Vì sao ông Trần Bắc Hà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Pháp luậtThứ Tư, 10/01/2018 07:50:00 +07:00

Các luật sư phân tích lý do ông Trần Bắc Hà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại phiên xử Trầm Bê - Phạm Công Danh cùng 44 đồng phạm vào chiều 9/1, HĐXX cho biết ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), có đơn xin vắng mặt vì đang điều trị ung thư gan.

Theo hồ sơ tố tụng, ông này từng là Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng đầu tư (thuộc Ủy ban Quản lý rủi ro của BIDV), đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho các công ty của Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam - VNCB) vay 4.700 tỷ đồng.

Ông Trần Bắc Hà phạm tội nếu BIDV thiệt hại

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết trong vụ án của Phạm Công Danh, ông Trần Bắc Hà nếu bị xử lý hình sự thì có thể phạm vào hành vi Vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Người bị xử lý hành vi này phải thỏa mãn hai điều kiện cần và đủ.

Vi sao ong Tran Bac Ha khong bi truy cuu trach nhiem hinh su? hinh anh 1

Ông Trần Bắc Hà. Ảnh: BIDV. 

Cần là phải có xác lập việc ký cho 12 công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng. Đủ là ngân hàng cho vay, tức BIDV, phải bị thiệt hại về tài sản.

"Nếu thiệt hại, có hậu quả xảy ra thì ông Trần Bắc Hà có yếu tố cấu thành tội phạm. Trường hợp BIDV xác định ngân hàng này không thiệt hại thì ông Hà không phạm tội", luật sư Đức phân tích.

 Theo luật sư Đức, cáo trạng cho rằng kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước xác định BIDV không thiệt hại nhưng quá trình xét xử và tranh luận công khai tại tòa, nếu HĐXX thấy có đủ căn cứ cho rằng cựu Chủ tịch HĐQT BIDV có tội thì tòa án có quyền khởi tố bị can tại tòa.

"Ví dụ như trước đây xác định không thiệt hại nhưng tại tòa, HĐXX xác định có thiệt hại hoặc BIDV có văn bản mới cho rằng ngân hàng thiệt hại thì phải xử lý ông Trần Bắc Hà", vị luật sư phân tích.

Cùng Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, luật sư Nguyễn Trường Thành nói BIDV không mất tiền thì không thể xử lý hình sự ông Trần Bắc Hà, bởi hậu quả không xảy ra.

Về nguyên tắc tội Vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thì phải có hậu quả xảy ra tại ngân hàng cho vay.

"Tội này bắt buộc phải có hậu quả nếu anh cho vay sai nguyên tắc. Nếu có sai mà không gây hậu quả cũng không thể truy cứu ông Trần Bắc Hà. Tội này phải thỏa mãn hai điều kiện cần và đủ. Cần là vi phạm những quy định về cho vay, đủ là gây ra hậu quả nghiêm trọng", ông Thành chia sẻ.

Cần triệu tập giám định viên của Ngân hàng Nhà nước

Quan tâm đến vụ án Trầm Bê - Phạm Công Danh, ông Nguyễn Việt Thắng, nguyên Phó chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng, nói rằng trong vụ này ông Trần Bắc Hà có hai tư cách là "người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan" và "người làm chứng".

Trong tố tụng, HĐXX có quyền áp giải nhân chứng chứ không áp giải người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Vi sao ong Tran Bac Ha khong bi truy cuu trach nhiem hinh su? hinh anh 2

Phạm Công Danh tại tòa ngày 9/1. Ảnh: Tùng Tin. 

Khi cơ quan công tố quyết tâm đề nghị ông Trần Bắc Hà phải có mặt tại tòa để cho lời khai khách quan thì HĐXX phải áp giải cựu Chủ tịch HĐQT BIDV.

Trường hợp ông Hà gửi đơn xin vắng mặt với lý do chính đáng (đi trị bệnh ung thư gan) thì HĐXX công bố lời khai có trong hồ sơ.

Vấn đề đặt ra trong vụ án này là kết quả giám định của Ngân hàng Nhà nước thể hiện BIDV không có thiệt hại. Để kết quả này khách quan thì HĐXX phải triệu tập giám định viên ra tòa. Tại tòa, giám định viên cần trả lời HĐXX về việc vì sao BIDV không thiệt hại bởi HĐXX có thể chưa tin vào kết quả giám định.

"Tòa thẩm vấn giám định viên để xem người này với ông Hà có câu móc với nhau hay không. Nếu xác định có điều này thì HĐXX có thể khởi tố ông Trần Bắc Hà tại tòa", ông Thắng nói.

Video: Trầm Bê, Phạm Công danh nghe VKS công bố cáo trạng

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn