Vì sao nhiều người tin vào lang băm, “người giời”?

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 07/10/2011 06:13:00 +07:00

(VTC News) - Báo chí càng đả phá, lên án, thì người dân kéo đến gặp lang băm, “người giời” chữa bệnh càng đông.

(VTC News) - Báo chí càng đả phá, lên án, thì người dân kéo đến gặp lang băm, “người giời” chữa bệnh càng đông.

“Người giời” kiêm “thần y” Phạm Thị Phú, còn gọi là cậu Phú “cò” (vì nhà cô ở Phố Cò, Sông Công, Thái Nguyên) quá là nổi tiếng. Cô nổi tiếng có lẽ không phải vì chữa khỏi bệnh cho nhiều người, mà có lẽ là bị báo chí bêu riếu nhiều quá. Nhưng khổ nỗi, tôi theo dõi mấy năm nay, báo chí càng đả phá, lên án, thì người dân khắp nơi kéo đến nhà cô chữa bệnh càng đông. Người ta cứ cởi trần trùng trục cả ra cho cô dẫm đạp, rồi thậm chí cô cầm chân bệnh nhân dốc ngược lên trời. Trên thế giới có lẽ không có kiểu chữa bệnh như thế này. Kiểu chữa bệnh đó là do “Thánh” dạy. “Thánh” dạy cô Phú thế nào, thì cô chữa cho người trần thế ấy.

Cô Phú "cò" chữa bách bệnh bằng cách dẫm đạp. (ảnh NNVN)

Làng trên xóm dưới, tỉnh nọ tỉnh kia đều xôn xao với cách chữa bệnh của cô. Người thì tin cô là “Thánh” thật sự, người không tin nhưng tò mò, người đặt câu hỏi: “Phải chữa khỏi bệnh mới đông người kéo đến thế chứ?”… Thế là, cả người tin, không tin và nghi ngờ đều kéo nhau đến nhà cô Phú để chữa bệnh. Bệnh nhân đã đông lại càng đông hơn. Chính quyền dù cấm kiểu chữa bệnh chẳng giống ai đó, song cũng khó có thể ngăn cản. Người dân đi mấy trăm cây số đến, ai nỡ đuổi người ta về. Thế là, công cuộc cứu nhân độ thế của cô cứ tiếp diễn hết năm này qua năm khác, bất chấp sự phản đối của chính quyền địa phương, cơ quan y tế.

Lang Tiên ở xã Yên Kiện (Đoan Hùng, Phú Thọ), nổi tiếng sờ lưng đoán bệnh. Đây là hình ảnh lang Tiên 7 năm trước, khi bắt đầu "giáng thế" chữa bệnh. 

Tôi có bà bá ruột, là nguyên giáo viên cấp 2, dạy môn sinh học hẳn hoi, là Đinh Thị Xuân (Thụy Hà, Thái Thụy, Thái Bình), cũng vì nghe tin đồn nên muốn lên nhà cô Phú chữa bệnh xem thế nào. Cả xóm tổ chức, gồm mấy chục người, thuê chuyến ôtô đi 200 cây số lên tận Thái Nguyên chữa bệnh. Có người bệnh nặng, có người bệnh nhẹ, có người chẳng có bệnh nhưng cứ đi xem “người giời” có phát hiện ra bệnh gì không. Số tiền tốn kém cũng không đáng là bao, chỉ đóng góp 100 ngàn tiền thuê ôtô.

Ngày bắt đầu chữa bệnh, lang Tiên nghèo lắm, sống trong ngôi nhà vách đất như thế này. 

Bá tôi mắc bệnh phù nề các khớp, đau đớn không ngủ được. Đêm cứ thức dậy đi lại. Chữa các loại bệnh viện, uống đủ thuốc đông tây, song bệnh chỉ thuyên giảm, không khỏi. Cứ hết thuốc, lại đau. Có lẽ, đó cũng là nguyên nhân khiến bá tôi đặt niềm tin ghê gớm vào “người giời”. Tôi quá hiểu kiểu chữa bệnh dị đoan của các “người giời”, nhất là cô Phú, nhưng khuyên mãi không được, vì bá muốn thử.

5 năm trước, mỗi ngày, nhà lang Tiên chỉ có lưa thưa chục khách. 

Bá lên nhà cô Phú theo cả đoàn, cũng cở áo ra, cho cô dẫm đạp lên người, các khớp tay chân. Bá thông báo tin mừng cho tôi, là thấy đỡ đau đôi chút. Để khỏi hẳn, theo lời cô Phú, thì phải đi lại nhiều lần nữa. Nghe bá nói thế, tôi chỉ biết cười thầm, vì tôi hiểu chuyện này rồi. Thế là, riêng trong xóm bá tôi, mọi người tổ chức đến cả chục chuyến lên Thái Nguyên cho cô Phú dẫm đạp. Sau cả chục chuyến đi ấy, tôi hỏi bá, bá bảo: “Chẳng khỏi tý nào cháu ạ!”. Cả xóm của bá, có một vài người, có vẻ như bớt chút bệnh đau đầu… Chỉ có vậy thôi. Mấy bà, mấy bác ung thư, người vẫn vật vờ với bệnh, người đã về thiên cổ, không còn theo cô Phú chữa bệnh được nữa.

Bác sĩ trạm xá xã Yên Kiện xem xét và khẳng định thuốc chữa bệnh của lang Tiên gồm 3 thứ củi chặt trên rừng. 

Thế nhưng, chỉ với mấy người thuyên giảm bệnh đau đầu, sẽ lại là một cơn bão thông tin lan đến làng khác, xã khác, huyện khác, tỉnh khác… về sự thần kỳ của một “người giời”. Người tin, người không tin, người tò mò… lại tiếp tục thuê xe kéo lên Thái Nguyên. Tôi tin chắc rằng, mấy bà, mấy chị mắc bệnh đau đầu kia, nếu không lên nhà cô Phú, cũng có thể tự khỏi. Nhiều căn bệnh bình thường, cơ thể tự chữa trị để khỏi được. Họ cũng có thể khỏi bệnh vì có niềm tin quá lớn trước “người giời”.

Thuốc của lang Tiên đây. 
 

Cách đây chừng 7 năm, tôi lên Đoan Hùng công tác, thì nghe mấy bác sĩ ở trung tâm y tế huyện kể chuyện rất hài ước: Có ông lang xưng là lang Tiên (Yên Kiện, Đoan Hùng, Phú Thọ), cứ sờ lưng là đọc bệnh, bốc thuốc. Mà thuốc chỉ gồm 3 loại cây chặt trong rừng, bốc cho ai cũng như ai. Thấy chuyện hài quá, tôi nhập vai bệnh nhân để điều tra, tìm hiểu và được “thầy” sờ lưng chữa bệnh. Sờ xong, thầy phán cho cả đống bệnh, làm tôi phát hãi. Rồi tôi cũng được bốc cho mấy gói thuốc. Nói thực, sau khi nhìn mấy đệ tử dưới bếp nhà thầy chặt chém gốc cây làm thuốc, tôi vứt xừ nó đi. Khi đó, nhà ông Tiên này trát đất, tường vách  loang lổ, xộc xệch, thông thốc gió. Mỗi ngày cũng chỉ lưa thưa chục khách.

Tôi viết bài điều tra, đầy đủ ý kiến các nhà khoa học, y tế. Các cơ quan chức năng cũng vào cuộc xử lý, phạt ông lang này vì cách chữa bệnh phi khoa học.

Sau khi tác giả viết bài điều tra, lật tẩy trò chữa bệnh bịp bợm, các cơ quan vào cuộc xử phạt, nghiêm cấm lang Tiên chữa bệnh, những tưởng lang Tiên sẽ quay về nghề chăn vịt, nào ngờ, mỗi ngày, có cả ngàn người kéo đến, ô tô xếp dài tít hút. 

Thế nhưng, mấy năm sau, tôi có việc qua Đoan Hùng, thấy ô tô đỗ từ Quốc lộ 2 vào đến tận nhà lang Tiên, dài cả km. Mỗi ngày, có hàng ngàn người xếp hàng, dựng lều ăn ngủ, để được ông lang này sờ lưng chữa bệnh. Thật là khó hiểu. Thuốc của ông lang Tiên này thì vẫn chỉ có vậy. Lang tiên đã chặt hết 3 loại cây gỗ dại ở cánh rừng sau nhà, nên phải thuê xe tải chở từ nơi khác về. Cả chục người dao rìu chặt chém chan chát vào thân cây to như cây chuối để lấy thuốc cho bệnh nhân tứ xứ. Tôi đã mất vài ngày để điều tra, tìm hiểu xem vì sao sau khi báo chí điều tra, phán ánh kiểu chữa bệnh dị đoan, quái gở kia, tưởng người bệnh phải hiểu rõ mà tránh, nhưng ngược lại, người ta lại càng kéo đến nhiều hơn.

Lúc nào cũng có hàng trăm, cả ngàn người chầu chực để được lang Tiên sờ lưng chữa bệnh. 

Người đọc báo thường đặt câu hỏi: “Không có lửa làm sao có khói. Ông lang này phải chữa bệnh giỏi lắm mới đông người đến thế chứ?”. Thế là, họ tin ông lang kia, chứ không tin báo chí, không tin các bác sĩ khuyên bảo. Báo chí “đánh” ông lang băm kia, bỗng thành quảng cáo cho ông ta. Chuyện này cũng giống như các vụ scandal. Mấy cô diễn viên, ca sĩ, người mẫu thường dùng trò lố bịch để gây dư luận chú ý và thành nổi tiếng.

Người dân quanh nhà lang Tiên từ chỗ nói xấu đã chuyển sang ca ngợi, bốc giời cho lang Tiên. Nhờ có lang Tiên, mà dân trong xóm làm ăn, buôn bán phát đạt. 

Tôi đã hỏi rất nhiều bệnh nhân tụ tập quanh nhà ông lang Tiên. Ai cũng kể vanh vách, người xã cạnh khỏi ung thư, người huyện bên khỏi tâm thần, người tỉnh cạnh khỏi câm điếc… Tiếng đồn thì rất nhiều, nhưng tôi không thể có được một địa chỉ cụ thể, tên tuổi bệnh nhân đã khỏi cụ thể. Tất cả chỉ là tin đồn và người ta tin vào tin đồn, chứ không tin vào báo chí và các cơ quan chức năng, các bác sĩ được đào tạo bằng khoa học, trường lớp thực sự.

Lang Tiên đã thành triệu phú nhờ niềm tin mù quáng, mụ mị của con người. 

Ngày xưa, những người dân trong xóm đều cười sặc sụa khi tôi hỏi chuyện về ông lang Tiên. Họ kể anh này vốn nhà nghèo, đi chăn vịt. Sau đó, anh tự dưng tuyên bố thành Tiên, chữa được bách bệnh. Tuy nhiên, giờ thì ít người trong xóm chê anh. Nhiều người quay sang tâng bốc ông lang Tiên này lên giời. Anh ta được tâng bốc là vì đã làm giàu cho cả làng. Nhà nhà xây nhà trọ cho bệnh nhân thuê, nhà nhà mở hàng quán kiếm sống, thôi thì đủ các dịch vụ. Cả làng ông lang Tiên ngày nào cũng như có hội. Bệnh nhân kéo về càng đông thì ông lang và dân làng càng giàu.

Ngoài ra, đám lái xe cũng tích cực tuyên truyền, bịa tạc các câu chuyện về khả năng chữa bệnh thần kỳ của lang Tiên. Đám lái xe có lợi lớn. Họ tuyên truyền cho cả xã, cả huyện. Người dân khắp xã, huyện rủ nhau lên ông lang Tiên chữa bệnh thì nhà xe kiếm được nhiều công ăn việc làm. Mỗi người bỏ ra trăm bạc thuê xe không đáng là bao, nhưng nhà xe thì thu về vài triệu một chuyến.

Còn tiếp…

Sông Diêm

Bình luận
vtcnews.vn