Việt Nam có bao nhiêu máy tính nhiễm mã độc tống tiền Wanna Cry?

Kinh tếThứ Hai, 15/05/2017 11:58:00 +07:00

Tính tới thời điểm hiện tại, con số máy tính bị nhiễm mã độc tống tiền Wanna Cry đã tăng lên gấp đôi; trong đó ở Việt Nam đã có hàng trăm máy tính...

Cơ quan an toàn thông tin của nhiều quốc gia đã có một tuần vô cùng bận rộn với nỗ lực ngăn chặn những tác động lây nhiễm mã độc tống tiền Wanna Cry người dùng.

Tốc độ gia tăng số lượng người dùng bị nhiễm mã độc đã chậm lại, song tất cả đều cho rằng, tình trạng sẽ bùng phát trở lại vào ngày hôm nay - khi mọi người đi làm trở lại.

 Theo con số thống kê mới nhất thì hiện đã có hơn 200.000 máy tính tại 150 quốc gia trên toàn thế giới đã bị lây nhiễm mã độc tống tiền này. 

Theo con số thống kê mới nhất thì hiện đã có hơn 200.000 máy tính tại 150 quốc gia trên toàn thế giới đã bị lây nhiễm mã độc tống tiền này.

Như vậy, con số máy tính bị nhiễm đã tăng gấp đôi so với sáng thứ Bảy, số lượng quốc gia có máy bị nhiễm cũng đã tăng gấp rưỡi.

Việt Nam cũng nằm trong danh sách quốc gia có máy tính bị nhiễm độc. Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính quốc gia (VNCERT) đã phát đi cảnh báo và hướng dẫn các doanh nghiệp cách phòng chống để khỏi nhiễm loại mã độc này.

Theo VTV, tính tới hết ngày hôm qua, Việt Nam đã có hơn 200 máy tính bị lây nhiễm virus tống tiền. Trong đó, đã xuất hiện nhiều trường hợp máy chủ của doanh nghiệp đã bị loại virus này thâm nhập.

Theo ghi nhận tại một công ty xuất khẩu, hợp đồng xuất khẩu lớn sang châu Âu sắp tới ngày, vậy mà, toàn bộ hệ thống máy tính của công lại đang bị nhiễm virus tống tiền. Các tài liệu quan trọng như danh sách khách hàng, hợp đồng xuất khẩu, báo cáo tài chính đều bị mất.

Giám đốc Công ty xuất khẩu này cho biết, hoạt động sẽ bị đình trệ vài ngày, vì phải cần thời gian để xin lại các đối tác dữ liệu. Mỗi ngày, doanh nghiệp thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

Dự kiến, họ sẽ phải bỏ ra khoảng 300 triệu tiền chuộc theo yêu cầu của tin tặc mà chưa rõ dữ  liệu có lấy lại được hay không. Doanh nghiệp đang phải tính phương án bỏ tiền chuộc lại dữ liệu, vì nếu chậm hợp đồng xuất khẩu sẽ bị phạt rất nặng.

Trong một động thái khác, Microsoft đang đổ lỗi cho Chính phủ Mỹ vì đã không chia sẻ thông tin về các lỗ hổng phần mềm, gián tiếp khiến cuộc tấn công trở nên có quy mô quá lớn như hiện nay.

Trong một bài blog đăng hôm qua, Chủ tịch Microsoft Brad Smith dường như ngầm thừa nhận những gì báo chí đã đăng tải - vụ tấn công ransomware đã sử dụng một công cụ hack, được xây dựng bởi Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, bị rò rỉ trực tuyến vào tháng trước.

Ông này cũng bày tỏ mong muốn rằng, Chính phủ Mỹ nên cân bằng các mục tiêu của họ, giữa việc xây dựng các công cụ hack, tìm kiếm những lỗ hổng để phục vụ hoạt động gián điệp và chiến tranh mạng với việc chia sẻ chúng ở mức độ nào đó với các hãng công nghệ để bảo vệ tốt hơn cho internet, tránh những cuộc tấn công khủng khiếp như Wanacryp.

Video: Những vụ tấn công mạng gây chấn động thế giới

P.V
Bình luận
vtcnews.vn