Viễn thông Việt Nam: Năm không yên lành

Tổng hợpThứ Sáu, 22/04/2011 01:37:00 +07:00

(VTC News) – VTC2 sẽ phát sóng trực tiếp chương trình Nhân vật sự kiện Thông tin và Truyền thông với chủ đề “Viễn thông Việt Nam và một năm không yên lành?".

(VTC News) – 9h sáng chủ nhật (24/04), VTC2 sẽ phát sóng trực tiếp chương trình Nhân vật sự kiện Thông tin và Truyền thông với chủ đề “Viễn thông Việt Nam và một năm không yên lành?”.

Sáp nhập hay cổ phần hóa?

Thị trường viễn thông Việt Nam đang chứng kiến rất nhiều những chuyển động mới, lạc quan có, bi quan có. Từ thương vụ mua bán sáp nhập giữa EVN Telecom và FPT không thành đang đẩy EVN Telecom ngày càng trượt dài, sự lùng bùng trong mô hình hoạt động của Sfone đang làm cho nhà mạng này mất hàng triệu thuê bao.

 
Nhà mạng Beeline sau khởi đầu ấn tượng thì ngày càng hụt hơi, dù có được đầu số đẹp 099 nhưng lực hút thuê bao mới vẫn vô cùng khiêm tốn.

Đó là thực cảnh đầy lo ngại của những nhà mạng nhỏ. Còn những nhà mạng lớn cũng không tránh khỏi “ưu phiền”.

Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông có hiệu lực từ 1/6/2011 của Chính phủ quy định một Doanh nghiệp viễn thông không được sở hữu hoàn toàn 2 nhà mạng đang đẩy VNPT vào tình thế khó xử, hoặc phải sáp nhập Mobifone và Vinaphone, hoặc phải cổ phần hóa 1 trong 2 nhà mạng lớn này.

Bên cạnh đó, sự ra đời của các mạng di động ảo cũng vẫn còn là câu hỏi lớn…Tất cả những chuyển động trên ít nhiều đã tác động không nhỏ đến thị trường viễn thông Việt Nam. Phải chăng đây là năm không yên lành đối với viễn thông Việt Nam?

Trong chương trình sẽ đề cập tới những chính sách mới tác động lên VNPT. Tại Chương 2, Điều 3 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP có quy định: Một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ TT&TT quy định. Vô hình chung đã có những tác động lớn đến tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Đã đẩy VNPT vào tình thế khó xử, một là sát nhập hai mạng điện thoại di động Vinaphone và Mobifone, hai là phải cổ phần hóa một trong hai mạng. Đây đều là các giải pháp tác động lớn đến chính sách của VNPT trong thời gian tới.

Viettel được xem là “ngư ông đắc lợi” trong một loạt các thay đổi trên thị trường viễn thông. Hiện nay tập đoàn này đang xếp thứ 2 về doanh thu trong lĩnh vực CNTT-VT. Liệu sau biến chuyển tại VNPT, Viettel có trở thành tập đoàn CNTT-VT số 1 tại Việt Nam?

Doanh nghiệp viễn thông nhỏ … thụt lùi

Vậy cơ hội nào cho nhà mạng nhỏ trong thời gian tới. Hay đây chính là dấu hiệu đầu tiên cho sự sát nhập mạng điện thoại di động tại VN?

Vụ việc EVN Telecom thất bại sau thương vụ bán cổ phần cho FPT, liệu đây có phải là dấu chấm hết cho nhà mạng này?

Beeline đã tạo được dấu ấn với gói cước Big Zero ngay sau khi ra mắt tại VN. Tuy nhiên sau hơn hai năm nhà mạng này vẫn đang gặp những khó khăn nhất định. Gần đây nhà mạng này đã cố gắng quay trở lại với cuộc đua nhưng có vẻ vẫn chưa đủ để thu hút thuê bao. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Sfone sau vụ đầu tư của SK Telecom vẫn chưa cho thấy những động thái tích cực. Sfone cho biết, hiện này mạng này đã có được hơn 7 triệu thuê bao điện thoại di động. Tuy nhiên trên thực tế chỉ có hơn 1 triệu thuê bao. Những năm gần đây, nhà mạng này vẫn phát triển cầm cự qua ngày. Mới đây nhất Sfone được ngân hàng miền tây và Saigon tel dự định đầu tư mua đến 40 % cổ phần. Liệu đây có phải là làn gió mới thổi vào Sfone?

Cơ hội nào cho mạng di động ảo và các vụ sáp nhập mạng di động trên thế giới và xu hướng tại Việt Nam sẽ là những nội dung được đề cập trong chương trình.

Khách mời dự kiến gồm lãnh đạo Bộ TT-TT, đại diện Tập đoàn VNPT.

P.V

Bình luận
vtcnews.vn