Vị vua của NewYork (Phần 2)

Tổng hợpThứ Hai, 15/07/2013 03:14:00 +07:00

Ai Cập từng là một thành viên trong danh sách các quốc gia mà Washington có “quan hệ căng thẳng” từ năm 1967, năm xảy ra Cuộc Chiến Sáu Ngày.

“Mọi nơi đều lấp lánh ánh vàng”
Ai Cập từng là một thành viên trong danh sách các quốc gia mà Washington có “quan hệ căng thẳng” từ năm 1967, năm xảy ra Cuộc Chiến Sáu Ngày, một chương gây hổ thẹn trong lịch sử Ai Cập. Trong cuộc xung đột ấy, Israel đã có một chiến thắng chớp nhoáng và quyết định ở Ai Cập, chiếm lấy bán đảo Sinai và dải Gaza. Trong thời kì Chiến Tranh Lạnh, Israel là một đồng minh thân cận của Mỹ, Ai Cập là một đồng minh thân cận của Liên Bang Soviet, Ai Cập đã chấm dứt quan hệ ngoại giao với Mỹ, đại sứ quán Mỹ ở Cairo đã bị đóng cửa.
Mới chỉ sáu năm trước, Jacqueline Kennedy với tư cách là phu nhân tổng thống đã đứng cạnh ông Sarwat Okasha, bộ trưởng văn hóa của Ai Cập, trong lễ khai trương một cuộc triển lãm nhỏ ở Phòng Trưng Bày Quốc Gia, Washington về các mẫu vật ít quan trọng lấy từ ngôi mộ của Tutankhamun –mở màn cho cuộc triển lãm kéo dài hai năm diễn ra ở Mỹ và Canada. Năm 1972, một cuộc triển lãm về vua Tut có quy mô lớn hơn và hào nhoáng hơn diễn ra ở London, đặc biệt chú trọng đến chiếc mặt nạ bằng vàng nổi tiếng, được coi là cuộc triển lãm có nhiều khách tham quan nhất trong lịch sử của bảo tàng nước Anh với 1,6 triệu khách trong vòng hơn năm tháng. Về phần hai vị giám đốc hai bảo tàng nổi tiếng của Mỹ, Hoving và Brown, thì họ chỉ có thể ghen tị đứng nhìn cuộc triển lãm – bộ sưu tập những đồ chế tác về vua Tut này sẽ diễn ra theo lịch trình ở Liên Bang Soviet, đồng minh quân sự chính của Ai Cập, với các điểm dừng chân ở Moscow, Leningrad và Kiev.
Đối với Hoving, việc các kho báu của vua Tut ở ngoài tầm với của ông đã khiến ông vô cùng bất mãn vì trong bảo tàng Đô Thị mà ông cai quản có một bộ phận dành riêng cho nghệ thuật Ai Cập được lập ra vào năm 1906. Việc quan trọng nhất với Hoving là phải đoạt được các mẫu vật về vị vua Tutankhamun bởi vì vị pharaoh này có một chỗ đứng rất quan trọng trong lịch sử của bảo tàng Đô Thị. Khi lối dẫn vào ngôi mộ của vị vua nhỏ tuổi được phát hiện bởi nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter vào tháng 11 năm 1922, Harry Burton, một nhiếp ảnh gia hợp tác với bảo tàng Đô Thị đang làm việc ở gần đó, đã nhanh chóng đến địa điểm của Carter để lưu giữ lại những mẫu vật được khám phá. Con số 1400 bức ảnh mà Burton đã chụp được trong điều kiện không thuận lợi với trang bị cồng kềnh có chất lượng và nội dung đáng kinh ngạc, sau đó đã nổi danh trên toàn thế giới tương đương như một khám phá mới của Carter. 
Carter đã phải làm công việc đào bới, với nghĩa đen, hàng năm trời. Từ năm 1907, ông đã làm việc dưới sự bảo trợ của một nhà hảo tâm giàu có, Georg Herbert, Bá tước thứ năm trong dòng họ Carnarvon. 
Năm 1922, khi Carter 49 tuổi, ông lên đường khai quật lần nữa một phần đất ở Thung Lũng các vị Vua, nơi ông đã kiểm tra hai mùa trước và có vị trí ở gần mộ của Ramses VI, một vị pharaoh ở triều đại thứ 20 đã sống và qua đời gần 200 năm sau vua Tut. Lần khai quật đầu tiên của ngôi mộ này đã để lại một khu đất chất đầy sỏi đá vụn thời cổ và ở gần đó là một dãy nhà nhỏ dựng nên bởi những người xây ngôi mộ. Nhưng đến năm 1922 ông mới phát hiện thêm rằng những ngôi nhà nhỏ đó và đống sỏi đá của ngôi mộ Ramses VI có thể còn che giấu một ngôi mộ còn lâu đời hơn. Vào ngày 4 tháng 11, đội của Carter gồm những công nhân người Ai Cập trong lúc đang đào bới ở gần những ngôi nhà nhỏ đã phát hiện ra một đường cầu thang dẫn xuống dưới lòng đất, và ở điểm cuối của nó là một cánh cửa bị khóa.
Carter thấy sốt ruột, nhưng thay vì tiếp tục đào xới, ông kiên nhẫn ra lệnh lấp lại đường cầu thang sau đó báo tin cho người bảo trợ của mình, Bá tước Carnarvon. Vào 25 tháng 11, đáp ứng sự chờ đợi của Carnarvon và con gái ông, quý bà Evelyn, đội của Carter đã khai quật đường cầu thang một lần nữa. Cánh cửa ở dưới chân cầu thang mà đội đã phát hiện dẫn vào một lối đi đầy gạch đá vụn dài 7.6 mét, nó lại kết thúc với một cánh cửa khác nữa.
Ngày tiếp theo, 26 tháng 11 là ngày diễn ra cuộc đối thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử của ngành khảo cổ học. Carter với Carnarvon và quý bà Evelyn đứng phía sau ông, đã khoan một lỗ vào một góc trên của cánh cửa thứ hai và ngó qua chỗ đó với một ngọn nến để chiếu sáng không gian phía bên trong. Thứ mà ông đã chứng kiến khi mắt ông đã quen với ánh sáng mờ nhạt đã khiến ông ngạc nhiên đến mức không cất nên lời. Carnarvon, đang mất kiên nhẫn, cuối cùng đã nói, “Anh có nhìn thấy gì không?” Carter, lúc đó đang bị sốc như đang ở trong một giấc mơ, trả lời như thể đang được ban phước lành: “Có, những thứ tuyệt vời”.
Thứ ông đã nhìn thấy qua cái lỗ đó là một căn phòng chất đồ đạc bừa bãi, khiến ông liên tưởng đến một cái gara ôtô hay một cái nhà kho để lâu ngày với những đồ chế tác tinh xảo ở triều đại pharaoh thứ 18: như Carter miêu tả, “những con vật kì lạ, những bức tượng và vàng - mọi nơi đều lấp lánh ánh vàng.” Nơi này hóa ra lại là một căn phòng ở phía trước ngôi mộ, nơi mà những người chôn cất vua Tutankhamun đã lấp đầy với những đồ vật trong cuộc đời của ông: những cái giường, giỏ, tượng đá, trò chơi, vũ khí, những chiếc bánh xe ngựa. Người ta đã phải mất vài tuần lễ để tháo rời, lên danh sách và lưu trữ những mẫu vật ở trong căn phòng đó. Một căn phòng nhỏ hơn ở cách biệt với nó mà Carter gọi là phòng thêm được phát hiện là có chứa một đống đồ vật tương tự. Đến tháng 2 năm 1923, Carter và đội của ông mới mở đường qua cánh cửa thứ hai ở cách biệt với căn phòng phía trước ngôi mộ, thứ dẫn đến phòng chôn cất của vua Tut.
Một năm nữa trôi qua, Carter tiếp tục công việc một cách kiên nhẫn và tỉ mỉ, ra lệnh mở nắp những chiếc hòm đựng thánh cốt, những chiếc quan tài. Carter được chứng kiến lần đầu tiên cái mặt nạ bằng vàng và cơ thể đã khô xác, không còn nguyên vẹn của vua Tut. Việc đào xới mộ của vua Tut là phần còn lại trong sự nghiệp của Carter. Ông mất năm 1939, lúc 64 tuổi, sau khi giải nghệ và sống phần đời còn lại ở Anh. Bá tước Carnarvon không được may mắn như vậy. Vào đoạn cuối thời kì hoàng kim của ông và Carter 1922-23, ông bị muỗi đốt khi đang nghỉ ngơi trên một cái thuyền trên sông Nile. Ông qua đời ở Cairo do bệnh nhiễm trùng huyết viêm phổi vào ngày 5 tháng 4 năm 1923. Tin về cái chết của Carnarvon nhanh chóng lan ra khắp thế giới – và là một cơ sở cho nhiều lí thuyết đến tận ngày nay, rằng một “lời nguyền của xác ướp” sẽ làm hại những ai dám quấy rầy ngôi mộ của một vị pharaoh cổ xưa.

Từ Cuộc thỏa thuận thành công...
Vào tháng 6 năm 1974, Richard Nixon đã lên đường đến Ai Cập. Tại đây, ông đã được chào đón bởi những đám đông hô to “Yehya Nixon!” (“Nixon muôn năm”) 
Carter Brown rất quan tâm đến những dấu hiệu tốt lành giữa hai bên Mỹ và Ai Cập này.  Ông mong muốn từ lâu một buổi trưng bày về Tutankhamun ở Phòng Trưng Bày Quốc Gia. Vào tháng 1 năm 1974, trước khi hai nước thiết lập lại quan hệ ngoại giao và trước chuyến thăm Ai Cập của Nixon, Brown đã có một chuyến bay đến Cairo để trình bày ý tưởng của mình với Gamal Mokhtar. Mokhtar đã bị thuyết phục và Brown nhận ra rằng ông cần nhiều đối tác nữa ở các thành phố của Mỹ để hoàn thành cuộc thỏa thuận nên đã tìm tới Hoving. Hai vị giám đốc bảo tàng cuối cùng đã quyết định để Hoving phụ trách khía cạnh thương mại của dự án – lập danh sách, quảng bá sản phẩm, danh mục các cửa hàng bán đồ lưu niệm – và yêu cầu rằng cuộc triển lãm phải được khai mạc ở Phòng Trưng Bày Quốc Gia và kết thúc ở Bảo Tàng Đô Thị, bất kể ở bao nhiêu thành phố mà nó diễn ra. 
Vào ngày 11 tháng 6, ngày cuối cùng mà Nixon ở Ai Cập, ông ta và tổng thống Ai Cập Sadat đã lập một thỏa thuận chung rằng người dân Mỹ sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những kho báu của vua Tut ngay tại đất nước mình.
Lịch trình cho cuộc triển lãm “Những kho báu của Tutankhamun” là sẽ diễn ra tại 6 thành phố trong thời gian giữa tháng 11/1976 đến 4/1979: Washington, Chicago, New Orleans, Los Angeles, Seattle, và New York. 
Cuộc đàm phán giữa Hoving và Ai Cập để đoạt được các mẫu vật về vua Tut tuy kéo dài nhưng đã thành công như mong đợi: Ai Cập sẽ nhận được 100% lợi nhuận từ tất cả những lần bán hàng lưu niệm với các sản phẩm như là sách, giấy dán poster, các bản sao, đồ trang sức v.v. trong suốt thời gian triển lãm ở nước Mỹ. Đó là một món hời cho phía Ai Cập với khoản tiền tối thiểu là 2.6 triệu đô la lợi tức từ buổi triển lãm – lượng tiền được ghi nhận lần cuối cùng sẽ còn lớn hơn gấp đôi lượng vừa nêu – và cũng là một món hời cho Bảo Tàng Đô Thị, sau buổi triển lãm sẽ được độc quyền lưu giữ vĩnh viễn những sản phẩm về Ai Cập được trưng bày trong buổi triển lãm.

đến Một cú đánh quyết định 
Cuộc triển lãm về vua Tut có quy mô vật chất khá khiêm tốn nhưng hiện tượng về vua Tut lại có quy mô lớn một cách đáng ngạc nhiên. Cuộc triển lãm chỉ trưng bày tất cả là 55 đồ vật và phần lớn có kích thước nhỏ. 
Trong số 55 đồ vật mà Bảo Tàng Đô Thị lựa chọn, có 18 đồ vật chưa từng được thấy ngoài Ai Cập. Một mẫu vật mà Hoving ưa thích là bức tượng bằng gỗ mạ vàng của nữ thần Selket, thứ đã canh gác chiếc hòm đựng các cơ quan nội tạng của vua Tut hay cái hòm đựng thánh cốt kiểu Ai Cập: nữ thần được trưng bày trong một tư thế duyên dáng, gần như khêu gợi trong một vỏ bọc trong suốt trải dọc theo bờ vai và bó chặt vào cơ thể của bà, phơi bày đến từng chi tiết hình dáng của bộ ngực, vết lõm ở vùng rốn và chiếc bụng hơi phồng, biểu hiện cho sự sinh sôi. 
Những chuyên gia về đồ cổ Ai Cập tin rằng nữ thần Selket cùng với ba nữ thần hộ vệ khác đã được gắn liền với cái hòm đựng thánh cốt và tất cả đều được trạm khắc trên cùng một khối gỗ lớn. Tuy nhiên Hoving cho rằng các bức tượng nữ thần đó có thể tách rời được và mỗi bức được gắn chặt vào đáy hòm đựng thánh cốt bằng một loại chốt nào đó ở cạnh bàn chân. Peter Solmssen, cố vấn nghệ thuật ở Bộ Ngoại Giao Mĩ vào đầu những năm 1970 đã có mặt trong lúc Hoving – với lòng can đảm và nguy cơ làm hư hại một kho báu quý giá, điều mà có thể gây nên một sự cố về ngoại giao – đeo găng tay màu trắng và vòng xung quanh bức tượng Selket, “rồi lắc nó một cách nhẹ nhàng”, Solmssen kể lại, “và rồi ông ta đã lấy được bức tượng Selket”. Sau này Hoving giải thích với Solmssen rằng ông đã tin bức tượng thần Selket có thể được vận chuyển một cách độc lập bởi vì ông đã chú ý quan sát một chi tiết: khi ở bảo tàng Ai Cập thì mặt các bức tượng nữ thần đều hướng từ hòm thánh cốt ra bên ngoài, trong khi ở những bức ảnh chụp cũ của Harry Burton thì mặt các bức tượng đều hướng vào bên trong. Ai đó đã nhấc lên và thay đổi vị trí của các bức tượng từ trước.
Tháng 8 năm 1976, đã đến lúc vận chuyển 55 mẫu vật từ Cairo đến cảng Alexandria nơi mà một tàu hải quân Mỹ, chiếc U.S.S. Milwaukee sẽ chở số hàng hóa đến Mỹ. 

“Bộ sưu tập Necrobilia”
Cuộc triển lãm “Những kho báu của Tutankhamun” đã khai mạc vào 15 tháng 11 năm 1976 tại một tiệc gala dinner ở Phòng Trưng Bày Quốc Gia.
Cuộc triển lãm đã diễn ra trong Phòng Trưng Bày Trung Tâm ở Tòa Nhà Phía Tây. Đó là một khu vực không có cửa sổ và Gil Ravenel, giám đốc thiết kế của bảo tàng, đã biến nó thành một không gian với ánh đèn chiếu lờ mờ giống như trong một ngôi mộ. Theo lời kể của Brown, Ravenel đã cho sơn những bức tường của căn phòng với màu xám “hòa hợp với màu bạc-brom” của những bức hình chụp phóng đại của Harry Burton vào những năm 1920, và “đó là một màu sắc tương phản thật hoàn hảo đối với các vật thể bằng vàng”.
Cuộc triển lãm đã diễn ra sôi động nhưng trong những tuần đầu tiên, người ta chỉ thấy những đám đông chứ không thấy những hàng dài khách tham quan. Khi dư luận về sự tuyệt vời của cuộc triển lãm lan truyền ra và nhờ sự tác động qua báo chí và truyền hình của tập đoàn Exxon, khách tham quan bảo tàng mới xếp hàng dài chờ đợi. Năm bảo tàng còn lại trong tổ hợp các nhà bảo tàng cũng chật cứng người xem. 
Bảo Tàng Đô Thị, điểm dừng chân cuối cùng, đã có nhiều thời gian lên kế hoạch. Tuy nhiên mọi kế hoạch đều không ngăn chặn được việc những đám đông vây chật kín những bậc thang của Bảo Tàng Đô Thị, chưa nói đến những khối người trải dài từ trong bảo tàng trên Đại lộ thứ năm xuống phía Nam qua công viên Trung Tâm. Tờ The New York Times đã xuất bản một bài có tựa đề “Về New York” kể câu chuyện về một phụ nữ mà chồng của bà bị đau ngực khi họ sắp đến lượt vào tham quan triển lãm. Trước khi bước lên xe cứu thương cùng với chồng, bà đã xin các viên chức bảo tàng bảo đảm rằng bà có thể quay trở về chỗ đã đứng đợi trong hàng khách tham quan khi chồng bà đã được chuyển đến phòng cấp cứu an toàn.

Mãi mãi là sự kiện bom tấn
Để hòa hợp với sự phá cách của Hoving, cuộc triển lãm ở Bảo Tàng Đô Thị đã được sắp đặt một cách khác hẳn so với những cuộc khác. Cuộc trình diễn về vua Tut đã diễn ra trong những phòng trưng bày đồ cổ Ai Cập ở hành lang giữa phía Bắc bảo tàng. Silver đã nghiên cứu những lần sắp đặt các buổi triển lãm trước đó và đã bị thuyết phục, chia sẻ “chúng tôi sẽ không làm theo kiểu hộp đêm, người nguyên thủy và bóng tối rùng rợn như mọi người khác đã làm. Bạn có thể thắp sáng để nhận ra một vài thứ nhưng bạn sẽ luôn bỏ qua một vài chi tiết. Mục tiêu chỉ là tỏa sáng lấp lánh vào ban ngày và lúc đó chúng trông thật đẹp đẽ. Vào ban đêm, chúng sẽ tỏa sáng lấp lánh nhưng theo một cách khác.”
Cuộc triển lãm ở Bảo Tàng Đô Thị đã đón một lượng khách tham quan khá lớn, thậm chí đến mức 40.000 khách trong một ngày, và Brown cùng với Hoving đã có thể tự hào về việc không chỉ đã biến được giấc mơ về một cuộc triển lãm về vua Tut ở trên đất Mỹ, mà về việc họ đã thực hiện nó thành công ngoài sự mong đợi. Một cuộc trưng cầu ý kiến tổ chức bởi Bảo Tàng Đô Thị đã có kết luận rằng “Những kho báu của Tutankhamun” đã bơm một số tiền 111 triệu đôla cho nền kinh tế New York, nếu tính cả lượng tiền mà những khách tham quan đã chi trả cho các khách sạn, nhà hàng, việc mua sắm và di chuyển. Các quan chức Chicago đã ước tính một cú hích kinh tế khoảng 42 triệu đôla chỉ trong vòng 4 tháng nhờ cuộc triển lãm về vua Tut, trong khi New Orleans đã ước tính một cú hích kinh tế do cuộc triển lãm mang lại là 70 triệu đôla, một lượng tiền đáng ngạc nhiên (cho một thành phố nhỏ).
Về phần Hoving, ông đã từ bỏ Bảo Tàng Đô Thị vào thời điểm “Những kho báu của Tutankhamun” đến bảo tàng. Ông đã tự thiết lập một công ty tư vấn của riêng mình và đã đóng vai trò tham vấn nghệ thuật cho tạp chí ABC 20/20. Hoving đã qua đời vì ung thư phổi vào tháng 12 năm 2009, và danh từ “cuộc triển lãm bom tấn” đã xuất hiện trên đoạn văn đầu tiên của những cuốn tiểu sử viết về ông. 

(Theo Vanityfair) - Vũ Hoàng Luân dịch

Bình luận
vtcnews.vn