VPF chuyển thành công ty TNHH: Vì sao và như thế nào ?

Thể thaoThứ Bảy, 22/10/2011 02:00:00 +07:00

Một thay đổi quan trọng của đề án VPF là chuyển đổi mô hình công ty Cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn để phù hợp hơn với sự phát triển.

Một thay đổi quan trọng của đề án VPF là chuyển đổi mô hình công ty Cổ phần sang công ty trách nhiệm hữu hạn để phù hợp hơn với sự phát triển, đồng thời tên gọi V.League SJC cũng được chuyển thành Cty TNHH BĐCN Việt Nam (V.League Co. Ltd). Tại sao VFF lại phải đưa ra thay đổi này và sẽ tác động ra sao?

Có rất nhiều lý do để VFF phải thay đổi mô hình công ty Cổ phần.

Thứ nhất, nếu duy trì mô hình này thì không thể khống chế được việc chuyển đổi cổ phần giữa các cổ đông với nhau cũng như chuyển nhượng cổ phiếu ra ngoài. Nếu điều này xảy ra thì có thể một khoản không nhỏ cổ phần sẽ rơi vào tay những cá nhân bên ngoài và khi đó không rõ V.League sẽ trôi về đâu. Trong khi đó, nếu VPF chuyển thành công ty TNHH thì việc chuyển nhượng này có thể được khống chế.

Còn rất nhiều vấn đề VFF và các CLB phải ngồi lại với nhau để giải quyết (Ảnh: Quang Minh)

Thứ hai, trong quá trình gia nhập WTO, Việt Nam buộc phải thực hiện một số cam kết và một trong số đó là thay đổi Luật doanh nghiệp cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó, trong các công ty cổ phần thì chỉ cần 51% ủng hộ là quyết định có thể được thông qua. Như vậy, nếu muốn duy trì mô hình công ty cổ phần thì số vốn của VFF phải nâng lên 50% mới đảm bảo quyền phủ quyết. Như vậy, phần bánh còn lại của các CLB sẽ chỉ còn rất nhỏ. Trong khi đó, với công ty TNHH thì các quyết định vẫn cần sự thống nhất của 65% và con số này còn nâng lên 75% trong các quyết định quan trọng.

Thứ ba, theo quy định của Luật doanh nghiệp thì CP của cổ đông sáng lập bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian 3 năm. Trong khi đó, đặc thù của các giải bóng đá là phải có lên xuống hạng, tức là phải có chuyển nhượng cổ phiếu sau mỗi mùa giải. Do đó, nếu là cty CP thì khó có thể thực hiện được việc chuyển đổi này một cách dễ dàng như cty TNHH, trừ khi có sự chấp nhận của ĐH cổ đông.

Thứ tư, công ty TNHH cũng thuận lợi hơn trong việc huy động vốn từ bên ngoài thay vì bị hạn chế khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 đợt phát hành cổ phiếu là 6 tháng. Và cuối cùng, đó cũng là mô hình chung của các giải bóng đá trên thế giới và đã thành công.

Chất lượng và thành công của V-League sẽ do các CLB quyết định (Ảnh: Quang Minh)

Theo mô hình hiện nay, vốn điều lệ của VPF sẽ tăng lên thành 30 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ góp vốn của các bên: VFF đóng 35,4%, các CLB V.League 54,6% (3,9%/đội) và các CLB hạng Nhất 10% (1%). Cơ cấu này không cố định mà có thể thay đổi tùy theo số đội bóng tham dự giải. Chẳng hạn nếu 4 đội bóng chưa kịp chuyển đổi thành doanh nghiệp kịp hoàn tất các thủ tục để gia nhập hoặc tăng số lượng các đội dự giải V.League và hạng Nhất lên con số 16 thì phần vốn của VFF có thể giảm xuống, nhưng không được dưới mức 25%.

Theo lộ trình, lượng vốn của VFF có thể giảm dần xuống mức khoảng 25% để vẫn duy trì được quyền phủ quyết trong những vấn đề quan trọng. Như vậy, lượng cổ phần mà các CLB nắm có thể tăng đến 75%. Tức là tiếng nói của các CLB cũng tăng lên. Khi đó, giải đấu thành công hay thất bại sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các CLB.


Theo Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn