên cho những đề tài dễ tiếp cận làm trước”.

 
Bù lại, các tỉnh miền
Nam, Tây Nam Bộ là vựa lúa lớn nhất nước. Các tỉnh miền Nam, miền Tây cũng có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Cho nên, đề tài về nông nghiệp, nông thôn ở đây cũng rất đa dạng, phong phú. Đặc biệt, nông dân ở đây dễ gần, cởi mở và chân thành cho nên phóng viên tác nghiệp lạ nước lạ cái nhưng luôn được bà con “nâng đỡ”. Dương kể: Có lần một người nông dân bỏ lại trên bờ cả tấn lúa để chở chúng tôi đi tác nghiệp.

Tôi là người theo đạo, Noel đầu tiên ở miền
Nam chỉ có một mình rất buồn. Hồi ấy, nhà trọ của chúng tôi ở cạnh một con sông. Hai bên bờ sông bà con nô nức chuẩn bị Noel. Khi đó, mình có một mình, chả có đồng nào trong túi đành tần ngần đứng ngắm nghía từ xa. Bà con thấy nên mời vào nhà chơi.

Cả đêm ấy, tôi được uống bia, hát karaoke cả đêm vui ngất trời. May quá, vì không bị bỏ rơi”. Tuấn cũng khoe, “đi tác nghiệp ở đây được bà con chiêu đãi cua, ghẹ, tôm và cả rượu nữa… Càng ở gần với bà con, càng hiểu tính cách, cuộc sống và tập tục của họ”.

Đối với những người mở đường, có lẽ không gì quý hơn nếu được “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì miền
Nam, Tây Nam bộ là vựa nông nghiệp lớn thuận lợi cho việc tìm đề tài hay. Sự nhiệt tình và cởi mở của bà con vừa là nguồn động viên tinh thần vừa giúp cho phóng viên nhanh chóng triển khai đề tài. Phần còn lại, những khó khăn, thử thách ở đâu cũng có, dưới hình thức này hay hình thức khác phụ thuộc vào bản lĩnh của các phóng viên.

Hiện tại, văn phòng phía Nam đã có 30 người, có 3 xe, 4 máy quay và chỗ ở mới, văn phòng mới rộng rãi hơn. So với thời gian đầu thì bộ máy tổ chức đã ổn định, chỗ ở và điều kiện làm việc cho phóng viên đã dần tốt lên. Có lẽ, không có minh chứng nào rõ nét hơn cho sự nỗ lực và bản lĩnh của những con người VTC16 bằng những con số này. Và những người “mở đường”, họ có quyền tự hào vì những gì mình đã làm được.

Tuấn Minh

Bình luận
vtcnews.vn